Những nơi khách đến thăm phải đóng thuế chia tay, ngủ nghỉ

0
12
Hiện đánh thuế du lịch là giải pháp phổ biến của nhiều quốc gia để đối phó với tình trạng quá tải du khách. Trên ảnh là đám đông theo dõi môn thể thao nhảy xuống biển từ vách đá tại hồ Lucerne ở Sisikon, Thụy Sĩ. Ảnh: Denis Balibouse/Reuters.

Tiền thuế thu từ khách được phân bổ vào quỹ bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo trì cơ sở hạ tầng du lịch.

Khi đi nước ngoài, có thể bạn đã trả thuế du lịch mà không biết. Thuế du lịch thường được bao gồm trong vé máy bay hoặc hóa đơn thanh toán phòng nghỉ. Khoản thuế này khác với phí visa hay thuế giá trị gia tăng trong những sản phẩm nhất định bán tại các điểm đến. Ví dụ, chính phủ Tanzania bắt đầu tính 18% thuế VAT từ năm 2016 dành cho các dịch vụ du lịch như giao thông, công viên nước, cắm trại…

Tiền thuế du lịch sẽ được dùng vào các hoạt động như bảo trì cơ sở hạ tầng, nâng cấp bảo tàng và các điểm du lịch… Dưới đây là những quốc gia và vùng lãnh thổ yêu cầu khách du lịch đóng thuế.

Hiện đánh thuế du lịch là giải pháp phổ biến của nhiều quốc gia để đối phó với tình trạng quá tải du khách. Trên ảnh là đám đông theo dõi môn thể thao nhảy xuống biển từ vách đá tại hồ Lucerne ở Sisikon, Thụy Sĩ. Ảnh: Denis Balibouse/Reuters.

Hiện đánh thuế du lịch là giải pháp phổ biến của nhiều quốc gia để đối phó với tình trạng quá tải du khách. Ảnh: Denis Balibouse/Reuters.

Bhutan

Đến với Vương quốc hạnh phúc, khách du lịch buộc phải chi từ 200 – 250 USD một ngày, tùy vào thời điểm trong năm. Khoản tiền này được trả khi khách mua tour, bao gồm chi phí ăn ở, phương tiện di chuyển, ba bữa ăn, phí vào cửa và một hướng dẫn viên đồng hành. Quy định này sẽ giúp Bhutan kiểm soát lượng khách, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và văn hóa.

“Bhutan đánh thuế du lịch cao hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Dĩ nhiên tôi không muốn trả khoản này, nhưng cùng lúc tôi lại nghĩ Bhutan hẳn sẽ không còn đặc biệt nếu không hạn chế phát triển du lịch. Vương quốc này sẽ không còn nguyên sơ, và chúng ta sẽ không có cơ hội trải nghiệm những điều như hiện tại”, blogger Ben Schlappig chia sẻ trên One Mile at a Time.

Xem thêm: Lý do mọi du khách phải trả 250 USD một ngày khi đến Bhutan

Nhật Bản

Từ tháng 1/2019, “thuế chia tay” (sayonara tax) bắt đầu có hiệu lực với khách quốc tế rời khỏi xứ sở hoa anh đào. Khoản tiền 1.000 yen (khoảng 9,25 USD) sẽ được dùng cho các chương trình nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch của Nhật Bản trước thềm Thế vận hội Mùa hè 2020 tại Tokyo.

Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản (JNTO) nhận định lợi nhuận từ khoản thuế sẽ tạo ra một môi trường thoải mái cho du khách, cải thiện các cổng thông tin về hàng loạt điểm đến và phát triển tài nguyên du lịch tận dụng các tài sản văn hóa và tự nhiên độc đáo của từng vùng miền.

Xem thêm: Tại sao bạn phải trả thêm tiền khi rời Nhật Bản?

Indonesia

Đất nước vạn đảo đã áp dụng mức “thuế chia tay” bao gồm trong vé mọi chuyến bay nội địa và quốc tế kể từ tháng 2/2015. Trước đó, hành khách phải đóng thuế sân bay từ 40.000 – 200.000 IDR (từ 65.000 đến hơn 320.000 đồng) khi khởi hành từ sân bay quốc tế Bali Ngurah Rai và Jakarta Soekarno-Hatta.

Chính quyền đảo Bali đang cân nhắc thu thuế du lịch 10 USD với khách nước ngoài, nhằm lấy kinh phí bảo vệ môi trường và văn hoá. Hiện hòn đảo này phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, mỗi ngày thải ra 3.800 tấn rác song chỉ 60% được thu gom. Ảnh: Jakarta Post.

Chính quyền đảo Bali đang cân nhắc thu thuế du lịch 10 USD với khách nước ngoài, nhằm lấy kinh phí bảo vệ môi trường và văn hoá. Hiện hòn đảo này phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, mỗi ngày thải ra 3.800 tấn rác song chỉ 60% được thu gom. Ảnh: Jakarta Post.

Malaysia

Khách quốc tế đến Malaysia phải đóng thuế trung bình 10 ringgit (hơn 50.000 đồng) một người một đêm, cho mọi hạng phòng khách sạn.

New Zealand

Khách nước ngoài đến xứ sở kiwi sẽ phải trả 35 NZD (khoảng 530.000 đồng) một người. Khoản thuế này được kỳ vọng bắt đầu áp dụng vào nửa sau năm 2019. Theo NZ Herald, chính phủ nước này muốn dùng tiền thuế cho công tác bảo tồn và cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch.

16 quốc gia châu Âu

Nhiều quốc gia châu Âu quy định thuế du lịch theo giá phòng khách sạn hoặc nhà nghỉ, tính theo hạng phòng tại điểm đến. 

Khoản thuế này tại Thụy Sĩ thường có mức 2,5 franc Thụy Sĩ (khoảng 60.000 đồng) một người một đêm; tại Hy Lạp là 0,5 – 4 euro một phòng; tại Bỉ là 0,5 – 7,5 euro một phòng; tại Bulgaria là 0,98 – 3 lev một đêm (13.000 – 40.000 đồng); tại Croatia là 8 – 10 kuna (28.000 – 35.000 đồng) một người một đêm; 0,5 euro một đêm tại thủ đô Prague của Czech và 1,5 – 2 euro một đêm dành cho khách trên 13 tuổi tại Bồ Đào Nha.

Slovenia bắt đầu thu thuế du lịch từ đầu năm 2019. Khoản này lên tới 3,13 euro một đêm tại các thành phố lớn và thị trấn nghỉ dưỡng như Ljubljana và Bled. Song người từ 7 – 18 tuổi hoặc thuê phòng trong nhà nghỉ, cắm trại chỉ phải trả 1,57 euro một đêm.

Một số quốc gia khác bao gồm thuế du lịch trong hóa đơn thanh toán phòng khách sạn, như tại Romania là 1% (miễn người dưới 18 tuổi), còn Áo là 3,02% (trừ trẻ em dưới 15 tuổi) và Hungary là 4%.

Hà Lan còn phân định rạch ròi thuế du lịch dành cho khách dùng dịch vụ trên đất liền và dưới nước, tùy theo khu vực . Thuế du lịch trên đất liền bao gồm các dịch vụ ngủ nghỉ tại khách sạn, thuê nhà nghỉ dưỡng hay lều trại, caravan… Thuế du lịch dưới nước áp dụng với khách đi du thuyền, ở mức 8 euro cho 24h.

Thuế du lịch tại Italy thay đổi theo từng thành phố. Rome đánh thuế từ 3 – 7 euro một đêm, tùy vào loại phòng du khách đặt; còn Venice đưa ra phí vào thành phố là 10 euro.

Kênh đào Grand đông đúc trong cuộc diễu hành hóa trang trong lễ hội Venice Carnival. Ảnh: AFP.

Kênh đào Grand đông đúc trong cuộc diễu hành hóa trang trong lễ hội Venice Carnival. Ảnh: AFP.

Đức thu “thuế văn hóa” (kulturförderabgabe) và “thuế giường ngủ” (bettensteuer) tại các thành phố như Frankfurt, Hamburg, và Berlin. Không gồm VAT, khoản tiền mỗi khách nước ngoài phải trả có thể lên đến 5 euro một ngày hoặc 5% hóa đơn khách sạn.

Tại Pháp, khoản thuế du lịch (taxe de séjour) phụ thuộc vào nơi du khách dừng chân. Những nơi được xếp hạng là “thành phố du lịch” hay “khu nghỉ dưỡng” như Paris hay Lyon sẽ thu thuế để duy trì chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch từ 0,2 – 4,4 euro.

Vào mùa cao điểm, khách quốc tế đến Tây Ban Nha có thể phải trả 4 euro thuế du lịch một ngày. Thành phố Madrid không thu thuế, song Barcelona áp dụng mức 2,5 euro một ngày.

Mỹ

Một số tiểu bang như California và Texas đang thu “thuế lưu trú” cho du khách đặt phòng nghỉ. Thuế được áp dụng tại khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ và những nơi lưu trú tương tự. Mức thuế lưu trú cao nhất tại Mỹ là ở thành phố Houston (Texas), chiếm tới 17% hóa đơn khách sạn.

20 quốc gia và vùng lãnh thổ tại Caribbean

Thuế du lịch được áp dụng tại phần lớn hòn đảo ở Caribbean như Antigua và Barbuda, Aruba, quần đảo Bahamas, Barbados, Bermuda, Bonaire, quần đảo British Virgin, quần đảo Cayman, Dominica, Cộng hòa Dominica, Grenada, Haiti, Jamaica, Montserrat, St. Kitts và Nevis, St. Lucia, St. Maarten, St. Vincent và quần đảo Grenadines, Trinidad và Tobago, quần đảo US Virgin Islands.

Theo TripSavvy, thuế xuất cảnh thường được bao gồm trong giá vé máy bay hoặc du thuyền, dao động từ 15 USD tại Bahamas cho đến hơn 50 USD như tại Antigua và Barbuda.

Bảo Ngọc (Theo Insider)

Nguồn: Vnexpress.net