Qatar đang là quốc gia giàu nhất hành tinh với chi phí đắt đỏ, không có tài nguyên núi rừng và cho phép chim ưng lên máy bay.
Cho phép chim ưng lên máy bay
Qatar Airways cho phép tất cả hành khách mang theo chim ưng của họ lên máy bay miễn là nó có hộ chiếu hợp lệ (UAE cấp hộ chiếu cho loài chim này). Người Qatar coi loài vật này là biểu tượng của lòng dũng cảm, tự do, kiên trì và thể hiện địa vị của người sở hữu. Ảnh: Inclusive Tourism.
Giàu nhất hành tinh
Qatar là quốc gia giàu nhất thế giới 2018 tính theo đầu người. Thu nhập bình quân đầu người của nước này là hơn 125.000 USD/người.
Tặng luôn đồ vật khi nhận được lời khen
Khi bạn công khai thể hiện sự yêu thích với một đồ vật, chủ nhân của nó thường tặng món đồ đó hoặc một thứ khác có giá trị cao hơn như một món quà. Đây là quy ước trong xã hội Qatar. Tuy nhiên, bạn có thể phải đối mặt với sự xấu hổ và những lời bàn tán. Việc từ chối lời mời đến nhà của một người Qatar bị coi là thô lỗ. Họ coi lời từ chối là sự xấu hổ với cả gia đình và sẽ không mời bạn đến lần thứ hai. Ảnh: The Conversation.
Chi phí sinh hoạt đắt đỏ
Không có căn hộ đẹp và giá rẻ trong thành phố. Giá thuê trung bình của căn hộ một phòng ngủ ở đây là 1.900 USD mỗi tháng (khoảng 45 triệu đồng), cao hơn cả bất động sản ở Mỹ. Một cốc bia loại thường tại đây cũng có giá lên tới 10 USD. Ảnh: Dawn.
Chặn các trang web hẹn hò
Qatar chặn các trang web mà họ cho là không phù hợp trên phạm vi cả nước. Đây cũng là điều phổ biến tại các quốc gia Trung Đông. Ngoài các trang web sexy, dịch vụ hẹn hò và trang web chứa nội dung đồng tính cũng bị chặn. Ảnh: The Daily Conversation.
Không có núi và rừng
Đây là một trong số ít quốc gia trên thế giới không có rừng hay ngọn núi nào. Độ cao trung bình so với mực nước biển của quốc gia này là 28 m. Điểm cao nhất của Qatar là đỉnh tòa tháp Aspire ở thủ đô Doha, cao 318 m. Ảnh: Qatar International Adventures.
Dùng robot để đua lạc đà
Đua lạc đà là bộ môn thể thao phổ biến tại các quốc gia có vùng sa mạc khắc nghiệt như Qatar. Trong quá khứ, trẻ em thường bị mua bán như nô lệ để điều khiển lạc đà. Những người chủ sở hữu lạc đà thích những đứa trẻ nhỏ và nhẹ cân, thích hợp với bộ môn này. Trẻ em thậm chí bị bỏ đói để giữ trọng lượng nhẹ trên lưng lạc đà. Dưới sức ép của dư luận trong nước và quốc tế, đến năm 2000 Qatar đã cấm trẻ em không được đua lạc đà, thay vào đó họ dùng những con robot. Ảnh: Foreign Affairs.
Bất bình đẳng
Một nghiên cứu năm 2017 do trường kinh doanh INSEAD tại châu Âu thực hiện đã xếp hạng Qatar đứng thứ 117 trên 122 quốc gia trên toàn cầu về bình đẳng giới. Nghiên cứu dựa trên số lượng phụ nữ trong lực lượng lao động, tham gia chính trị và chất lượng giáo dục mà phụ nữ nhận được.
Kết quả chỉ ra phụ nữ Qatar hầu như không tham gia vào chính trị và có xu hướng được đi học ít hơn nhiều so với nam giới. Phụ nữ theo học các trường đại học, nhưng trong các cơ sở tách biệt với nam giới. Những cuộc hôn nhân sắp đặt vẫn còn khá phổ biến.
Trang Listverse cũng cảnh báo du khách nữ khi đến Qatar nên che kín tay và chân của họ vào mọi lúc. Ảnh: The Times of Israel.
Kiều Dương
Theo Listverse
Nguồn: Vnexpress.net