Vì sao Mỹ nên chú ý tới khách Trung Quốc dù chiến tranh thương mại?

0
13
Tới năm 2030, khách Trung Quốc sẽ chiếm 25% thị trường du lịch quốc tế trên toàn thế giới, theo Telegraph. Ảnh: Asia Correspondent.

Năm 2017, hơn 131 triệu người Trung Quốc đã đi du lịch khắp thế giới, sức tiêu dùng đạt khoảng 115 tỷ USD.

Leigh Wedell hiện là COO của tập đoàn tư vấn chiến lược Basilinna có văn phòng tại Washington, DC. Wedell chuyên tư vấn cho những công ty muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc. Dưới đây là bài phân tích của COO này trên Forbes.

Trong hơn 20 năm qua, tôi đã làm việc với những khách hàng muốn đưa thương hiệu vào thị trường Trung Quốc. Phần lớn đây là những công ty trong Fortune 500 – bảng xếp hạng thường niên 500 công ty lớn nhất nước Mỹ. Gần đây, chúng tôi đã có thêm những khách hàng mới mong muốn khai thác thị trường hấp dẫn này.

Bất chấp chiến tranh thương mại liên miên, Trung Quốc vẫn giữ vững vị thế là một trong những thị trường tiêu dùng có nhiều cơ hội phát triển nhất thế kỷ 21. Những số liệu rất ấn tượng – dân số gần 1,4 tỷ người; GDP tăng trưởng gần đạt 7%. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tự tin đầu tư vào thị trường này khi nhà lãnh đạo Trung Quốc đang hướng tới chủ nghĩa tiêu dùng.

Quốc gia này trong giai đoạn chuyển dịch từ thời kỳ tăng trưởng nhanh bằng xuất khẩu và đầu tư ồ ạt, sang giai đoạn phát triển chậm dựa vào chi tiêu của người tiêu dùng. Bắc Kinh mong muốn giải phóng năng lượng tiêu dùng của toàn dân, bởi người Trung Quốc vốn nổi tiếng là tiết kiệm. Khi tầng lớp trung lưu gia tăng, du lịch nhanh chóng trở thành một nguồn chi tiêu trọng điểm.

Tới năm 2030, khách Trung Quốc sẽ chiếm 25% thị trường du lịch quốc tế trên toàn thế giới, theo Telegraph. Ảnh: Asia Correspondent.

Tới năm 2030, khách Trung Quốc sẽ chiếm 25% thị trường du lịch quốc tế trên toàn thế giới, theo Telegraph. Ảnh: Asia Correspondent.

Chính phủ Trung Quốc nắm bắt xu hướng này, và tung ra hàng loạt chính sách khuyến khích phát triển du lịch, hướng đến kế hoạch cải cách nền kinh tế và thậm chí thay đổi ưu tiên đối ngoại. Ý tưởng được đề cập chính là những du khách Trung Quốc có thể trở thành một nguồn lực văn hóa cũng như kinh tế.

Trong năm 2017, hơn 131 triệu khách Trung Quốc du lịch khắp thế giới, chi tiêu khoảng 115 tỷ USD tại nước ngoài. Riêng tại Mỹ, ước tính đến năm 2020 sẽ có 4,5 triệu lượt khách Trung Quốc đến những thành phố nổi tiếng như Las Vegas, New York và Los Angeles, theo Reuters. Trong 10 năm tiếp theo, những trải nghiệm, chi tiêu và chốn ăn nghỉ yêu thích của khách Trung Quốc sẽ định hình ngành du lịch toàn cầu.

Các thành phố, công ty, bảo tàng, cửa hàng và mọi ngành dịch vụ đều có thể thực hiện chiến dịch quảng bá đơn giản và không tốn kém, nhằm thu hút thị trường tiềm năng này.

Biết người Trung Quốc tìm kiếm điều gì

Người Trung Quốc đang trở thành những du khách thông thái. Những buổi sắm hàng hiệu miệt mài hay tour đi theo đoàn đông người vẫn là lựa chọn phổ biến hiện nay. Tuy nhiên có một xu hướng mới đang gia tăng khi ngày càng nhiều người Trung Quốc tìm kiếm trải nghiệm văn hóa độc đáo và du lịch nước ngoài tự túc, theo báo cáo của Nielsen.

Ctrip, một trong những công ty lữ hành online hàng đầu tại Trung Quốc, thống kê số tour được thiết kế theo yêu cầu tăng 220% trong năm 2017. Hàng triệu khách hàng bắt đầu đặt dịch vụ trên mạng, tự lên lịch trình và tìm hướng dẫn viên địa phương. Họ là những người trẻ có học thức, khát trải nghiệm và không ngại tìm tòi, nghiên cứu. 

Thế hệ trẻ tại Trung Quốc ngày càng chuộng du lịch nước ngoài tự túc. Ảnh: Egypt Today.

Thế hệ trẻ tại Trung Quốc ngày càng chuộng du lịch nước ngoài tự túc. Ảnh: Egypt Today.

Do đó, để thu hút những khách hàng mới từ thị trường Trung Quốc, người làm du lịch cần làm nổi bật những trải nghiệm văn hóa khác biệt tại điểm đến, nhà hàng, bảo tàng hay cửa hàng của mình.

Đầu tư cho ngôn ngữ

Vài năm trước, tôi tổ chức một chương trình du học ngắn hạn tại Chicago (Mỹ) cho các thị trưởng thành phố Trung Quốc. Tôi bất ngờ vì những bảo tàng lớn không hề có tai nghe thuyết minh bằng tiếng Trung dành cho khách đoàn. Trong khi đó, Chicago đang chạy một chiến dịch quảng bá lớn để thành phố này trở thành điểm du lịch hấp dẫn vào dịp Tết Âm lịch. 

Rào cản ngôn ngữ là yếu tố thường bị xem nhẹ. Các doanh nghiệp địa phương nên đầu tư biên dịch website, biển hiệu, hay bất cứ thông tin nào về sản phẩm sang tiếng Trung, một cách chuyên nghiệp. Khoản đầu tư này không lớn, nhưng bất cứ ai từng ra nước ngoài đều biết rằng, du khách sẽ yêu mến một điểm đến hơn nếu thấy ngôn ngữ mẹ đẻ xuất hiện ở đó.

Thanh toán tiện lợi

Khách Trung Quốc thích thanh toán bằng tài khoản “của nhà trồng được” như Alipay và UnionPay. Theo báo cáo mới đây của Nielsen về thị trường khách Trung Quốc ra nước ngoài (outbound), 65% người tham gia khảo sát từng sử dụng các phương thức thanh toán điện tử trong chuyến du lịch gần nhất. Không chỉ vậy, 91% những người này sẽ sẵn sàng mua sắm tại những chuỗi cửa hàng nước ngoài nếu nơi đó chấp nhận thương hiệu thanh toán điện tử của Trung Quốc.

Khách Trung Quốc có sức tiêu dùng lớn. Ảnh: pit.ifeng.com.

Khách Trung Quốc có sức tiêu dùng lớn. Ảnh: pit.ifeng.com.

Hợp tác với những ông lớn trong ngành du lịch Trung Quốc

Người Trung Quốc vẫn đặt dịch vụ du lịch qua những công ty lữ hành online, với hơn 70% lựa chọn Ctrip hoặc Qunar. Các doanh nghiệp có thể phối hợp với những công ty này, nhờ gửi thông tin thú vị về khách sạn, điểm đến hay thương hiệu của chính mình bằng tiếng Trung để tiếp cận thị trường.

Hiểu biết chính xác về văn hóa và chính trị

Bất kỳ chiến dịch quảng cáo nào cũng cần ý kiến từ những người có hiểu biết thấu đáo về Trung Quốc. Họ là những người sẽ nhìn nhận ra mọi vấn đề tiềm ẩn trong ý tưởng quảng cáo.

Kiến thức về văn hóa Trung Quốc có thể giúp các doanh nghiệp hoạt động chuyên nghiệp hơn. Ví dụ, tặng mũ màu xanh cho khách Trung Quốc là ý tưởng tồi tệ. Bởi theo quan niệm của người Trung Quốc, đàn ông đội mũ xanh là những người bị vợ cắm sừng. Tặng hoa trắng hay đồng hồ cũng là điều cấm kỵ. Hãy chú ý đến những điều đơn giản nhất, để phòng trừ rắc rối.

Nguồn: Vnexpress.net