Quảng Ninh đầu tư cơ sở hạ tầng, tham vọng thành Đà Nẵng thứ hai

0
11
Quang Ninh dau tu co so ha tang, tham vong thanh Da Nang thu hai hinh anh 1

Nếu Đà Nẵng được ví như thủ phủ du lịch của miền Trung thì tại miền Bắc, Quảng Ninh cũng đang dần khẳng định vị thế tương tự, nhờ nỗ lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng và dịch vụ.

Từ một địa phương suốt nhiều năm chỉ gắn liền với danh xưng “rốn than” và ôm trong lòng di sản thiên nhiên thế giới, Quảng Ninh đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

Chỉ trong 5 năm, lượng du khách đến Quảng Ninh đã tăng gần gấp đôi từ 7,5 triệu lượt năm 2014 lên hơn 12,2 triệu lượt năm 2018, với mức tăng bình quân 11% mỗi năm. Năm 2018, tỉnh đón hơn 12,2 triệu lượt khách du lịch, trong đó có hơn 5,2 triệu lượt khách quốc tế (chiếm tới 1/3 lượt khách quốc tế đến Việt Nam).

Riêng 8 tháng đầu năm nay, khách du lịch đến Quảng Ninh đã đạt 10,5 triệu lượt; trong đó, khách quốc tế đạt 3,7 triệu lượt, tăng 14% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch 8 tháng đầu năm đạt 20.700 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.

Có được sự bứt phá như vậy là nhờ sự quyết liệt của tỉnh trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông và cơ sở lưu trú.

Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trên cả nước đầu tư gần 200 km đường cao tốc, sân bay, cảng biển. Trong 2,5 năm, tỉnh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 36.000 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa chiếm trên 75%, đến từ các tập đoàn chiến lược lớn.

Cao tốc Hạ Long – Hải Phòng, cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long cùng hàng loạt tổ hợp vui chơi giải trí hiện đại, dự án bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp… được kiến tạo và đưa vào hoạt động, đã tạo nên diện mạo mới đầy sức sống cho tỉnh Quảng Ninh.

Quang Ninh dau tu co so ha tang, tham vong thanh Da Nang thu hai hinh anh 3
Sân bay quốc tế Vân Đồn là một trong những công trình hạ tầng giao thông trọng điểm của tỉnh.

Trong tương lai, khi tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được hoàn thiện, thời gian di chuyển từ Hà Nội đến thành phố Móng Cái rút ngắn hơn, công trình này sẽ tạo thêm bước đà để mang lại tiềm năng phát triển kinh tế, du lịch cho toàn vùng.

Có thể thấy, nỗ lực xây dựng sân bay tư nhân, đi trước cả nước trong việc xây dựng một cảng tàu khách quốc tế chuyên biệt, không ngần ngại thuyết phục các nhà đầu tư lớn vào cuộc để tạo nên những cao tốc đẹp, đã giúp du lịch Quảng Ninh “cất cánh”.

Bước chuyển mình của vùng đất mỏ khiến nhiều người liên tưởng đến câu chuyện thay da đổi thịt của Đà Nẵng năm nào. Từ điểm trung chuyển giữa hai ngôi sao sáng của con đường di sản miền Trung là Huế và Hội An, sau khi thực hiện đồng loạt nhiều chương trình quảng bá du lịch, cải thiện cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nhân lực, Đà Nẵng trở thành thành phố của những cái nhất – nơi phần lớn người Việt đặt lên đầu danh sách điểm đến nhất định phải tham quan.

Quang Ninh dau tu co so ha tang, tham vong thanh Da Nang thu hai hinh anh 4
Lượng du khách đến Quảng Ninh tăng trưởng đều trong năm 2019.

Nửa đầu năm nay, tổng thu du lịch của Quảng Ninh ước đạt gần 16.000 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2018, đứng thứ 3 trong danh sách 10 địa phương có nguồn thu lớn nhất về du lịch, chỉ sau TP.HCM (73.000 tỷ đồng) và Hà Nội (hơn 50.000 tỷ đồng). Con số này thậm chí vượt qua cả Đà Nẵng (hơn 11.000 tỷ đồng).

Với đà phát triển này, mục tiêu đón 14 triệu lượt khách năm 2019, 15-16 triệu lượt khách năm 2020 và 30 triệu lượt khách năm 2030 của ngành du lịch Quảng Ninh hoàn toàn không phải quá xa vời, hứa hẹn đưa thành phố di sản thành điểm sáng trên bản đồ du lịch phía bắc nói riêng và cả nước nói chung.

Nguồn: News.zing.vn