Người đàn ông lần theo dấu chân nhân loại

0
5
download-1-1467-1439892965.jpg

Paul Salopek đã đi bộ được 2 năm trong hành trình tái hiện con đường di cư dài hơn 33.700 km của nhân loại từ xa xưa.

Quãng đường di cư của loài người từ Phi châu ra khắp thế giới đang được Paul Salopek tái hiện bằng hành trình từ Ethiopia đến quần đảo Tierra del Fuego của Nam Mỹ. Tin rằng con người sinh ra là để dịch chuyển, phượt thủ 52 tuổi quyết định sử dụng đôi chân của mình để khám phá lịch sử nhân loại, đồng thời tái hiện cuộc hành trình qua một trang web của National Geographic mang tên “Out of Eden walk”.

download-1-1467-1439892965.jpg

Paul Salopek đi bộ để tìm hiểu về con đường di dân của nhân loại cũng như câu chuyện tại các vùng đất khác nhau. Ảnh: BBC.

Đối với Paul, cuộc hành trình này là một đích đến. Từ lúc còn là một đứa trẻ, anh đã theo chân cha rời nước Mỹ để đến với Mexico. Đến khi trở thành một nhà báo, anh dừng chân tại châu Phi, đi qua Nam Mỹ, Trung Á và vượt qua vùng chiến sự tại Balkan và Trung Đông. Điểm đặc biệt trong những chuyến hành trình của Paul là sự gắn kết với người dân bản địa.

Paul Salopek chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng, thay vì dùng máy bay để đến với một mảnh đất nào đấy rồi lại quay về, tại sao không lần bước tìm đến câu chuyện tiếp theo?”. Ý tưởng của anh bắt nguồn từ đây. Điều thôi thúc Paul thực hiện hành trình của mình là câu hỏi về nguồn cội của loài người.

Paul muốn đi qua các câu chuyện tại từng mảnh đất và kể lại với độc giả mọi trải nghiệm. Anh đã trải qua 2 tháng tại Ethiopia, đến Djibouti, vịnh Aden, biển Đỏ và vùng bờ biển Hejaz. Hiện nay anh đang có những trải nghiệm thú vị tại ngôi làng nhỏ ở phía đông Thổ Nhĩ Kỳ mang tên Agri và sắp tới sẽ tiến đến dãy núi Caucasus. Anh dự định sẽ trải qua mùa đông tại Tbilisi. 

Nói về đích cuối của cuộc hành trình – Tierra del Fuego, Paul Salopek cho biết anh đã đến đây từ trước để gặp gỡ và thu âm lời nói của Cristina Calderón, một phụ nữ 84 tuổi và cũng là người cuối cùng nói tiếng địa phương Yaghán. “Tôi muốn mang lời nói của người phụ nữ này theo mình như một luồng ánh sáng nhỏ trong suốt cuộc hành trình. Vòng tròn phải bắt đầu ở chính nơi mà nó kết thúc. Người phụ nữ ấy chính là điểm bắt đầu”.

Hầu như ở nơi nào, Paul cũng có ít nhất một người bạn đồng hành dẫn anh vượt qua các vùng đất. Để đến được nhiều nơi và viết nên những câu chuyện chân thực, anh cần có người phiên dịch để giao tiếp với dân bản địa. Đối với Paul, họ không chỉ là người phiên dịch ngôn ngữ mà còn là “người phiên dịch” của thắng cảnh và văn hóa. Sự nhiệt huyết của họ cũng trở thành một động lực cho anh.

Con đường theo dấu chân nhân loại của cựu nhà báo cũng gặp không ít khó khăn. Những vùng chiến sự như Somalia hay Iran khiến anh nhiều khi phải thay đổi con đường của mình. 

Salopek-Bang3-1024x768-7082-1439892965.j

Viên đạn mà Paul suýt bị bắn trúng tại Palestine. Ảnh: Paul Salopek.

Trên đường đi anh gặp nhiều hiểm họa khó lường, nhưng điều đó không hề làm chùn bước phượt thủ. Anh còn khẳng định rằng chính việc đi bộ sẽ giúp mình an toàn hơn. Bởi nếu di chuyển bằng ô tô, anh có thể tự lao vào nguy hiểm. 

“Thế giới không hề nguy hiểm như những hình ảnh được chiếu trên tivi. Thế giới là do ta làm chủ. Đương nhiên, ở khắp nơi vẫn tồn tại chiến tranh, nạn đói, bệnh dịch, nhưng chúng ta cũng có thể bị giết chết nếu chỉ quanh quẩn ở nhà”, Paul cho biết.

Nếu độc giả dõi theo bước chân anh đến tận Tierra del Fuego, đối với Paul, đó đã là một thành công. Theo lịch trình, anh sẽ kết thúc hành trình vào năm 2020. Tuy nhiên, anh chia sẻ, có lẽ chuyến đi sẽ phải kéo dài hơn từ một đến hai năm. Paul cũng không hề lo lắng đến việc phải quay lại với cuộc sống bình thường, bởi lẽ anh là một con người ưa dịch chuyển, và đây chính là cuộc sống của anh.

Vân Giang (theo BBC)

Nguồn: Vnexpress.net