Là người Quảng Bình, tôi luôn tự hào khi quê mình có hang động lớn nhất thế giới, thế giới bí ẩn được thiên nhiên ban tặng.
Bạn bè người nước ngoài liên tục hỏi tôi rất nhiều về điểm du lịch mạo hiểm mới – Sơn Đoòng. Tôi nghĩ, tại sao các bạn ấy phải bỏ ra hơn nghìn đô mua vé máy bay đến Việt Nam, trong khi tôi đang sống ở TP HCM, dễ dàng dành chỉ hơn 1,5 tiếng để về quê mình, và tận mắt nhìn ngắm, chiêm ngưỡng những điều kỳ diệu của thiên nhiên.
Khu vực cắm trại trong hang Én. Ảnh: Minh Trần. |
Thế nhưng đến thăm Sơn Đoòng không dễ. 7 ngày 6 đêm sống ở một thế giới dưới lòng đất, phải thật sự mạo hiểm leo trèo và đòi hỏi sức bền nhất định mới có thể đến được “thiên đường”. Tôi đành ngậm ngùi để dành Sơn Đoòng cho một dịp khác, nhưng ngay bây giờ, tôi nhất định phải đặt chân đến hang Én, cũng chính là điểm cắm trại đầu tiên trên đường đến Sơn Đòong, và là hang động lớn thứ 3 trên thế giới.
Tôi đã quyết tâm. Tôi tự nhủ, khi ta còn trẻ và đủ sức làm những trò điên dại của cuộc sống, ngắm nhìn những thứ kỳ diệu mà thiên nhiên ban tặng, chào đón những khoảnh khắc bằng tất cả cảm nhận của con người mình (cả thân thể và trí óc), hãy dùng hết sức lực tận hưởng những ngày tháng ấy.
Và quả thật, trải nghiệm 2 ngày 1 đêm đến Hang Én hồi đầu tháng 5 là hành trình ngắn ngủi nhưng là những ký ức mà tôi không thể nào quên. Và tôi gọi chuyến đi này không phải là du lịch, giải trí hay tận hưởng, mà là chinh phục bản thân, quan trọng hơn hết là mở tầm mắt, nhìn những điều kỳ diệu trong cuộc sống.
Để đến được hang Én, tôi và 5 người bạn ở TP HCM đã đặt tour từ trước một tháng. Mỗi tour có tối đa có 16 khách. Đoàn của tôi có 6 người Việt, 2 bạn Đức, 2 bạn Ba Lan, 2 bạn Canada và 4 bạn Mỹ.
Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có thảm thực vật, động vật đa dạng. Ảnh: Minh Trần. |
16 người đã cùng nhau leo dọc sườn núi và đi bộ hơn 4 giờ để đến được Phong Nha – Kẻ Bàng. Chúng tôi cũng đã chuẩn bị rất kỹ những vật dụng leo núi cần thiết, nhưng thật sự thì khi đi bộ dưới cái nóng gay gắt 38 độ của miền Trung cháy nắng, tôi ước mình không phải đem theo gì cả.
Chúng tôi bắt buộc phải mặc áo dài tay để tránh va quẹt vào gai nhọn, hay lá đọc có thể gây ngứa và nhức cả ngày. Giày leo núi tăng độ an toàn, đảm bảo không bị sảy chân vì trơn trợt, và cũng không phải gồng mình bấu víu đi trên những đoạn dốc gần như thẳng đứng.
Băng rừng, leo núi chinh phục hang động lớn thứ 3 thế giới
Hành trình của chúng tôi dài 2 ngày 1 đêm, 22 km đường rừng với những đoạn dốc hơn 60 độ, đi bộ dưới cái gay gắt và nóng gần 38 độ của miền Trung.
Giày tránh nước hay ủng lội suối không là gì, khi phải liên tục băng qua những con suối chảy siết cao đến gần 1 m. Thoạt đầu chúng tôi đã rất ngại khi phải liên tục bì bõm giữa suối. Đôi giày lúc này như những thau óc ách nước, mỗi bước đi là mỗi bước nặng nề. Nhưng khi khô người vì nắng, những con suối trong lành mát lạnh kia lại là phần thưởng đáng ghi nhận.
Chúng tôi băng rừng lầm lì, không ai nói với ai lời nào vì muốn giữ sức để có thể tiếp tục hành trình. Nhưng không vì thế mà chuyến đi trở nên khó khăn. Cảnh đẹp của núi rừng đã làm chúng tôi phải liên tục à ồ thán phục. Khi xe cộ khói bụi và inh ỏi tiếng kèn ở thành phố làm cho chúng ta bức bách, cảnh núi rừng rộng lớn cho chúng tôi cảm giác tự do và tràn sức sống.
Khi băng qua con suối cuối cùng để đến được cửa hang, cả đoàn gần như thấm mệt, uống từng cụm nước điện giải để giữ nước và điều hòa hơi thở. Và ngay lúc này, hang Én cho chúng tôi một thử thách mới khi phải mò mẫm trong không gian tối mịt, chỉ có đèn pin trên mũ bảo hiểm soi đường và lần theo những phiến đá nhọn sắc để có thể bám víu từng bước vào trong hang.
Bên trong hang Én. Ảnh: Minh Trần. |
Tất cả khó khăn của 4 giờ đã được đền bù hơn cả xứng đáng. Cảnh đẹp tuyệt vời hiện ra trước mắt. Ngay cả bây giờ tôi cũng không biết diễn tả bằng lời như thế nào. Khi đó, tôi cảm thấy tự hào cho chính bản thân mình, nhưng hơn cả, tôi mới thấy bản thân thật sự nhỏ bé.
Lúc ấy, tôi và các bạn đồng hành thật sự im lặng, chỉ còn đôi mắt hoạt động, phóng tầm nhìn thật rộng, thật xa để có thể trọn vẹn chiêm ngưỡng hang động lớn thứ 3 thế giới này. Đây là trải nghiệm mà tuổi trẻ nào cũng nên có, tôi thầm nghĩ!
Chuyện đời của Hồ Khanh – Người phát hiện hang Sơn Đoòng
Nhà văn Nguyễn Minh Sơn đặt cái danh cho Hồ Khanh (Phong Nha, Bố Trạch, Quảng Bình) là “Người dẫn đường số một” khi anh tìm ra hang động lớn nhất thế giới Sơn Đoòng năm 2009.
Nguồn: News.zing.vn