Đặc sắc nhất trong lễ hội là tục rước bình hương Thành Hoàng làng từ chùa ra đỉnh để tế lễ, khi hết hội lại rước về chùa để an vị. Chính hội là ngày mùng 10 tháng 2 Âm lịch nhưng ngay từ ngày mùng 9 đình và chùa làng đã được mở cửa để làm bao sái đồ thờ tự, phong cờ quạt và rước bình hương của Thành Hoàng làng từ chùa ra “đình xã” (vốn là ngôi đình chung của ba xóm cổ: Đoài, Giữa, Đồng Lĩnh) để tế lễ mở hội.
Tục lệ này xuất phát từ truyền thuyết về Thành Hoàng làng-Lê Văn Giác đại vương, xưa kia vốn là một vị quan chức nhưng vì gặp nạn mà ở ẩn tại chùa rồi trở thành sư và hóa tại chùa. Cùng với tục rước bình hương, dân làng còn tổ chức “rước nước” từ giếng cổ cạnh nghẹ chợ Sơn về đình để tế lễ. Ngày mùng 10 chính hội, phần lễ trang nghiêm với các nghi thức tế lễ, dâng lễ vật lên Thành Hoàng theo nghi thức truyền thống. Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động biểu diễn văn nghệ truyền thống và các trò chơi dân gian như: tuồng, chèo, hát ả đảo, đấu vật, chọi gà …
Qua thời gian, đình Đông Sơn đã bị phá hủy trong kháng chiến chống Pháp, hội chỉ còn được mở tập trung tại chùa Đông Sơn. Dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử nhưng dân làng vẫn gìn giữ những nét đẹp văn hóa của lễ hội chùa Đông Sơn. Bởi, không chỉ dừng lại ở một lễ hội đơn thuần mà lễ hội chùa Đông Sơn còn là dịp gắn kết cộng đồng làng xã vào hoạt động tín ngưỡng tâm linh, văn hóa, văn nghệ nhằm gìn giữ và phát huy những vốn quý của dân tộc từ thủa cha ông dựng nước.
Nguồn: Dulich.vtv.vn