Thăm “vườn Bùi chốn cũ”

0
5

Phóng to

Hình ảnh đặc trưng của làng quê Bắc bộ – Ảnh: G.Hoàng

Được thưởng thức những vần thơ trác tuyệt của Thu ẩm, Thu điếu, Thu vịnh chính tại nơi tác giả chấp bút đã để lại trong lòng những kẻ “hành hương” cảm giác khó quên.

Sau hơn một giờ đi tàu hỏa từ ga Hà Nội, chúng tôi men theo biển chỉ dẫn bên quốc lộ 1A vào một con đường nhỏ thuộc làng Vị Hạ (xã Trung Lương, huyện Bình Lục, Hà Nam) – nơi có từ đường thờ cụ Tam Nguyên Yên Đỗ.

Cả vùng chiêm trũng được trải một lớp nắng nhẹ trong tiết trời se lạnh mang đậm không khí đặc trưng của mùa thu nông thôn Bắc bộ. Cánh đồng mùa này chỉ có vài đàn vịt lặn lội, rộng mênh mông mà thưa vắng bóng người.

Đi dọc con đường làng, từng hình ảnh đặc trưng của làng quê lần lượt hiện ra như lời chỉ dẫn trữ tình nhất giúp khách lữ hành tìm tới “vườn Bùi”.

Phóng to
Cánh đồng chiêm trũng ngày thu – Ảnh: G.Hoàng

Phóng to
Ngõ trúc quanh co khách vắng teo” – Ảnh: G.Hoàng

Sự tĩnh mịch của cảnh vật làm tôi mê mải với những vần thơ trong “chùm thơ Thu” mà thi nhân để lại, dù không hỏi đường nhưng chân vẫn bước đi như thể người xưa tìm về nơi chốn cũ xưa.

Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao/ Cần trúc lơ phơ gió hắt hiu”… Màu sắc chủ đạo của mùa thu xứ này là màu xanh, xanh của da trời ai nhuộm quyện với màu xanh của ngõ trúc, ao bèo. Xen vào đó là màu vàng nhạt của vạt nắng điểm thêm chút vàng thẫm của lá vàng trước gió.

Cứ thế, ai cũng đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác bởi cảnh vật ở đây còn giữ lại nét đẹp nguyên vẹn của hơn một thế kỷ trước. Quả thật thi sĩ đã chọn lọc được những nét tinh tế nhất của cảnh vật để đưa vào bức tranh ngôn từ bằng một bút pháp vô cùng tinh diệu.

Câu chuyện thật sự bắt đầu khi chúng tôi gặp bác Tùng, hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến. Vóc dáng nhỏ bé, nụ cười hóm hỉnh, ở bác Tùng dường như cũng có chút gì đó phảng phất hình ảnh cụ Tam Nguyên.

Môn Tử Môn – cổng vào nhà cụ Tam Nguyên – Ảnh: G.Hoàng

Phóng to

Vườn Bùi chốn cũ – Ảnh: G.Hoàng

Được bác chỉ dẫn tận tình về từng di vật của người xưa và được nghe những câu chuyện về cụ Tam Nguyên, chúng tôi càng kính trọng nhân cách của cụ, một vị quan liêm khiết không chịu làm tay sai cho giặc, rồi khi “Nhân hứng cũng vừa toan cất bút/ Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào”.

Đứng trước nhân cách ấy cũng là cơ hội để người thời nay chiêm nghiệm lại chính mình.

Hơn một trăm năm nay, kể từ khi có ba bài thơ thu, cảnh vật ở đây dường như vẫn nguyên vẹn. Chỉ có căn nhà đại tế là được xây mới lại theo chương trình bảo tồn di tích quốc gia và một phần ao đã bị thu hẹp.

Cảm xúc của nhà thơ về “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái” như vẫn còn phảng phất.

Quang cảnh “vườn Bùi” giờ đây không còn nhuốm màu tâm trạng của một người dân mất nước, nhưng nó vẫn giữ được nét tươi tắn của mùa thu vùng chiêm trũng.

Bác Tùng, cháu đời thứ 5 của cụ Nguyễn Khuyến, bên cạnh từ đường thờ cụ – Ảnh: G.Hoàng

Phóng to

Tượng Nguyễn Khuyến cầm gậy trúc trong từ đường thờ cụ – Ảnh: G.Hoàng

Chúng tôi ra về mà trên người như còn vương chút nắng nhẹ, chút lá vàng và chút thư thả yên bình của làng quê Hà Nam.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn