Chuyến chạy xe đường dài dọc duyên hải miền Trung giúp tôi cảm nhận phần nào vị mặn mòi biển cả khi những cơn gió phả vào ran rát.
Được nghỉ lễ dài ngày, tôi và hội bạn hẹn hò một chuyến tụ tập ở Nha Trang. Hầu hết mọi người đều di chuyển bằng xe khách hoặc tàu hỏa, tôi lại ngại cái việc quăng hành lý lên tàu xe, ngủ một giấc là đến nơi, thấy… phí quá. Thế là cùng vài người bạn, tôi quyết định buộc ba lô lên yên xe máy, sẵn sàng cho hành trình hơn 400 km.
Xuất phát từ lúc trời còn tờ mờ sáng, đến khi mặt trời lên chúng tôi dừng chân ăn sáng ở Đồng Nai. Mấy người trong đoàn râm ran kể chuyện về những điểm đến hay ho của các tỉnh sắp đi qua, nhưng họ cũng chưa di chuyển bằng xe máy tới đó bao giờ. Với tôi còn đặc biệt hơn, vì gần như chỉ biết về dải đất duyên hải đất nước qua sách báo. Và trong hình dung của mình, miền Trung là chút gì đó mặn mà với nắng và gió.
Chuyến đi không có lịch trình bắt buộc phải ghé những đâu, cứ tà tà chạy thẳng quốc lộ 1A rộng thênh thang. Tôi ngắm nhìn mọi cảnh vật hai bên đường lùi dần sau tay lái và giữ lại cho mình những kỷ niệm đẹp về cung đường này.
Qua địa phận Bình Thuận, mặt trời lên cao. Nắng. Sắp ra cung đường ven biển thật sự rồi. Đến thị trấn Thuận Nam (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), chúng tôi rẽ phải 20 km, tới thăm mũi Kê Gà – một cái tên quen thuộc với dân du lịch bụi. Xe bon bon trên đường vào Kê Gà có nhiều cánh đồng muối, cây thanh long được trồng thành các vườn lớn. Một lũ trẻ đi học về, khăn quàng đỏ, da đen nhoẻn cười rất tươi vẫy tay chào chúng tôi.
Thanh long xanh tốt ở vùng cát nhiều hơn đất. |
Đã cảm nhận được vị mặn mòi miền Trung khi gió biển phả vào ran rát, nắng vờn những cồn cát nhỏ. Đâu đâu cũng thấy cát, trong những ngôi nhà nhỏ, dưới bước chân, nóng rát.
Hải đăng nằm trên một đảo nhỏ, và phải thuê cano ra đảo. Những gia đình ở đây sống bằng nghề chài lưới và kiếm thêm chút đỉnh từ du lịch. Khách đến Kê Gà không đông nhưng rất đều, ngày nào cũng có khách ta, khách Tây…
Đây là ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á do người Pháp xây dựng từ năm 1897 và hoàn thiện năm 1899, tồn tại hơn 100 năm qua, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn đường biển ở khu vực này.
Chúng tôi leo gần 200 bậc thang xoáy trôn ốc để lên đỉnh hải đăng, ngắm nhìn khung cảnh trong veo của vùng biển xinh đẹp. Màu nước xanh đặc trưng của đại dương, sóng gợn nhè nhẹ và những chồng đá tạo hóa sắp đặt sao mà khéo thế. Vươn tầm mắt ra xa thì thấy bãi cát trải dài cùng những con thuyền im lìm, vài cánh hải âu chao liệng trên bầu trời trong xanh.
Cảnh biển nhìn từ đỉnh hải đăng. |
Cứ thế, cung đường ven biển với nắng gió mơn man tay lái tiếp tục, lúc thì theo quốc lộ 1A, lúc theo tỉnh lộ. Mọi mệt mỏi của việc chạy xe đường dài được xua tan bởi những gì hiện dần bên phải tay lái, nào bãi cát trắng thoai thoải, nào mấy mũi đá vàng nâu, cả những hàng phi lao xanh rì đứng vững giữa gió quần tung cát, thấp thoáng những ngôi nhà ngói được ôm trọn bởi giàn hoa đủ màu sắc.
Chiều tà ở Tuy Phong, mặt trời khuất dần sau những chiếc tuabin gió của dự án phong điện, giữa cảnh sắc yên bình khi hoàng hôn xuống, tay lái chầm chậm, thấy lòng bình yên lạ.
Hoàng hôn yên bình ở Tuy Phong (Bình Thuận). |
Trời tối dần, xe chạy thong dong, cảm nhận nhịp sống yên ả của những làng chài ven biển, bỗng hiện ra trước mắt một vùng biển lung linh dưới ánh trăng, tiếng sóng mơn man bờ cát nhè nhẹ. Cà Ná đấy, lại đúng rằm, biển và trời như tôn thêm vẻ đẹp của nhau, đùa giỡn cùng ánh trăng.
Còn khá xa mới đến cái đích là Nha Trang, chúng tôi tăng tốc, qua Phan Rang Tháp Chàm im lìm, qua Cam Ranh sầm uất. Hành trình 3 xe nối đuôi nhau trên tuyến đường huyết mạch đất nước qua dải đất miền Trung cứ thế, hài lòng vì những gì đang trải qua, và háo hức về ngày mai – Nha Trang biển gọi.
Bài và ảnh: Thanh Tuyết
Nguồn: Vnexpress.net