Tết Việt trong mắt du khách quốc tế

0
8
DSC09648.jpg

Phong tục lì xì tiền đầu năm, cách nói chúc mừng năm mới là những điều du khách ở Hà Nội cảm nhận về cái Tết truyền thống của dân tộc.

Tết Nguyên Đán không chỉ là thời gian nghỉ ngơi sau một năm làm việc bận rộn mà còn là cơ hội để các thành viên trở về, đoàn tụ cùng gia đình. Với du khách quốc tế, đây cũng là lúc họ có thể tìm hiểu những điều thú vị nhất trong bức tranh văn hóa đa sắc màu của Việt Nam.

Bên cạnh các lộ trình quen thuộc, những điểm đến được giới thiệu trong sách du lịch như Văn miếu Quốc tử giám, Hoàng thành Thăng Long, Bảo tàng dân tộc học… nhiều du khách đến Việt Nam thời điểm này còn tự mình khám phá theo cách riêng để cảm nhận được không khí xuân đang rất rộn ràng. Trong mắt của họ, nét đặc trưng của Tết Việt chính là những con đường rợp cờ đỏ sao vàng, người bán hoa đào và phố xá tấp nập.

DSC09648.jpg

Hai người phụ nữ tỏ ra ngạc nhiên và òa lên thích thú khi nhìn thấy những người bán hoa đào trên phố.

Mayumi và Yuri, hai du khách đến từ Nhật Bản là những người như vậy. Sau khi đặt chân tới Hà Nội, việc đầu tiên của họ là cất gọn đồ đạc rồi nhanh chóng ra phố. Với hai người phụ nữ yêu du lịch này, thủ đô là một thành phố đầy mới mẻ và rực rỡ sắc màu. Chia sẻ với VnExpress, Yuri cho biết: “Chúng tôi đã dành cả buổi sáng ở Nhà thờ lớn rồi mua một chút quà. Các bạn có rất nhiều thứ hay mà tôi không chối từ được”. Vừa nói, Yuri vừa chỉ vào những túi đồ đặt trên ghế đá.

Khi được hỏi về Tết truyền thống Việt Nam, Mayumi chia sẻ: ” Nhật Bản không ăn Tết theo lịch âm nên khi được một người bạn làm việc ở đây kể chuyện, tôi đã rất thích thú. Chúng tôi biết được các bạn hay ăn bánh lớn màu xanh (bánh chưng) và nem vào Tết. Các bạn còn mua những cành hoa vàng và đỏ về cắm nữa. Tôi đã ghi lại tất cả những gì cô ấy chia sẻ rồi và sẽ dần tìm hiểu chúng”. Cô chỉ vào danh sách các việc cần làm trong cuốn sổ nhỏ và cười lớn.

Chỉ biết tới Tết như một sự tình cờ, Mustafa, chàng sinh viên đến từ Vương quốc Bahrain là một trường hợp khác. Anh đến Việt Nam theo một chương trình tình nguyện quốc tế. Sau khi kết thúc công việc, anh đã tranh thủ mang theo chiếc máy ảnh yêu quý để khám phá phố xá.

DSC09520-JPG-2099-1423881859.jpg

Mustafa tỏ ra tiếc nuối khi không thể ở lại Việt Nam lâu hơn.

Đứng lại khá lâu trên bậc thềm của Nhà thờ lớn, Mustafa chia sẻ rằng những người bạn Việt Nam của đội tình nguyện đã kể rất nhiều điều về Tết, một trong số đó là phong tục lì xì đầu năm mới. “Vì chương trình kết thúc sớm nên tôi sắp phải về nước rồi. Nhưng nếu có thời gian lâu hơn, nhất định tôi sẽ ở nhà để chờ bạn bè tới thăm. Khi đó chắc chắn tôi sẽ được nhận những đồng tiền may mắn. Tôi rất thích chúng”, anh cười lớn đầy sảng khoái.

Trái với hai du khách người Nhật và chàng sinh viên Bahrain, đôi vợ chồng mới cưới Brent (Canada) và Erica (Italy) lại tỏ ra đầy hứng khởi khi chia sẻ về Tết. Hai người đã chọn Việt Nam làm nơi để hưởng tuần trăng mật của mình. Họ bắt đầu hành trình từ Trung Quốc, tới Lào Cai và di chuyển theo đường cao tốc để có mặt ở Hà Nội sau 4h. Nở nụ cười rạng rỡ, Erica cho biết, họ đã khám phá một vòng quanh phố nhưng dừng lại lâu hơn ở Hàng Mã chỉ để chụp ảnh và quan sát người dân mua sắm.

DSC09635.jpg

Erica thích thú khi phát hiện cách phát âm chữ “năm” trong “Chúc mừng năm mới” giống với normal (bình thường) của tiếng Anh.

“Dường như các bạn rất thích màu đỏ và vàng phải không? Chúng tôi đã từ đi đầu phố bên kia cho tới đây, nơi nào cũng ngập tràn. Đôi khi tôi có cảm giác như mắt mình bị hoa lên khi tập trung quá lâu vào đó vậy. Nhưng tôi đã nhanh chóng làm quen được. Thật thú vị”, Brent nhìn sang các hàng xung quanh chia sẻ.

Khi được hỏi về điều ấn tượng nhất của Tết, Erica đã không chần chừ mà nói lớn: “Đó là cách các bạn nói chúc mừng năm mới. Rất khó. Một người đi đường đã dạy chúng tôi. Cả hai đã phải liên tục luyện nên giờ có thể nhớ được”. Sau đó Erica bắt nhịp cùng Brent nói đầy tự tin. Hai người cho biết họ sẽ rời Hà Nội để tới Sài Gòn và ở lại hai tuần sau đó.

 Diệu Huyền

Nguồn: Vnexpress.net