Tranh cãi quanh chuyện nhà hàng Mỹ cho tôm hùm hít cần sa

0
7
Tôm hùm là hải sản yêu thích của nhiều thực khách, song loài động vật này cũng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận về những tranh cãi xung quanh việc giết chúng như thế nào cho nhân đạo. Ảnh: Islander.

Một nhà hàng ở bang Maine (Mỹ) thử nghiệm cho tôm hùm hít khói cần sa trước khi chế biến vì mục đích nhân đạo.

Nhà hàng Charlotte’s Legendary Lobster Pound ở thị trấn Southwest Harbor tại Maine, Mỹ đang thử nghiệm cho tôm hùm hít khói cần sa trước khi giết và nấu chín chúng. Tuy nhiên, theo The Verge, ý tưởng này khá thú vị nhưng không mấy hiệu quả, bởi tôm hùm không có khả năng hấp thụ những chất kích thích trong cần sa.

Dù con người chọn cách chế biến nào, việc tôm hùm có thể cảm nhận đau đớn hay không vẫn chưa ngã ngũ. “Chúng có thể cảm nhận môi trường xung quanh, nhưng chắc chắn không có khả năng nhận biết cơn đau”, theo Bob Bayer, Giám đốc Viện nghiên cứu Tôm hùm của Đại học Maine tại Mỹ. 

Trái với khẳng định của ông Bayer, một số nghiên cứu lại chỉ ra rằng những loài giáp xác có ý thức về nỗi đau nhưng thực sự con tôm hùm cảm thấy gì vẫn là câu hỏi chưa có lời giải của các nhà khoa học và những người bảo vệ động vật.

Tôm hùm là hải sản yêu thích của nhiều thực khách, song loài động vật này cũng thu hút nhiều sự chú ý của dư luận về những tranh cãi xung quanh việc giết chúng như thế nào cho nhân đạo. Ảnh: Islander.

Tôm hùm là hải sản yêu thích của nhiều thực khách nhưng cũng gây ra tranh cãi xung quanh việc giết chúng như thế nào cho nhân đạo. Ảnh: Islander.

Ngay cả khi những con tôm hùm có khả năng này, cần sa cũng không thực sự giúp ích. Dawn Boothe, chuyên gia dược lý của Đại học Aurbur (Mỹ), cho rằng cần sa có tác dụng như thuốc giảm đau trong một số trường hợp cụ thể với một số loài động vật nhất định.

Boothe chỉ ra hai vấn đề của thí nghiệm cho tôm hùm hít cần sa. Đầu tiên, các nhà khoa học không biết trong cơ thể tôm hùm có tế bào phản ứng với chất kích thích THC trong cần sa hay không. Và nếu có, những tế bào này không nhất thiết có vai trò cảm nhận cơn đau.

Thứ hai, Gill Charlotte – chủ nhà hàng Charlotte’s Legendary Lobster Pound, có thể chưa thực hiện đúng quá trình để tôm hùm hít khói cần sa. Theo đó, Charlotte cho tôm vào hộp kín, đổ xâm xấp nước và lồng ống dẫn khói cần sa dưới nước. Điều này không đảm bảo con tôm hùm có thể hấp thụ các chất trong khói cần sa.

Theo chuyên gia Boothe, các đầu bếp có thể áp dụng một cách nhân đạo hơn để giảm đau cho tôm hùm: đặt chúng vào nước lạnh để vô hiệu hóa toàn bộ giác quan. 

Ở Thụy Sĩ, quá trình chế biến tôm hùm cũng vấp phải luồng ý kiến bất bình từ những người bảo vệ động vật. Theo đó, người chế biến cần làm tôm hùm bất tỉnh bằng cách gây sốc điện, phá hủy não… Chính phủ nước này cũng ban lệnh cấm thả tôm hùm sống vào nước sôi. Luật pháp của chính quyền New Zealand và thành phố Reggio Emilia (Italy) cũng có lệnh cấm tương tự.

Nguồn: Vnexpress.net