Nơi người dân bán trải nghiệm cái chết cho du khách

0
10
noi-nguoi-dan-ban-trai-nghiem-cai-chet-cho-du-khach

Càng ngày càng có nhiều du khách muốn đối mặt cái chết với mong muốn có thể chấp nhận chúng một cách dễ dàng.

Du khách đến Australia đang có xu hướng quan tâm và tới tham quan các nghĩa trang trong thành phố nhiều hơn các điểm đến du lịch, theo News. Đó cũng là lý do chính quyền ở một số thành phố bắt đầu chú tâm đến điểm du lịch tâm linh này.

noi-nguoi-dan-ban-trai-nghiem-cai-chet-cho-du-khach

Nhiều du khách cho biết, họ cũng thích tìm hiểu các điều cấm kỵ, thủ tục liên quan đến cái chết và cả thế giới bên kia. Do vậy, không ít người đã đổ xô tới các nghĩa trang để tham quan. Ảnh: News.

Nghĩa trang Tây Terrace, thành phố Adelaide là một địa điểm như thế. Chính quyền nơi đây kỳ vọng với kế hoạch chăm chút lại vẻ ngoài cho các nghĩa trang, họ sẽ thu hút được ngày càng nhiều du khách. Một trong những thứ đặc biệt ở đây là cây oliu hàng trăm tuổi.

noi-nguoi-dan-ban-trai-nghiem-cai-chet-cho-du-khach-1

Không gian xanh mát của nghĩa trang cũng là một trong những điểm cộng so với trung tâm thành phố náo nhiệt và bụi bặm. Ảnh: News.

“Việc bán cái chết là điều rất khó. Không ai muốn mua nó. Tuy nhiên, nếu chúng tôi bán một trải nghiệm về cái chết hay dầu oliu được lấy từ các quả oliu trồng trong nghĩa trang thì mọi thứ sẽ khác. Những sản phẩm này giúp mọi người cảm nhận được giá trị thực sự của việc tới nghĩa địa để tham quan. Họ cũng có thêm cảm giác thành kính trước người đã mất”, Robert Pitt, giám đốc điều hành nghĩa trang nói trên AFP.

Những chai dầu oliu được bán nhân dịp 180 năm kỷ niệm nghĩa trang ở Adelaide được khách du lịch mua hết trong những giờ đầu tiên.

Còn theo nhà sử học Cathy Dunn, các nghĩa trang ngày nay đã làm nhiều việc hơn, ngoài vai trò chính của nó là nơi an nghỉ của người chết. Một nghĩa trang cổ khác cũng đông khách ở Australia là Rookwood ở Sydney.

Rookwood là “nhà” của hơn một triệu linh hồn. Nơi đây thu hút du khách nhờ việc mở cửa cho du khách tới thăm, tổ chức các cuộc đua xe đạp, nhạc jazz…

Giám đốc điều hành Rookwood George Simpson, nói với AFP rằng ngành công nghiệp này đang tìm cách thu hút du khách và kết nối với càng nhiều người trong cộng đồng càng tốt. Do đó, Simpson đã cho tổ chức các sự kiện mang tên Death Over Dinner để thu hút du khách. Tại đây, những người tham gia sẽ cùng ăn tối, thảo luận với chuyên gia về cái chết. Điều này giúp họ cảm thấy bình thường với cái chết hơn và coi đó là việc tất yếu của cuộc sống.

“Trong vài thập kỷ tới, khi dân số già đi, tỷ lệ tử ở Australia sẽ nhiều gấp đôi sinh. Ngày càng có nhiều người phải đối mặt với cái chết”, Simpson cho biết.

Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái với ý tưởng bán cái chết cho du khách. Một gia đình sống ở Melbourne từng khiếu nại với chính quyền địa phương, vì đám tang của người thân họ bị trì hoãn và làm phiền bởi một đoàn du khách.

Tuy nhiên, nhiều người dân Australia lại tán thành với cách kinh doanh mới này. Maree Edwards, người có cha đã mất hơn 40 năm trước, cho biết việc mở tour tới các nghĩa trang trong thành phố là một điều thú vị. Nó giúp mọi người thay đổi thái độ về cái chết, cũng như mở ra nhiều điều thú vị về một thế giới bí mật cho nhiều người.

“20 năm trước, lối vào nghĩa trang chỉ có các cửa hàng bán hoa. Ngày nay, nó có thêm cả quán cà phê. Tôi cảm thấy điều này thật tuyệt”, Maree Edwards cho biết. Bà cũng hy vọng một ngày nào đó khi mình chết đi, con gái sẽ chôn bà cũng ở nghĩa trang Rookwood này.

Nguồn: Vnexpress.net