Chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải: Kích cầu từ những điểm đến ẩm thực

0
38
Chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải: Kích cầu từ những điểm đến ẩm thực - Ảnh 1.

Chuyên gia ẩm thực Phan Tôn Tịnh Hải: Kích cầu từ những điểm đến ẩm thực - Ảnh 1.

Bà Tịnh Hải (bìa trái) làm giám khảo tại cuộc thi “Đi tìm người nấu phở ngon” lần đầu tổ chức tại Việt Nam năm 2019 – Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngay khi vừa đặt chân đến một vùng đất, thành phố mới, thường câu hỏi đầu tiên của du khách sẽ là: “Ở đây có món gì ngon? Ăn ở đâu?…”. Có ăn ngon mới có cảm hứng nghĩ tiếp sẽ khám phá ở đâu, vui chơi gì?…

Hay ngược lại, đi dù có mệt bao nhiêu nhưng sau khi được thưởng thức bữa ăn ngon thì quan điểm về niềm vui của khách cũng sẽ thay đổi. Chất lượng dịch vụ từ khẩu vị đến cách thức không gian thưởng thức vì thế cũng rất quan trọng.

Du lịch sau COVID-19 phải có nhiều quan điểm thay đổi trong tổ chức, thiết kế sản phẩm để phù hợp với đòi hỏi mới. Sau dịch, du khách chú ý hơn vấn đề sức khoẻ, chủ yếu lựa chọn du lịch nghỉ dưỡng gắn liền ẩm thực. Để kích cầu du lịch nội địa thì việc làm phong phú lịch trình tour bằng khám phá ẩm thực địa phương là rất cần thiết, đặc biệt là tập trung tôn vinh ẩm thực vùng miền.

Theo tôi, COVID-19 xảy ra khiến ngành du lịch lâm khó. Nhưng trong cái khó ló cái khôn, trong cái thay đổi có sự thích ứng, đương nhiên ban đầu sẽ khó nhưng theo thời gian, sự thay đổi mới sẽ làm cho người tiêu dùng thay đổi và làm quen dần với những cái mới. 

Kích cầu du lịch sau dịch, các điểm đến phục vụ ẩm thực cũng sẽ tập trung vào trải nghiệm cá nhân của khách thay cho các đoàn khách như trước đây với công suất cao, hơi phức tạp một chút.

Phát triển du lịch ẩm thực còn kéo theo cơ hội kinh doanh các đặc sản, nguyên liệu địa phương đi theo, giúp phát triển kinh tế địa phương, ngành hàng liên quan, cơ hội việc làm cho lao động, đầu bếp…

Làn gió mới của du lịch hậu dịch là du khách sẽ chuyển sang ăn uống ngay tại khách sạn nơi lưu trú vì tính an toàn cao hơn, hạn chế đi nhiều nơi. Vì vậy, giá trị ẩm thực trong các khách sạn, nhà hàng phải làm sao thể hiện rõ nét tính địa phương hơn, đúng chuẩn chứ không chỉ đưa ra những món ăn ngon đơn thuần. Để làm sao thông qua ẩm thực, những nhà tổ chức thể hiện được giá trị truyền thống, thói quen ăn uống của người địa phương, giá trị đặc sản, nghệ thuật cũng như hồn địa phương được thổi vào các món ăn.

Tôi từng làm tour Ẩm thực điền dã trong các khách sạn, thông qua những tour này chúng tôi muốn đưa ra thông điệp rằng ẩm thực trong khách sạn rất giá trị, thuyết phục khách dần bỏ mặc định món ngon trong khách sạn khó tiếp cận. Hãy cho khách sạn 5 sao, nhà hàng một cơ hội và hãy tiếp cận đi để cảm nhận.

Thực tế, ẩm thực trong các khách sạn có năm tiêu chuẩn để khách không cần phải cân nhắc về giá. Đó là tiêu chuẩn chọn lựa nguyên liệu, chế biến món ăn từ các đầu bếp chuyên nghiệp, được chế biến từ các đầu bếp lành nghề, những người gia chánh ở nhà không thể nấu được, giá trị cộng hưởng từ không gian sang trọng và cuối cùng là các món ngon được chuẩn và đồng hóa chất lượng dịch vụ.

Diễn đàn du lịch Ấn tượng Việt Nam do báo Tuổi Trẻ phát động tổ chức, với sự đồng hành của: Vinpearl, Hãng hàng không Vietjet Air, Tổng công ty Saigontourist. Diễn đàn gồm các chương trình truyền thông, cuộc thi “Quê hương tôi” dành cho bạn đọc và các sự kiện tại nhiều địa phương trên cả nước. Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến hiến kế đóng góp, các bài dự thi của độc giả cả nước.

Bài dự thi xin gửi về: antuongvietnam@tuoitre.com.vn. Mời bạn đọc xem thêm thể lệ cuộc thi tại đây.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn