Nơi nặn tượng cúng ông Táo

0
7
Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Làng Địa Linh ở thị xã Hương Trà một thời nổi tiếng với nghề làm tượng ông Táo. Theo quan niệm của người Việt, Táo Quân – vị thần trông coi bếp của mỗi gia đình sẽ lên chầu trời ngày 23 tháng Chạp để báo cáo mọi việc diễn ra trong năm ở trần gian. Những bức tượng ông Táo được người dân mua về trưng trong gian bếp suốt cả năm, với niềm tin về sự may mắn và đủ đầy. 


Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Do công việc vất vả, thu nhập thấp, nghề làm tượng ông Táo ở làng Địa Linh (gần phố cổ Bao Vinh) nay chỉ còn gia đình ba anh em ruột Võ Văn Nam (ảnh), Võ Văn Đức và Võ Văn Hay gắn bó với nghề. Công việc này đã truyền qua nhiều thế hệ, được coi là nghề truyền thống của gia đình ông Nam. 


Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Một trong những công đoạn nặng nhọc nhất là mua và xử lý đất. Những người thợ phải chọn loại đất sét vàng không pha cát, ít lẫn tạp chất. 
Từ tháng 7 – 8 Âm lịch hàng năm, các gia đình này bắt đầu nặn tượng ông Táo với 6 công đoạn gồm chọn đất sét, nhồi đất, in khuôn, phơi nắng, nung tượng và tô màu.


Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Để có tượng đẹp, sắc nét thì phải dùng khuôn đúc bằng gỗ lim. Bên trong thân gỗ cứng được đục lõm hình một bà Táo đứng giữa hai ông Táo. Khi cho đất sét vào khuôn cần ép thật chặt, bởi lúc đó tượng thường dẻo, chưa cố định về hình dạng. Do đó, in khuôn lại là công đoạn phải làm kỹ nhất để tượng có đường nét chính xác.


Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Sau khi phơi khô dưới nắng, những bức tượng được đưa vào lò nung và đốt bằng vỏ trấu. Nếu người thợ xếp tượng vào lò không cẩn thận, khi nung ở nhiệt độ cao tượng dễ bị nứt hỏng và không bán được. Công đoạn này thường mất 4 ngày để hoàn thành.


Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Mỗi mẻ tượng gồm hơn 1.000 pho phải xếp thành từng hàng, nhiều lớp trên dưới xen kẽ, giữa các lối cần có khoảng cách để lửa cháy đều. Khi thành phẩm những bức tượng sẽ có màu vàng nhạt đặc trưng. 


Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Các bức tượng tiếp tục được phủ sơn, thường có màu chủ đạo là hồng, đỏ. Thường công đoạn vẽ trang trí đến gần ngày 23 tháng Chạp mới được thực hiện. Sau cùng, các bức tượng được đóng bao bì để tiểu thương đến mua sỉ về bán tại các chợ ở Huế và tỉnh lân cận.


Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Một mẻ tượng đang chờ khô lớp sơn đỏ vừa phủ xong. Ngày nay, những bức tượng ông Táo có nhiều thay đổi về màu sắc hơn trước, bao gồm cả việc rắc kim tuyến lên bề mặt để tượng thêm bắt mắt. 


Nơi nặn tượng cúng ông Táo

Mỗi bức tượng thành phẩm được bán với giá khoảng 5.000 – 7.000 đồng. Các gia đình tại đây sản xuất ra khoảng 70.000 tượng ông Táo để cung cấp cho thị trường dịp Tết.

Huỳnh Phương
Ảnh: Kelvin Long

Nguồn: Vnexpress.net