Bất chấp sự biến đổi không ngừng của môi trường sống, bộ tộc Nenets vẫn giữ gìn văn hóa và lối sống du mục trên lãnh nguyên Siberia, Nga.
Nenets là những người chăn tuần lộc, sống di cư ở bán đảo Yamal, phía bắc Siberia trong hơn một thiên niên kỷ. Đối mặt với sự khắc nghiệt của khí hậu, hàng năm người Nenets di chuyển theo đàn lớn tuần lộc đến đồng cỏ, vượt qua hàng nghìn km trên những con sông đóng băng với nhiệt độ âm 50 độ C vào mùa đông và ánh mặt trời thiêu đốt của mùa hè. Ảnh: Jimmy Nelson.
Với bộ tộc Nenets, tuần lộc là loài động vật có liên kết mạnh mẽ với con người. Chúng mang đến nguồn thức ăn, thu nhập, phương tiện đi lại, quần áo và nhà ở. Ngược lại, con người sẽ đồng hành và bảo vệ chúng khỏi nguy hiểm trong những cuộc di cư. Ảnh: Jimmy Nelson.
Người Nenets sống trong loại lều khung gỗ bao quanh bởi da tuần lộc (gọi là chum). Trên hành trình, họ sẽ mang theo lều tới những vùng cỏ tươi tốt, có nguồn nước gần và mặt đất thích hợp để lưu trú. Ảnh: Jimmy Nelson.
Ngoài trừ trà Sri Lanka, người Nenets hiếm khi sử dụng thực phẩm từ bên ngoài. Họ chủ yếu ăn thịt tuần lộc, cá và bất cứ thứ gì tìm thấy ở Bắc cực. Vào mùa hè, khi thịt không thể bảo quản, cá là nguồn dinh dưỡng chính của họ. Ảnh: Dodho.
Khi giao tiếp với nhau, người Nenets sử dụng ngôn ngữ Finno-Ugric. Tuy nhiên, đa phần người dưới 50 tuổi ở bộ tộc đều thành thạo tiếng Nga. Đây là kết quả của chính sách phát triển giáo dục từ cuối thời Stalin, khi tất cả trẻ em đều được học tập trong những trường học nội trú. Vượt qua sự phản đối trong giai đoạn đầu, ngày nay đi học là phần không thể thiếu trong cuộc sống của trẻ em Nenets. Ảnh: Jimmy Nelson.
Trong cộng đồng Nenets, phụ nữ có nhiệm vụ nấu ăn, may quần áo, chăm sóc trẻ em và tháo dỡ lều mỗi khi di cư. Đàn ông chủ yếu chăn thả tuần lộc, giết mổ và chọn những đồng cỏ lưu trú. Ảnh: Jimmy Nelson.
Người Nenets mặc trang phục truyền thống và giày từ da tuần lộc. Trong đó, trang phục của phụ nữ được gọi Yagushka, của nam là Malitsa, loại áo choàng có mũ được may từ 4 lớp da với lông ở bên ngoài. Ảnh: Jimmy Nelson.
Ngày nay, người Nenets vẫn thực hiện nghi lễ tôn giáo Shamanism. Họ mang theo tượng thần gỗ trên những chiếc xe trượt tuyết linh thiêng. Mỗi mùa, xe được tưới máu tuần lộc mới giết mổ. Thịt của chúng được chia làm đôi, một nửa để ăn và một nửa để dâng cho những vị thần. Ảnh: Jimmy Nelson.
Sau khi được phát hiện với trữ lượng dầu khí vào những năm 1970, bán đảo Yamal thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Nơi đây dần xuất hiện nhiều làng công nhân, hàng nghìn địa điểm khoan thăm dò và tuyến sắt nối Nga với phương Tây. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới lối sống của Nenets, những người sống gắn bó với bán đảo băng trên vùng lãnh nguyên Siberia. Ảnh: Atlas Gallery.
Lan Hương (Theo Culture Trip)
Nguồn: Vnexpress.net