Biển mây ở vùng núi rừng Bình Liêu – Ảnh: Nguyễn Hường |
Huyện vùng cao Bình Liêu nằm sát biên giới Việt – Trung, phía đông bắc Tổ quốc. Từ trung tâm thị trấn Bình Liêu, lên tới gần đỉnh núi Mã Thông Thuận, ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển, thiên nhiên đất trời bắt đầu hiện ra bao la, hút tầm mắt.
Chỉ dành cho người Việt
Đầu năm, núi non nơi đây được bao phủ bởi một thảm thực vật trông rất độc đáo, khó thấy ngay cả ở vùng núi non Hà Giang hay Tây Bắc xa xôi. Đông Bắc là đây!
Theo cung đường tuần tra biên giới đã được bêtông hóa, khách lữ hành sẽ được đi qua rất nhiều cột mốc biên giới thiêng liêng của Tổ quốc. Khu vực cột mốc 1300 được người bản địa đặt tên là “Đồi Hạnh Phúc”.
Nhiều bạn trẻ háo hức leo lên “Đồi Hạnh Phúc” ngắm cảnh. Đứng trên đỉnh “Đồi Hạnh Phúc” giữa cái rét miền Bắc những ngày này tê tái, mọi người đều dễ thấy cảm giác cái rét bị lấn bởi khung cảnh hùng vĩ đến nao lòng. Một vùng biên giới núi liền núi, sông liền sông đích thực trước mắt.
Khi những đám sương mù dần tan, mọi người bắt đầu nhìn thấy hai đỉnh núi Mã Thông Thuận và Mỏ Toòng sừng sững, hiên ngang hiện ra. Đây chính là hai đỉnh núi cao nhất trên cung đường biên giới Việt – Trung.
Sau khi chinh phục cung đường biên giới với các cột mốc 1300, 1302, 1305, 1306… lữ khách sẽ đặt chân tới cửa khẩu quốc tế Hoành Mô, với cột mốc biên giới 1317.
Hiện nay vì lý do an ninh quốc phòng và những quy định về biên giới nên chỉ có du khách Việt Nam mới được tự do tham quan và khám phá cung đường hùng vĩ nơi biên cương này.
Chinh phục thác nước giữa rừng
Sau một đêm nghỉ chân tại trung tâm xã Hoành Mô, chỉ cần ngược một đoạn đường lên xã vùng cao Đồng Văn, du khách sẽ tìm được những ngọn thác kỳ vĩ.
Sau hơn 30 phút chạy xe, chúng tôi tới được thác Khe Tiền. Thác này nằm giữa một vùng rừng nguyên sinh thuộc thôn Khe Tiền, xã Đồng Văn. Tuy đầu năm rét mướt, không thể xuống tắm nhưng mọi người vẫn rất hào hứng khi có thể leo bộ chinh phục ba tầng thác từ chân núi.
Thác được hình thành từ các mạch nước chảy ra từ lưng chừng núi Quảng Nam Châu (cao 1.507m so với mực nước biển). Ở độ cao này, xung quanh thác suốt bốn mùa luôn có sương mù mờ ảo.
Những dòng thác đổ xuống tạo thành các hồ nước lớn bốn mùa trong xanh. Theo dân bản địa kể lại thì nơi đây gắn liền với truyền thuyết về hòn đá bảy màu tuyệt sắc. Có lẽ vậy mà nhiều người khi tới chiêm ngắm thác đã cố tìm kiếm đá bảy màu về làm kỷ niệm.
Ở xã Đồng Văn còn có ngọn thác Sông Moóc vẫn còn nguyên sơ. Ngọn thác này cao hơn 10m đổ xuống bãi đá rộng lớn tới trên 4.000m2 với những tảng đá lớn trải dài tạo không gian độc đáo, ấn tượng.
Nhưng ấn tượng nhất, hoành tráng nhất là thác Khe Vằn ở xã Húc Đông. Những dòng nước từ độ cao 1.000m ở núi Khe Văn – Thông Châu chảy ra rồi gặp các phiến đá lớn tung bọt trắng xóa. Rất nhiều mỏm đá nhô ra, nước cứ từ mỏm núi này đổ xuống mỏm kia, tạo thành ba tầng thác.
Dòng nước trắng xóa giữa núi rừng xanh thẳm. Hai bên thác là vách đá phủ rêu. Rất nhiều người nhận định đây là thác nước lớn và đẹp nhất Quảng Ninh. Thác Khe Vằn với rừng phòng hộ nguyên sơ, thảm thực vật phong phú là điểm tham quan cảnh thiên nhiên rừng, suối lý tưởng.
Ngồi bên những mỏm đá lớn, cùng nướng đồ ăn, mấy người bạn bản địa mới quen đã tiết lộ thác Khe Vằn chính là nơi hẹn hò của những cô gái, chàng trai dân tộc Sán Chỉ. Vào tháng 3 âm lịch, tại thác sẽ diễn ra lễ hội hát Soóng Cọ, rất nhiều đôi vợ chồng đã nên duyên từ những ngày hội hát này.
Để tô điểm cho vẻ đẹp của suối thác Khe Vằn là sự điểm xuyết của những bông hoa sở cánh trắng, nhụy vàng rất đẹp. Riêng về loài hoa sở, có hẳn một lễ hội được tổ chức vào trung tuần tháng 12-2016. Loài hoa này chỉ có nhiều ở vùng Bình Liêu.
Khám phá sản vật bản địa từ phiên chợ Nếu du khách tới Bình Liêu vào đúng ngày chủ nhật thì sẽ không thể bỏ qua 2 phiên chợ nổi tiếng chỉ họp vào chủ nhật tại đây. Đó là chợ trung tâm Bình Liêu và chợ Đồng Văn. Ở 2 chợ phiên này, du khách ngoài việc được gặp các cô gái Dao Thanh Phán có chiếc mũ độc đáo còn tìm thấy nhiều sản vật, đặc sản bản địa. Mận rừng, đào rừng, chuối rừng, các loại bánh của người Tày, Dao, Hoa… rất hấp dẫn. Đặc biệt, du khách quan tâm có thể khám phá một khu chợ bán thuốc nam của đồng bào dân tộc được tin tưởng chữa được nhiều loại bệnh. |
Độc đáo văn hóa Dao Thanh Phán
Lang thang trên những cung đường ở huyện vùng cao Bình Liêu, du khách sẽ bắt gặp những ngôi nhà trình tường đắp đất, chân vách, tường bao xếp đá rất lạ mắt. Đây là những nếp nhà cổ vẫn được người Dao gìn giữ và bảo tồn. Khác với ruộng bậc thang Tây Bắc, Hà Giang thường có độ dốc lớn thì ruộng bậc thang Bình Liêu thường thoai thoải. Lúa ở đây chín muộn hơn Tây Bắc khoảng 1 tháng. Trang phục của người Dao Thanh Phán – một nhánh của dân tộc Dao – ở Bình Liêu có điểm lạ, độc đáo nhất là chiếc mũ đội đầu của người phụ nữ với khung bằng tre, phủ vải màu sắc sặc sỡ. Nhiều người phủ mũ bằng vải thêu hoa văn rất cầu kỳ. Có chiếc mũ của phụ nữ cao tới 40-50cm. Mũ này khá tiện lợi bởi lúc ra đồng, để che mưa nắng, phụ nữ Dao Thanh Phán thường gắn luôn chiếc ô nhỏ trên đầu chứ không cầm tay như người dưới xuôi. |
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn