Luang Prabang ký sự – Phần 1: Bình minh cố đô Luang Prabang

0
11
noLx0UR8.jpg
noLx0UR8.jpgPhóng to
Bắt đầu một ngày mới

Chuyến bay của Hãng hàng không quốc gia Lào hạ cánh xuống sân bay Luang Prabang khi trời đã sập tối.

Cả một vùng núi non phía bắc miền Trung Lào như bị cuộn chặt trong tấm áo của đêm, những dải núi bọc xung quanh trở nên mờ ảo, không còn phân biệt được ranh giới giữa đỉnh và trời. Lác đác những ngọn đèn đêm lấp lánh, những chấm sáng li ti làm tan đi cảm giác vắng vẻ và có chút lặng lẽ của một phi trường vốn dĩ rất quen thuộc với du khách nước ngoài.

Sân bay Luang Prabang cách trung tâm thành phố và cố đô chỉ khoảng 4km đường. Taxi và tuk tuk đều được thống nhất mức giá 10 USD và 50.000 kip tương ứng cho một lượt chở khách. Thông thường một xe được phép chở tối đa ba người.

Tôi leo lên một chiếc tuk tuk khá lớn, có thể chở được cả chục người nếu cần với đống hành lý lỉnh kỉnh. Chiếc xe nổ máy lao đi trên con đường thênh thang gió và bóng tối. Dù chưa từng đến Luang Prabang, nhưng trong tôi chợt dâng lên cảm giác như thể đang trở về nhà, giống như tôi đang chạy xe đi Hải Dương và lát nữa đây sẽ được ăn bánh đậu xanh và uống trà mạn vậy.

Giấc ngủ đêm đầu tiên trên đất cố đô rất êm và sâu.

5g sáng, chuông đồng hồ kêu reng reng lôi bật tôi ra khỏi chiếc giường êm ái. Hối hả vệ sinh cá nhân và chuẩn bị máy quay, máy ảnh… Nếu ai đã từng biết gì về Luang Prabang đều cũng sẽ như tôi, dậy sớm, bước ra đường để cùng cố thành Luang Prabang đón bình minh ngày mới.

WlSJlsBy.jpgPhóng to
hBAh1L7v.jpg

Khu vực thành cổ Luang Prabang được bao bọc bởi một bên là sông Mekong, phía còn lại là sông Nam Khan, phụ lưu hợp nhất với Mekong ở cuối đường Sakkarin. Khách sạn của tôi nằm ngay trên con phố chính Sisavangvong, cùng với Sakkarin nối thành con lộ trung tâm của cố đô. Luang Prabang có khoảng hơn 40 ngôi chùa cổ lớn nhỏ có tuổi đời khác nhau, mỗi công trình mang trên mình một nét văn hóa và kiến trúc nghệ thuật riêng biệt, mỗi ngôi chùa là một câu chuyện kể không giống nhau về quá khứ và lịch sử của vùng đất này.

5g30 sáng.

Không gian khá yên lặng và trong trẻo. Tưởng như vạn vật vẫn còn đang lơ mơ trong giấc ngủ. Nhưng không, trên phố chính Sisavangvong và những con phố nhỏ hơn quanh đó, người dân đã và đang trải chiếu quỳ chân trên vỉa hè, sắp xếp đồ lễ để chuẩn bị cho buổi lễ khất thực.

Khất thực là nét văn hóa rất đặc trưng của các quốc gia theo tín ngưỡng Phật giáo. Giờ đi khất thực có thể khác nhau nhưng luôn diễn ra trước 12g trưa. Với người dân ở thành Luang, khất thực là việc “cần làm” hằng ngày, một cách tất nhiên như là hít thở hay uống nước vậy.

Ngày nay, nhiều du khách tới Luang cũng thích thú và thành tâm tham gia nghi lễ khất thực. Họ trả tiền mua một giỏ đồ ăn từ những người dân bán hàng rong trên phố và cũng ngồi chờ đoàn các nhà sư đi qua, kính cẩn đặt đồ lễ vào thố và trải nghiệm những giây phút yên lặng, bình an trong tâm hồn.

2qCTi56E.jpgPhóng to
N7QOFavV.jpg
EnCPdDsK.jpg

Bình minh Luang Prabang bắt đầu từ phía ngã ba sông, nơi nước sông Nậm Khan hòa mình vào nước sông Mekong để cùng nhau tiếp tục hành trình đi về phía biển Đông. Và ngày mới ở Luang Prabang bắt đầu bằng hoạt động khất thực của các vị sư và người dân trong vùng.

6g sáng.

Các nhà sư xếp thành hàng dài đi chân trần, vai khoác thố, đi quanh phố để nhận đồ lễ dâng của người dân, gồm đồ ăn chín, bánh trái và hương hoa.

Các nhà sư ở cùng một chùa sẽ đi thành một nhóm. Đi đầu đoàn luôn là nhà sự trụ trì và các nhà sư khác rồi đến các nhà sư mới tu. Từng đoàn xuất phát từ cổng chùa riêng của mình và nối vào nhau ở mỗi góc phố, chậm rãi và từ từ.

Nếu tinh ý, bạn vẫn sẽ nhận ra từng đoàn riêng biệt bằng việc nhìn vào cách mặc áo cà sa và nhận ra vị sư đứng đầu trong một đoàn người. Các nhà sư luôn choàng áo mà không có đai thắt ngang bụng, chỉ có những người mới tu mới phải dùng dải dây lưng.

Mỗi ngôi chùa ở Luang Prabang thường có từ hai đến ba nhà sư, còn lại là các nhà sư trẻ mới tu, những người chỉ vào chùa học tập và rèn luyện trong một thời gian nhất định nào đó tùy theo kế hoạch riêng của mình. Có người sau này trở thành nhà sư, nhưng có người chỉ đi tu trong một vài năm rồi làm lễ “ra chùa”, trở về với cuộc sống bình thường.

kNb4At3y.jpgPhóng to

Đi tu là một việc khá phổ biến ở Lào, nhất là với đàn ông. Có phải vì được sống và phát triển nhân cách trong môi trường từ bi của đạo Phật và đó cũng là lý do nhiều người dân Lào rất hiền lành, thân thiện?

Tôi không biết chắc, nhưng tôi đã gặp rất nhiều những nhà sư trẻ ở thành Luang đến từ những miền đất xa xôi trên đất Lào, người đi tu lâu cũng được hơn sáu năm, người ít cũng được một tuần, họ luôn là những con người thân thiện, mộc mạc và hiếu khách vô cùng. Nói chuyện với họ, tôi thấy lòng mình lặng đi, thấy thời gian ở Luang Prabang như ngừng lại, cuộc sống sao thật chậm rãi và bình thản, không còn bon chen, giành giật, không còn lo nghĩ tới những điều vất vả hay cực nhọc khó khăn.

Thông thường các nhà sư ở Luang Prabang sẽ thức dậy lúc 4g sáng, tới chùa chính đọc kinh sáng trước khi ra khỏi chùa đi khất thực. Những đồ lễ được dâng từ người dân chính là đồ ăn hằng ngày của họ. Họ có thể ăn cả đồ mặn và đồ chay, ngoại trừ hai loài động vật là rắn và chó. Rắn là loài vật linh thiêng, luôn hiện thân trong kiến trúc chùa chiền và các đồ vật cúng tế trong Phật giáo, được trang trí trên các mái chùa hoặc cách điệu làm máng dẫn nước trong lễ tắm Phật hằng năm. Còn chó luôn là người bạn đồng hành thân thiết của nhà chùa.

Hình ảnh một đoàn các nhà sư trong màu áo cà sa vàng rực đã trở thành một biểu tượng của cố đô Luang Prabang trên toàn thế giới.

Những bước chân trần chậm rãi, ánh mắt trầm tư của vị sư trụ trì, nụ cười tinh nghịch của nhóm sư trẻ măng, bờ vai trần lặng lẽ… Tất cả lưu lại trong lòng du khách những ấn tượng sâu sắc đến mức đôi khi bạn cảm thấy nghẹn thở và vội vã như thể, những gì đang diễn ra giống như một giấc mơ, nó sẽ tan biến đi bất kỳ lúc nào.

Tất cả các buổi sáng ở Luang Prabang tôi đều dậy sớm và đi về cuối đường Sakkarin, nơi có ngôi chùa Wat Xieng Thong quan trọng bậc nhất ở đây. Tôi đi như chạy trên phố khi phần lớn các du khách và người dân tập trung trên đường Sisavangvong chờ buổi lễ khất thực. Tôi đi qua những ngôi nhà cổ vừa lộng lẫy vừa mộc mạc của thành Luang, ánh đèn vàng buổi sớm trở nên lung linh huyền ảo, những thố xôi xếp hàng dài trước cửa nhà…

Tôi đứng chờ ở cổng chùa, nơi mà những ngôi chùa không xây tường rào bao bọc tạo ra sự cách biệt, nó chỉ là một ranh giới mỏng, một ranh giới vật lý mơ hồ màu trắng thân thiện và gần gũi với cuộc sống, một cách rất bình thường.

8dTMkuPh.jpgPhóng to
HpIDLuaX.jpg

Vị sư trụ trì bước ra trước nhất, lác đác các nhà sư khác tập trung xếp hàng phía sau. Tôi quan sát đoàn sư ở một ngôi chùa lúc nào cũng có hai chú chó mắt đã lèm nhèm vì già cả, sáng nào cũng tham gia và đi đầu trong đoàn người, một cách thong thả và cần mẫn. Đoàn các nhà sư ở chùa Wat Xieng Thong thì đông hơn với gần hai chục nhà sư trẻ thắt dải dây lưng màu vàng rực.

Đoàn người khất thực nom như một dải lụa mềm mại bị gió cuốn đi trên phố, chậm rãi chuyển động, vừa cuốn hút bởi sắc vàng cam rực rỡ, lại như vừa muốn ẩn mình trong sự trầm mặc cũ kỹ của thành Luang.

Có lẽ không nhiều người kịp đi theo dải lụa cà sa này vào những con phố nhỏ, khuất nẻo ở thành Luang nếu không có nhiều thời gian để trải nghiệm và đón bình minh ít nhất là vài ba lần. Bởi lẽ có quá nhiều thứ sẽ cuốn hút bạn, và chỉ cần lãng đi một chút, câu chuyện ở phố bên này đã rất khác với hình ảnh ở phố bên kia.

Tôi thích rời khỏi con phố chính Sisavangvong vốn luôn đầy ắp du khách và cả xe cộ, làm bớt đi phần nào sự êm ả thường trực của Luang Prabang. Tôi thích đi theo đoàn khất thực vào con phố nhỏ nằm giữa đường Khem Khong dọc sông Mekong và phố chính Sisavangvong dắt thẳng đến cổng bên của chùa Wat Xieng Thong.

Từ góc nhìn này của cố đô, bạn sẽ thấy một Luang Prabang chân thật hơn với những ông già, bà cụ tay run run dâng lễ trước cửa ngôi nhà gỗ, những hàng rào đầy hoa, những khoảng sân với bồn cây cảnh xếp dọc hiên và góc vườn. Thời gian như lắng lại trong từng bước chân trần lặng lẽ… Thỉnh thoảng lại có một tay máy hối hả chạy trên phố, khuấy động cái không gian đang trầm tư, họ đi tìm và ghi lại những khuôn hình đẹp về dải lụa cà sa, về bình minh ngày mới ở thành Luang.

reZnSDPi.jpgPhóng to
4huMjRHE.jpg

Một việc mà các nhà sư luôn làm khi trở về chùa sau nghi lễ khất thực trên phố là họ sẽ mang đồ lễ nhận được, lấy một chút xíu để dâng lên Phật tại các điểm thờ cúng trong chùa. Sau khi thành kính dâng lễ, họ vào phòng và bắt đầu bữa sáng. Ngày mới bắt đầu, thanh bình và giản dị… nhẹ nhàng như nhịp thời gian chậm rãi chảy trôi qua thành cổ Luang Prabang.

Phần 2: Những ngôi chùa cổ ở thành Luang

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn