Tròn 26 tuổi, Đặng Sâm trở về quê đảo Bé Lý Sơn (Quảng Ngãi) làm “du lịch bụi” với tour soi cua đêm, lặn ngắm san hô, thả lưới bắt cá nướng… thu hút nhiều du khách.
Xã An Bình (đảo Bé), huyện Lý Sơn thơ mộng trở thành điểm đến nghỉ dưỡng hấp dẫn du khách. Tốt nghiệp đại học ngành Quản trị kinh doanh, sau ba năm mưu sinh xa nhà, Đặng Sâm (26 tuổi) quyết định trở về quê lập nghiệp.
Đến với đảo Bé Lý Sơn nghỉ lễ 30/4-1/5 những ngày nắng nóng, du khách được ông chủ homestay 9X đưa lên đồi hái dừa uống giải nhiệt.
Chàng trai 26 tuổi cao 1,75m, được nhiều du khách nhận xét có khuôn mặt “lai Tây” và nụ cười hiền hậu.
Nữ du khách cùng anh Đặng Sâm khiêng buồng dừa từ trên đồi về homestay ở đảo Bé Lý Sơn.
Sâm cho hay thiên nhiên ở đảo Bé Lý Sơn hoang sơ với hàng loạt cụm đá trầm tích núi lửa độc đáo. Bên phải ngôi nhà của anh là thắng cảnh Hòn Đụn, trầm tích núi lửa hàng triệu năm vươn ra biển; bên trái là bãi đá trầm tích núi lửa Mom tàu… có niên đại hàng triệu năm thuận lợi để phát triển du lịch. .
Giới trẻ check-in buổi bình minh trên những mỏm đá trầm tích núi lửa kỳ thú ở thắng cảnh Mom Tàu, đảo Bé Lý Sơn. Sau nhiều năm mưu sinh tích góp vốn liếng và vay mượn thêm người thân, Sâm mạnh dạn đầu tư homestay, lập website quảng bá mời gọi du khách đến với nơi này.
Homestay rực rỡ sắc màu của gia đình Đặng Sâm nổi bật bên bờ biển xanh xã An Bình (đảo Bé), huyện Lý Sơn. Chàng trai quan niệm, đảo Bé nhỏ hẹp vỏn vẹn 1 km2 nên không thể xây homestay bê tông, cốt thép. “Tôi đầu tư 200 triệu đồng làm nhà sàn gỗ, lợp mái nệm xốp, sơn vẽ màu thân thiện môi trường vừa tạo ấn tượng vừa mở ra không gian cho du khách chụp ảnh selfie lưu niệm”, anh Sâm chia sẻ.
Sâm vào bếp nấu bữa ăn phục vụ du khách. “Đến tham quan đảo Bé Lý Sơn, tôi được hòa mình giữa thiên nhiên hoang sơ; ở homestay, thưởng thức bữa ăn mang hương vị biển dân dã để cảm nhận tấm lòng của anh Sâm cùng người dân địa phương thật hiếu khách. Giữa bộn bề cuộc sống, nghỉ dưỡng ở hòn đảo này, tôi cảm giác mọi ưu phiền dường như tan theo sóng biển…”, du khách Nguyễn Thị Anh (Lâm Đồng) chia sẻ.
Không chỉ đầu tư làm homestay mang phong cách mới lạ, độc đáo, ông chủ homestay 9X cùng ông ngoại làm cầu gỗ nối từ bờ ra cụm đá trầm tích núi lửa hàng triệu năm mang lại những bức ảnh đẹp cho du khách.
Theo chân Sâm lặn ngắm san hô, thả lưới bắt cá quanh đảo, anh Nguyễn Thanh Trà (Bình Định), thốt lên đây là chuyến du lịch trải nghiệm biển đảo tuyệt vời nhất từ trước đến đây.
” Sâm có cách làm du lịch khác lạ với những vùng miền biển đảo khác. Anh đã đưa chúng tôi thả lưới bắt cá vào buổi bình minh hay lặn ngắm san hô vào buổi hoàng hôn. Tôi đặc biệt ấn tượng với dải san hô muôn màu sắc trải rộng ở khu vực gần bờ ngỡ mình lạc vào câu chuyện cổ tích ở hòn đảo xinh đẹp này “, nam du khách thổ lộ.
Chàng trai 9X lặn bắt nhum nấu cháo phục vụ du khách.
Lần đầu tiên thấy con nhum biển rực rỡ sắc màu, Ôn Thị Hoài Thương (Bình Định) cảm giác tò mò thích thú.
Sâm đưa nhóm du khách đi soi cua, bắt còng dọc theo bãi biển đảo Lý Sơn. “Chúng tôi có nhiều trải nghiệm thú vị ở đảo Bé Lý Sơn. Anh Sâm đã đưa mọi người đi lặn ngắm san hô, dùng đèn pin đi soi cua, bắt còng ban đêm. Tinh thần nhiệt tình, nụ cười thân thiện mến khách của anh đã tạo ấn tượng tốt đẹp với nhiều bạn trẻ đến đây”, Thương cho hay.
Về đêm, loài cua dẹt sống dưới đá núi lửa đi kiếm ăn trở thành sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn du khách khi đến đảo Bé Lý Sơn.
Theo lãnh đạo xã An Bình, không chỉ làm “du lịch bụi”, vào những ngày nghỉ cuối tuần hay các dịp nghỉ lễ, Đặng Sâm tuyên truyền người dân, du khách hạn chế sử dụng túi nylon, rác thải nhựa nhằm bảo tồn loài rùa biển, rạn san hô tuyệt đẹp ở đảo Bé Lý Sơn… Ngoài ra, anh cùng với nhóm bạn trẻ thường xuyên thu gom rác, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp bãi biển ở đảo Bé.