Thành phố có tên ngắn nhất Việt Nam cuốn hút du khách bốn phương bởi nét thơ mộng, trữ tình và cổ kính của cảnh quan thiên nhiên cùng những công trình kiến trúc – văn hóa đặc sắc.
1. Thành phố nào có tên ngắn nhất Việt Nam?
Huế hiện là thành phố có tên ngắn nhất Việt Nam, chỉ với 1 từ và 3 chữ cái. Năm 1306, vua Trần gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Thành, đổi lấy hai châu Ô, Lý (Rí), về sau là xứ Thuận Hóa. Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, mở ra một chương mới trong lịch sử vùng đất này. Từ Thuận Hóa, đến Phú Xuân, rồi Huế là chặng đường dài nhiều thăng trầm. Người ta cho rằng có địa danh Huế là do đọc chệch từ Hóa mà thành. Ảnh: Lê Huy Hoàng Hải. |
2. Thành phố có tên ngắn nhất Việt Nam hiện là tỉnh lỵ của địa phương nào?
TP Huế hiện là tỉnh lỵ của Thừa Thiên – Huế. Sau ngày thống nhất đất nước, tỉnh Thừa Thiên – Huế được tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên vào năm 1989. Ngoài TP Huế, địa phương này còn có 2 thị xã là Hương Thủy, Hương Trà và 6 huyện: Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Phú Lộc, A Lưới và Nam Đông. Ảnh: Alex Nguyen. |
3. Dòng sông nào được nhắc đến trong bút ký đặc sắc “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường?
“Ai đã đặt tên cho dòng sông?” là bút ký đặc sắc của nhà văn xứ Huế Hoàng Phủ Ngọc Tường, viết về sông Hương, dòng sông biểu tượng của đất cố đô. Sông Hương có hai nguồn chính là Tả Trạch và Hữu Trạch, hợp nhau ở ngã ba Tuần trước khi chảy thật chậm qua trung tâm TP Huế rồi đổ ra cửa biển Thuận An. Đi thuyền trên sông Hương là một trải nghiệm du khách không thể bỏ qua khi ghé thăm vùng đất này. Ảnh: @anhquaninsta. |
4. Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương hiện có tên là gì?
Trường Tiền là cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hương, dài hơn 400 m, xây dựng cuối thế kỷ 19 theo kỹ thuật, vật liệu mới của Tây phương. Trong lịch sử, cầu có nhiều tên gọi, song cái tên phổ biến nhất vẫn là Trường Tiền, cũng là tên chính thức hiện nay. Đầu cầu phía tả ngạn xưa có một xưởng đúc tiền, nên người dân quen gọi là cầu Trường Tiền. Những nhịp cầu cong cong như chiếc lược ngà, bắc qua dòng Hương Giang trở thành biểu tượng thơ mộng của xứ Huế. Ảnh: @tho.carrot. |
5. Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới vào năm nào?
Ngày 11/12/1993, tại phiên họp ở Colombia, Ủy ban Di sản thế giới của UNESCO đã công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là di sản văn hóa thế giới. So với các cố đô khác của Việt Nam, Huế là nơi duy nhất còn bảo lưu khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình với hệ thống thành quách, cung điện, lăng tẩm, chùa quán… đặc sắc, thu hút nhiều du khách cả trong và ngoài nước. Ảnh: @xquiiiiin_instar. |
6. Chùa Thiên Mụ, ngôi cổ tự nổi tiếng của đất cố đô tọa lạc trên ngọn đồi nào?
Chùa Thiên Mụ, hay Linh Mụ, tọa lạc trên đồi Hà Khê ở tả ngạn sông Hương, nay thuộc phường Kim Long, TP Huế. Đồi Hà Khê dưới góc nhìn phong thủy được miêu tả là một gò cao như đầu rồng ngoảnh lại. Tương truyền chùa được dựng lên để “tụ linh khí, bền long mạch”. Với phong cảnh hữu tình, ngôi chùa linh thiêng có lịch sử hơn 400 năm này hiện là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất xứ Huế. Ảnh: @thinhdt20.08. |
7. Ngọn tháp 7 tầng ở chùa Thiên Mụ có tên là gì?
Năm 1844, tại chùa Thiên Mụ, vua Thiệu Trị cho xây tháp Từ Nhân, sau đổi là tháp Phước Duyên. Với kiến trúc độc đáo, tòa tháp hình bát giác này cao 21 m, gồm 7 tầng, mỗi tầng đều có thờ tượng Phật. Với du khách thập phương, tháp Phước Duyên ở chùa Thiên Mụ như một biểu tượng đáng nhớ của đất cố đô. Ảnh: @eveworanittha. |
Nguồn: News.zing.vn