Điều khách Tây ấn tượng về Việt Nam

0
10
Nhà hát lớn Hà Nội là một trong những điểm thu hút du khách nước ngoài. Ảnh: Kiều Dương.

Người Việt Nam coi trọng chữ tín, luôn lạc quan, kính trọng người lớn tuổi và đề cao giáo dục.

Matthew Pike là nhà văn người Canada. Anh từng có thời gian dài sống ở TP HCM, Việt Nam từ năm 2018. Chuyến du lịch gần đây nhất của anh tại dải đất hình chữ S là vào cuối tháng 4/2019, tại Đồng Hới, Phong Nha – Kẻ Bàng.

Dưới đây là những ấn tượng của anh về Việt Nam – nơi được Matthew miêu tả là “Đất nước có nền văn hóa tuyệt đẹp với bề dày lịch sử và truyền thống. Người dân có sự tôn trọng sâu sắc đối với đất đai, biển cả của tổ quốc và tổ tiên của họ”.

Coi trọng chữ tín

Theo Matthew, người phương Tây thường vận hành mọi thứ theo quan điểm: tôi nói với anh những gì tôi cần, anh cho tôi một mức giá, và sau đó bạn giao hàng. Nhưng văn hóa kinh doanh ở Việt Nam lại nhiều hơn như thế, dựa trên niềm tin và danh tiếng của người bán – kẻ mua. Với người dân ở đây, niềm tin phải mất nhiều năm để xây dựng và chỉ mất vài giây để phá hủy nó. Do vậy, bạn hãy cẩn thận đừng để mất lòng tin của mọi người. 

Không muốn bị mất mặt

Người dân rất quan tâm đến danh tiếng, uy tín cá nhân của họ và cách họ cảm nhận về bạn bè, gia đình, đồng nghiệp. Bạn nên tránh làm bất kỳ điều gì khiến họ bối rối, hoặc làm ai đó khó xử nơi công cộng. Điều đó bao gồm việc tránh tranh luận, chế giễu, đối đầu hoặc thậm chí là trao đổi quá gay gắt. Mọi người thường hạn chế gây hiềm khích vì nó khiến đôi bên đều mất mặt. Đối với phần lớn các vi phạm nhỏ, họ chỉ cần trao một cái nhìn nghiêm khắc là đủ.

Nhà hát lớn Hà Nội là một trong những điểm thu hút du khách nước ngoài. Ảnh: Kiều Dương.

Nhà hát lớn Hà Nội là một trong những điểm thu hút du khách nước ngoài. Ảnh: Kiều Dương.

Coi trọng giáo dục

Thị trường việc làm ở đây rất cạnh tranh, nên người trẻ muốn có những cơ hội tốt nhất trong sự nghiệp thường phải tập trung học tập, đứng đầu các lớp học. Điều đó đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải có những ngày dài ở trường học, các lớp học thêm. Đặc biệt, người dân đều chú trọng đến việc học tiếng Anh.

Kính trọng người lớn tuổi

Sau tên và quốc tịch, tuổi là một trong những câu hỏi đầu tiên du khách sẽ được người Việt Nam hỏi. Matthew tin rằng người Việt Nam rất tôn trọng những người có kinh nghiệm và trí tuệ. Bạn càng lớn tuổi, bạn càng được tôn trọng. Do đó, mọi người thường không nói những lời không đúng mực, chủ đề không phù hợp hoặc chửi thề khi đang trò chuyện với bề trên. 

Không đùa khi nói về chiến tranh

Bạn có thể pha trò khi nói chuyện với người dân địa phương, vì họ có khiếu hài hước tuyệt vời. Nhưng với chủ đề về chiến tranh, câu trả lời là “Không”. Đó là những năm tháng khó khăn, đau thương nhưng hào hùng của đất nước họ. Là du khách, bạn cần cẩn thận khi nhắc đến chủ đề này. 

Bạn cũng không nên chỉ trích, chê bai đất nước họ. Nếu bạn nói về vấn đề ô nhiễm, hay giao thông, bạn có thể đùa một hai câu. Nhưng nếu bạn cứ tiếp tục mỉa mai về vấn đề đó, họ sẽ khó chịu. Điều quan trọng hơn là du khách không nên quá sa đà vào việc chê bai vì nó sẽ khiến bạn không nhận ra rằng có quá nhiều thứ để yêu ở đất nước tuyệt vời này.

Luôn lạc quan

Mọi người làm việc chăm chỉ để chất lượng cuộc sống của bản thân và gia đình ngày được nâng cao. Phần lớn họ đều chung quan điểm: chăm chỉ làm việc, những hy sinh của ngày hôm nay cuối cùng sẽ được đền đáp. Du khách hiếm khi nghe thấy người dân phàn nàn về những khó khăn của họ, do đó, bạn cũng không nên bắt họ phải nghe những phàn nàn về vấn đề của bạn quá nhiều.

Trả giá khi mua đồ

Matthew miêu tả việc trả giá là “một trận chiến của sự tinh tế và chiến lược”. Bạn nên trả giá mỗi món đồ mua, và vũ khí tốt nhất của các du khách trong tình huống này là đôi chân. Bạn hãy bỏ đi nếu thấy giá bán quá cao và không thể đàm phán được với người bán. Đôi khi, việc bạn bỏ đi sẽ giúp bạn được giảm giá thêm nữa, nhưng đôi khi không.

Cuộc sống đời thường của người dân luôn thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Ảnh: Kiều Dương.

Cuộc sống đời thường của người dân luôn thu hút sự quan tâm của du khách quốc tế khi đến Việt Nam. Ảnh: Kiều Dương.

Không tip

Người Việt Nam không có văn hóa tip cho nhân viên phục vụ trong nhà hàng, khách sạn… (dù ngày nay, nhiều người trẻ bắt đầu hình thành thói quen này).

Ẩm thực rất quan trọng

Việc từ chối ăn các món ăn mà người dân nấu cho bạn ăn, khi bạn đến nhà họ, là một hành động thô lỗ. Nó như một sự xúc phạm. Bạn nên dành tặng họ những lời khen ngợi và không nên lấy thừa hay lãng phí đồ ăn. 

Anh Minh (Theo Culture Trip)

Nguồn: Vnexpress.net