Nỗi lo lớn nhất của tiếp viên giữa Covid-19

0
5
Tiếp viên hàng không thường xuyên tiếp xúc gần những hành khách bị cảm lạnh, cúm, hoặc nhiễm các bệnh và virus khác. Ảnh: TASS.

Dù nhiều hành khách đã hủy hoặc hoãn chuyến đi, vì sợ nhiễm nCoV trên máy bay hoặc trong khách sạn, tiếp viên lại không có lựa chọn đó.

Ngành hàng không lao đao vì mức độ lây lan của Covid-19 trên khắp thế giới. Hai tháng qua, cổ phiếu sụt giá mạnh vì nhu cầu đi lại thấp, buộc hàng loạt hãng bay phải tạm dừng nhiều tuyến bay, giảm tần suất chuyến, khuyến mại vé và tìm mọi cách khác để cắt giảm chi phí.

Ban đầu lượng hành khách chỉ giảm trên các chuyến bay đến một số nơi dịch bùng phát trên diện rộng như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Italy. Nhưng nỗi lo sợ virus ngày càng lớn dần, khiến du khách hoãn hoặc hủy bỏ các chuyến đi; các tập đoàn dừng kinh doanh và hủy bỏ nhiều hội nghị và triển lãm lớn, bất kể địa điểm tổ chức ở đâu.

Trong khi công chúng lo lắng về nguy cơ lây nhiễm khi phải tiếp xúc với những hành khách khác trên máy bay hoặc trong sân bay, lại có những người không thể tránh bay – tiếp viên.

Tiếp viên hàng không thường xuyên tiếp xúc gần những hành khách bị cảm lạnh, cúm, hoặc nhiễm các bệnh và virus khác. Ảnh: TASS.

Tiếp viên hàng không thường xuyên tiếp xúc gần những hành khách bị cảm lạnh, cúm, hoặc nhiễm các bệnh và virus khác. Ảnh: TASS.

Sara Nelson, người đứng đầu Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Mỹ, nhận định tiếp viên thực sự là những người “đang ở tuyến đầu có khả năng mắc bất kỳ bệnh truyền nhiễm nào“.

Giờ làm việc của tiếp viên khác với hầu hết người lao động trong các ngành công nghiệp khác. Họ thường dành 75 – 100 giờ mỗi tháng trên không, và thêm nhiều giờ làm việc ở mặt đất. Trong suốt thời gian trên máy bay, phi hành đoàn phải gặp gỡ hàng nghìn hành khách từ mọi nơi và mọi tầng lớp. 

“Là một tiếp viên hàng không, hàng ngày tôi tiếp xúc với rất nhiều vi trùng”, một tiếp viên ẩn danh của American Airlines nói. “Tôi ‘nhận thức’ nghiêm túc về dịch bệnh hơn là lo lắng. Khi làm nghề như tôi, bạn luôn phải tự ý thức về sức khỏe của bản thân. Rửa tay thường xuyên, ăn uống lành mạnh và cố gắng ngủ đủ giấc luôn là ưu tiên của tôi. Trong Covid-19, tôi còn cố gắng tuân thủ chặt chẽ những biện pháp phòng ngừa này hơn”, cô bày tỏ.

Một số tiếp viên khác cho rằng họ cảm thấy tự tin hơn nhờ kinh nghiệm cá nhân. “Tôi tự nghiên cứu rất nhiều về dịch bệnh này. Chị dâu tôi là một bác sĩ, vì vậy tôi đã nói chuyện với cô ấy”, một tiếp viên hàng không American Airlines tại New York, người có kiến thức về chăm sóc sức khỏe, cho biết.

“Tôi không lo lắng chút nào”, một tiếp viên hàng không tại Chicago, khẳng định. “Tôi là người tin vào những thống kê và số người chết vì cúm còn nhiều hơn Covid-19. Từ những gì đã biết, tôi nghĩ khả năng tử vong của mình không cao vì tôi không già hay có bất kỳ vấn đề miễn dịch nào”, ông nói thêm. 

Từ khi dịch bệnh lây lan vào giữa tháng một, các hãng hàng không đã thực hiện những biện pháp bảo vệ cả nhân viên và hành khách. Tiếp viên của American Airlines nhận email hàng ngày cập nhật về tình hình dịch bệnh và nhắc nhở phòng Covid-19.

“Xà phòng, khăn lau diệt khuẩn và găng tay được tích trữ thường xuyên trên máy bay, và tất nhiên có những thiết bị sơ cứu, dụng cụ bảo vệ như khẩu trang để dùng khi cần”, người này cho hay.

Hầu hết tiếp viên nói rằng họ không hoảng sợ vì virus, ngay cả khi họ cẩn trọng phòng tránh và hy vọng tránh bị lây nhiễm. Tuy nhiên, mối lo ngại tiềm ẩn được thể hiện rõ ràng: khi thu nhập ngày càng giảm vì không có khách bay, hy vọng tránh virus hay mối quan tâm về an toàn lao động của tiếp viên có thể bị lu mờ.

Một tiếp viên Spirit bộc bạch: “Dù virus lây lan, tôi lại lo sẽ bị cắt giảm giờ bay và các chuyến bay, đặc biệt là các điểm đến quốc tế mà chúng tôi phục vụ. Thật đáng sợ khi có thể mất nhiều chuyến”.

Tiếp viên của nhiều hãng bay tại Mỹ không hề có hợp đồng lao động, gồm cả American và United. Họ kỳ vọng hãng cho nghỉ không lương đến khi thị trường ổn định trở lại. Dù không được trả tiền, họ sẽ tiếp tục tích lũy thâm niên, hưởng nguyên lợi ích chăm sóc sức khỏe và tiếp tục sử dụng các ưu đãi dành cho nhân viên.

Ngày 11/3, United tuyên bố sẽ giảm 10% lịch trình bay trong nước và 20% cho mạng lưới quốc tế vào tháng 4 và tháng 5, cho phép nhân viên nghỉ có lương.

Dự kiến các hãng bay Mỹ còn thiệt hại nặng nề hơn khi Nhà Trắng ban bố lệnh cấm mọi chuyến đi từ 26 quốc gia Schengen đến Mỹ trong 30 ngày tiếp theo, tính từ 23h59 ngày 13/3 giờ miền đông (EST). Hiện Mỹ ghi nhận ít nhất 1.762 người nhiễm bệnh và 41 ca tử vong vì Covid-19.

An An (Theo Business Insider)

Nguồn: Vnexpress.net