Nhiều người dân Singapore từng dính bã kẹo lên cảm biến của tàu điện khiến cửa bị hỏng và gây gián đoạn dịch vụ.
Lệnh cấm bán kẹo cao su của Singapore có thể là điều luật nổi tiếng nhất trên thế giới. Được áp dụng vào đầu những năm 1990, luật này là một trong những điều được các nhà báo phương Tây tập trung khai thác khi viết về Singapore.
Hiện tại, quy định này nới lỏng hơn so với trước đây. Từ khi Hiệp định Thương mại Tự do Mỹ – Singapore được ký kết vào năm 2004, kẹo cao su có lợi cho sức khỏe như kẹo nha khoa hoặc các dòng sản phẩm không đường khác đều có sẵn tại các hiệu thuốc. Sự thật là sẽ không ai chặn một du khách ở cửa an ninh hoặc biên giới khi nhập cảnh Singapore vì mang theo vài gói kẹo cao su từ nước ngoài, theo Culture Trip.
Lệnh cấm nhằm giữ sạch Singapore
Lý Quang Diệu, Thủ tướng đầu tiên của Singapore, lần đầu cân nhắc tới lệnh cấm kẹo cao su vào đầu những năm 1980 do các Bộ trưởng Phát triển Quốc gia đề xuất. Vào thời điểm đó, một số biện pháp kiểm soát ban đầu đã được đưa ra, bao gồm lệnh cấm quảng cáo kẹo cao su trên truyền hình.
Trước khi có lệnh cấm, Hội đồng Phát triển Nhà ở Singapore báo cáo chi tiêu tới 150.000 SGD (hơn 2,5 tỷ đồng) mỗi năm để dọn dẹp bã kẹo cao su trên vỉa hè, trong các lỗ khóa, các phương tiện giao thông công cộng… Ảnh: AFP. |
Ban đầu, ông Lý Quang Diệu phản đối quy định này. Ông cho rằng đó là một biện pháp quá quyết liệt, trong khi vấn đề có thể dễ dàng được giải quyết thông qua giáo dục và thu tiền phạt những trường hợp vi phạm liên tục.
Tất cả thay đổi vào năm 1987, với sự ra mắt của hệ thống tàu điện cao tốc Mass Rapid Transit (MRT). Chi phí xây dựng hệ thống đã lên đến 5 tỷ USD và các chính trị gia Singapore rất vui mừng về cách MRT sẽ hiện đại hóa, thậm chí cách mạng hóa thành phố. Tuy nhiên, nhiều người dân bắt đầu dính bã kẹo trên cảm biến của tàu khiến cửa bị hỏng và gây gián đoạn dịch vụ.
Lệnh cấm có hiệu lực thực sự không?
Năm 1992, Thủ tướng Singapore Ngô Tác Đống giới thiệu luật cấm kinh doanh kẹo cao su, và có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ. Những người ủng hộ hài lòng khi điều gây khó chịu bao lâu nay sẽ biến mất, đặc biệt là những công nhân vệ sinh thường xuyên phải cạo bã kẹo trên các bề mặt khác nhau.
Trái lại, những người phản đối cảm thấy lệnh cấm khắc nghiệt này được ban hành quá đột ngột và hạn chế quyền tự do cá nhân của mỗi người. Thậm chí, một số người còn phớt lờ lệnh cấm và mạo hiểm qua biên giới Malaysia đến Johor Bahru để mua kẹo cao su.
Ông Lý Quang Diệu nói gì về lệnh cấm
Lệnh cấm kẹo cao su chỉ là một trong số các quy định mà chính phủ Singapore thi hành để cải thiện vệ sinh môi trường của hòn đảo, những luật lệ khác bao gồm cấm xả rác, khạc nhổ và vẽ graffiti.
Sau khi lệnh cấm được ban hành, một phóng viên BBC cho rằng những luật lệ hà khắc sẽ tác động tiêu cực đến tính sáng tạo trong kinh doanh – yếu tố mà ông Lý Quang Diệu luôn khuyến khích ở các doanh nghiệp. Ông Lý trả lời: “Nếu bạn không thể nảy ra ý tưởng mới vì không có kẹo cao su để nhai, hãy thử ăn một quả chuối”.
Nguồn: Vnexpress.net