Mỗi phu khuân vác thường phải mang trên lưng 35 kg để leo lên núi Kilimanjaro cùng du khách, công mỗi ngày của họ là 1,3 USD.
Justin Mtui đến từ Arusha, Tanzania, bắt đầu công việc như một porter (phu khuân vác) và hướng dẫn du khách chinh phục núi Kilimanjaro, nơi được mệnh danh là nóc nhà châu Phi, khi mới 17 tuổi.
1,3 USD là mức lương mà anh nhận được cho một ngày khuân đồ giúp du khách leo lên đỉnh cao 5.895 m (đỉnh cao nhất của núi Kilimanjaro) và phải vác theo 35 kg hành lý.
Justin Mtui có kinh niệm hơn 6 năm làm phu khuân vác trên núi Kilimanjaro. Ảnh: Nicoday. |
Justin cho biết 35 kg mà mình phải mang bao gồm đồ ăn, hành lý của khách và đồ cắm trại. Mặc dù có quy định giới hạn cân nặng của hành lý, các nhân viên quản lý ở đây đều đã được hối lộ. Do đó, họ không mấy quan tâm đến số cân nặng mà các phu khuân vác phải mang trên mình.
Phu khuân vác cũng không được người thuê mình đãi bữa ăn khi leo núi. Họ sẽ phải chuẩn bị thực phẩm mang theo từ nhà. Ảnh: Alamy. |
Tiết lộ của cựu phu khuân vác này đã khiến nhiều người bất ngờ vì không ai nghĩ rằng họ được trả công rẻ mạt đến vậy, nhất là khi làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, gian khổ.
Justin cũng nói thêm, anh thường phải ở chung lều với người khuân vác khác. Điều đó khiến anh khó có thể ngủ ngon. Đôi khi những chiếc lều cũng ở trong tình trạng tồi tệ khiến tuyết và nước ngấm vào bên trong. Đây là một điều khá nguy hiểm vì nếu không đủ ấm, các phu khuân vác sẽ bị hạ thân nhiệt, dẫn đến tử vong. “Chuyện tử vong là điều bạn có thể thấy trên núi”, Justin cho biết.
Những phu khuân vác ở quanh khu vực Kilimanjaro đều cùng cảnh ngộ với Justin. Người ít tuổi nhất làm công việc này là một cậu bé mới 14 tuổi. Dù phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt, lương ít, vẫn có nhiều người theo đuổi nghề này vì đó là cách duy nhất để kiếm tiền.
Justin đã hành nghề này hơn 6 năm, hướng dẫn và khuân đồ cho hơn 200 lượt khách. Trong những chuyến thám hiểm, leo núi kéo dài 7 ngày, anh thường được trả từ 10 USD đến 30 USD.
Kilimanjaro là ngọn núi nổi tiếng ở Tanzania và là ngọn núi cao nhất châu Phi. Ảnh: Nicoday. |
Ngày nay, Justin đang điều hành một công ty du lịch của riêng mình, với tên gọi Tanzania Expeditions. “Tôi trả cho họ mức lương tốt, giúp họ nuôi sống bản thân, gia đình. Ngoài ra, họ cũng có điều kiện để mua thiết bị thích hợp, phục vụ cho hành trình leo núi. Chúng tôi cũng cung cấp một số thiết bị cho nhân viên của mình”, Justin cho biết.
Bên cạnh đó, các nhân viên làm việc trong công ty của Justin cũng được cung cấp 3 bữa ăn một ngày. Khi leo núi, họ sẽ được phát lều tốt và chỉ phải mang vác 15 kg hành lý trên lưng.
Mục đích của Justin khi thành lập công ty là giúp đỡ và cải thiện cuộc sống cho các phu khuân vác leo núi, cũng như bảo đảm an toàn cho họ khi làm việc trong môi trường quá khắc nghiệt này.
Núi Kilimanjaro là một ngọn núi lửa đã ngừng hoạt động lâu năm. Nó là một trong 7 ngọn núi cao nhất thế giới, và được mệnh danh là nóc nhà của châu Phi. Núi gồm 3 đỉnh là Kibo, Shirra và Mawenzi. Đỉnh cao nhất là Kibo, cao 5.895 m so với mực nước biển. Đối với người dân bản địa, núi Kilimanjaro là một nơi rất quan trọng, nó biểu tượng cho nền độc lập của châu Phi. Chinh phục Kilimanjaro luôn là niềm mơ ước của mọi nhà thám hiểm trên thế giới. Mỗi năm, nơi đây đón 30.000 nhà leo núi. |
Xem thêm Những người hùng thầm lặng trên đỉnh Everest
Nguồn: Vnexpress.net