Hướng dẫn viên chật vật mưu sinh

0
11
Không nhiều HDV có tour dẫn khách thường xuyên trong dịch Covid-19. Nhiều HDV tự do chật vật tìm kế mưu sinh hơn HDV cơ hữu của công ty. Ảnh: Nguyễn Nam

Không có tour, nhiều hướng dẫn viên du lịch (HDV) phải chạy xe ôm công nghệ, kinh doanh online, nước uống… để có thu nhập.

“Tôi mở ứng dụng chạy xe từ 16 giờ đến khoảng 21 giờ. Mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 300 ngàn đồng. Trừ chiết khấu của hãng xe và tiền xăng, tôi còn chừng 200 ngàn. Có hôm mở ứng dụng cả tiếng đồng hồ mà không có khách, vì thời điểm này không nhiều người đi xe công nghệ”, Huỳnh Thị Tường V. HDV nội địa cộng tác cho công ty có trụ sở ở Gò Vấp, chia sẻ.

Theo V., khi chưa xảy ra dịch Covid-19, mỗi tháng cô có thu nhập khoảng 15 triệu đến 20 triệu đồng. Nay, lượng khách mua tour không đủ để đáp ứng cho nhân viên chính thức của công ty. Vì thế, với những hướng dẫn cộng tác như cô, mức thu nhập rất bấp bênh.

“Từ Tết Nguyên đán đến giờ, tôi chỉ dẫn được 2 đoàn đi ngắn ngày về Đăk Lăk và Phan Thiết – Đà Lạt, tiền công khoảng 3 triệu đồng”, V. nói và cho biết thêm, để mưu sinh qua thời gian khó khăn này, cô phải đăng ký chạy xe ôm công nghệ. Thời gian trong ngày, cô tham gia chương trình đào tạo và học lớp dẫn chương trình do các anh chị trong công ty chia sẻ.

“Lúc làm HDV, tôi dành dụm được ít vốn. Thời điểm này ở nhà, tôi nhập hàng về bán online. Khi những mẫu giày về, tôi đưa lên trang cá nhân để bán. Nếu trừ chi phí, mỗi đôi giày bán ra, tôi lời khoảng 20%”, Trần Lê Châu S. nói. Cũng làm hướng dẫn tự do như V. nhưng từ khi du lịch “ế ẩm” vì Covid-19, Châu S. quyết định chọn kinh doanh online, bán giày để kiếm sống. Nhưng công việc kinh doanh cũng khá chật vật do nhu cầu mua sắm giảm sút.

Trong khi đó, khoảng thời gian này Nguyễn Thị M. chọn về quê (Tây Ninh). Sẵn nhà có mặt bằng, M. làm thêm bằng cách mở xe nước bán các loại sinh tố, nước ép, trà đào… “Ở nhà mãi cũng chán nên tôi kiếm việc làm thêm bằng cách đầu tư xe bán các loại nước uống. Thu nhập vài ba trăm ngàn mỗi ngày”, M. nói.

Cũng chọn cách làm thêm để kiếm thu nhập nhưng Nguyễn Mạnh T.C. “đỡ vất vả” hơn khi có thể vừa tập thể hình vừa có tiền bằng cách nhận hướng dẫn học viên. “Với mỗi học viên theo học, tôi thu được 2 triệu đồng cho gói 12 ngày, gồm cả tiền phòng tập; gói 20 ngày tập là 3 triệu, anh C. nói và cho biết thêm, tiền phòng tập phải đóng cho trung tâm mỗi tháng 400.000 đồng một người.

Không nhiều HDV có tour dẫn khách thường xuyên trong dịch Covid-19. Nhiều HDV tự do chật vật tìm kế mưu sinh hơn HDV cơ hữu của công ty. Ảnh: Nguyễn Nam

Không nhiều HDV có tour dẫn khách thường xuyên trong dịch Covid-19. Nhiều HDV tự do chật vật tìm kế mưu sinh hơn HDV cơ hữu của công ty. Ảnh: Nguyễn Nam

Theo Tổng cục Du lịch, hiện cả nước có 27.392 hướng dẫn viên, cả nội địa và quốc tế. Phần lớn trong số này là HDV hoạt động tự do, không thuộc sự quản lý về nhân sự của một đơn vị lữ hành nào.

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến lượng khách mua tour du lịch giảm mạnh. Số lượng tour bán được chỉ đủ đáp ứng cho đội ngũ HDV cơ hữu của công ty hoặc các HDV có tour thường xuyên. Số đông HDV còn lại phải chịu cảnh thất nghiệp tạm thời nhưng chưa biết kéo dài đến bao giờ.

Trước tình hình thu nhập của HDV sụt giảm, Chi hội HDV TP HCM đã thông báo đến các hội viên sẽ hoãn thu hội phí năm 2020 (mức thu 500.000 đồng/ hội viên). 

“Trên tinh thần hỗ trợ tối đa cho hướng dẫn, chúng tôi đã có kiến nghị xin miễn, giảm tiền bảo hiểm cho HDV trong năm nay. Bản thân tôi hoàn toàn ủng hộ việc miễn hội phí năm 2020 cho các bạn HDV. Tuy nhiên, vẫn phải chờ quyết định cuối cùng của Hiệp hội Du lịch Việt Nam”, bà Nguyễn Thị Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM, nói.

Nguyễn Nam

Nguồn: Vnexpress.net