Châu Á làm gì để vực dậy ngành du lịch?

0
13

Đối diện với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng do đại dịch Covid-19, ngành du lịch châu Á đang tìm mọi cách chuyển mình để phục hồi.

Hàng loạt khách sạn tuyên bố phá sản, các công ty lữ hành tìm cách “cầm hơi” vì vắng khách, những bờ biển nổi tiếng giờ không bóng người, kéo theo hàng triệu người thất nghiệp. Đó là bức tranh thực tế đầy khó khăn của ngành du lịch nhiều nước châu Á trong đại dịch Covid-19.

Từ lâu, ngành du lịch được coi là xương sống của nền kinh tế châu Á. Các nền kinh tế như Thái Lan, Hong Kong luôn đặt mục tiêu phát triển du lịch làm trọng tâm. Theo Statista, trong năm 2019, ngành du lịch Thái Lan đóng góp 17,64% vào GDP cả nước. Cũng trong năm đó, dữ liệu của Knoema cho thấy ở Hong Kong, ngành du lịch chiếm 17,6% tổng GDP cho đặc khu hành chính.

Chau A tung buoc phuc hoi nganh du lich anh 1

Trái ngược với hình ảnh đông đúc thường thấy, sân bay Suvarnabhumi (Thái Lan) lại vắng vẻ vì dịch Covid-19. Ảnh: Bloomberg.

Đứng trước những khó khăn đó, ngành du lịch châu Á đang dần chuyển mình để vượt qua đại khủng hoảng.

“Du lịch nội địa là cứu tinh”

Dù dịch Covid-19 khiến Malaysia đóng cửa biên giới từ tháng 3/2020 và chứng kiến lượng khách du lịch quốc tế sụt giảm mạnh, Zulkifly Md Said – Tổng giám đốc Du lịch Malaysia – khẳng định đó không phải là bước đường cùng của ngành du lịch.

Du lịch nội địa là cứu tinh của nền kinh tế mỗi khi đất nước gặp khủng hoảng

Zulkifly Md Said – Tổng giám đốc Du lịch Malaysia.

“Du lịch nội địa là cứu tinh của nền kinh tế mỗi khi đất nước gặp khủng hoảng”, The Star dẫn lời Tổng giám đốc Du lịch Malaysia.

Theo ông Zulkifly, Malaysia sở hữu nhiều điểm tham quan lý tưởng. Đồng thời, các công ty lữ hành tại đây cũng cho ra mắt các ưu đãi hấp dẫn để thu hút nhu cầu của người dân về du lịch nội địa.

Bên cạnh đó, chính phủ Malaysia cho phép người dân trong các khu vực phục hồi sau lệnh giãn cách xã hội MCO được tự do đi lại. Tuy nhiên, lệnh nới lỏng này chỉ dành cho hoạt động du lịch.

Ngay sau khi lệnh MCO thay đổi, nền tảng đặt phòng Agoda ghi nhận Malaysia là một trong 3 quốc gia đứng đầu châu Á về lượng khách hàng sử dụng dịch vụ, cho thấy nhu cầu du lịch nội địa đang nhận được sự quan tâm lớn.

“Bong bóng du lịch” xuất hiện

“Bong bóng du lịch” là khái niệm xuất hiện từ tháng 5/2020, khi New Zealand và Australia đàm phán về việc cho phép người dân được tự do đi lại giữa 2 nước trong bối cảnh đại dịch. Mối quan hệ đối tác này dựa trên những minh chứng thành công trong nỗ lực chống lại Covid-19 giữa 2 quốc gia. Mô hình “bong bóng du lịch” hay “hành lang du lịch” tạo điều kiện cho các công dân nhập cảnh sang các nước đối tác mà không cần kiểm dịch.

Hiện nay, trong khu vực châu Á, nhiều quốc gia đang lên kế hoạch triển khai mô hình “bong bóng du lịch”, kích thích ngành kinh tế mũi nhọn tăng trưởng trở lại.

Chau A tung buoc phuc hoi nganh du lich anh 2

“Bong bóng du lịch” gia tăng cơ hội kích thích thị trường du lịch quốc tế. Ảnh: Xiaomei Chen.

Tháng 11/2020, Hong Kong và Singapore là 2 thị trường ở châu Á tiên phong trong mô hình “bong bóng du lịch”. Thông qua các buổi đàm phán, 2 quốc gia quyết định sẽ mở cửa biên giới, đón khách du lịch giữa 2 nước vào ngày 26/5/2021. Tuy nhiên, dự định này buộc phải trì hoãn khi Singapore tuyên bố số ca nhiễm tăng vọt trong những ngày gần đây.

Theo CNBC, Singapore và Hong Kong đều là trung tâm kinh tế lớn của châu Á và không có thị trường du lịch hàng không nội địa. Do đó, du lịch quốc tế là thị trường mang tính chất sống còn nhưng đang hứng chịu hậu quả nặng nề của dịch Covid-19.

Tiếp gót Hong Kong và Singapore, 8 quốc gia châu Á khác (bao gồm Malaysia, Trung Quốc, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và Việt Nam) cũng đang trong quá trình khởi động mô hình “bong bóng du lịch”.

Kết hợp kỷ nguyên 4.0

“Hơn bao giờ hết, kỹ thuật số hoá là cuộc cách mạng cho ngành du lịch trên toàn cầu. Áp dụng công nghệ tiên tiến trong ngành du lịch là phương thức khôn ngoan cần được chú trọng”, Datuk Seri Nancy Shukri – Bộ trưởng Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hoá Malaysia – khẳng định trong hội chợ thương mại du lịch ITB Berlin.

Trước kia, bằng kỹ thuật số hoá, du khách có thể đặt phòng qua các nền tảng trực tuyến. Giờ đây, kỹ thuật số hoá trở thành chìa khoá phục hồi ngành du lịch trong thời kỳ đại dịch.

Nhằm giữ sự chú ý của du khách quốc tế và kích thích nhu cầu du lịch nội địa, Tổ chức Du lịch Hàn Quốc đã triển khai chiến dịch du lịch kỹ thuật số “Feel the Rhythm of Korea”. Loạt video âm nhạc kết hợp những cảnh quay quảng bá điểm du lịch ở xứ sở kim chi đã thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube chỉ trong vài tháng.

Chau A tung buoc phuc hoi nganh du lich anh 3

Chiến dịch “Feel the Rhythm of Korea” thu hút hàng triệu lượt xem trên Youtube. Ảnh: Chụp màn hình.

Bên cạnh đó, công nghệ số VR cũng được áp dụng để phát triển ngành du lịch thời Covid-19. Gõ từ khóa “Virtual Tour Asia” trên Google, người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm các video công nghệ 4K đem lại cảm giác “như thật” về trải nghiệm đi du lịch ở châu Á.

“Trải nghiệm cảm giác du lịch châu Á ngay trên chiếc sofa êm ái của bạn” là lời quảng cáo hấp dẫn của Travel Asia Now – website cung cấp tour du lịch thực tế ảo tại châu Á.

Trải nghiệm cảm giác du lịch châu Á ngay trên chiếc sofa êm ái của bạn

Lời quảng cáo hấp dẫn của Travel Asia Now

Theo Forbes, trong bối cảnh ngành du lịch vẫn tương đối trì trệ, công nghệ thực tế ảo có thể là phát kiến thu hút khách du lịch. World Travel VR – nền tảng cung cấp các video du lịch VR – nhận định công nghệ VR là cách tốt nhất để quảng bá những địa điểm du lịch trong thời kỳ đại dịch.

Không chỉ cung cấp trải nghiệm đi du lịch, công nghệ VR giúp các khách sạn, nhà hàng, thậm chí là hãng hàng không có thể quảng bá hình ảnh của mình. Tiềm năng phát triển du lịch hậu đại dịch có thể tăng lên khi khách hàng được trải nghiệm “thử trước khi mua” thông qua công nghệ này.

Hộ chiếu vaccine là công cụ mở đường ngành du lịch châu Á

Tỷ lệ người dân được tiêm vaccine trên toàn cầu đang dần tăng, đánh thức ngành du lịch châu Á tìm kiếm giải pháp để thu hút du khách quốc tế quay trở lại. Do đó, hộ chiếu vaccine có thể là công cụ giúp ngành du lịch phát triển hiệu quả, an toàn.

Chau A tung buoc phuc hoi nganh du lich anh 4

Hộ chiếu vaccine có thể hồi phục ngành du lịch với mục tiêu an toàn, hiệu quả. Ảnh: The Business Times.

Theo Bangkok Post, Thái Lan – quốc gia có du lịch là ngành kinh tế trọng tâm – đang lên kế hoạch áp dụng hộ chiếu vaccine. Thông qua hộ chiếu vaccine, du khách quốc tế có thể nhập cảnh và người dân trong nước đã tiêm vaccine có thể đi nước ngoài. Loại hộ chiếu này cũng có thể trở thành “giấy thông hành” bắt buộc cho các chuyến đi xuyên biên giới trong tương lai.

Bloomberg đưa tin hôm 25/3 về kế hoạch mở cửa du lịch tại đảo Phuket của Thái Lan cho khách du lịch quốc tế vào tháng 7. Nước này sẽ miễn trừ yêu cầu kiểm dịch đối với du khách nước ngoài đã tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Bhummikitti Ruktaengam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch đảo Phuket, cho biết việc mở cửa trở lại sớm có thể đóng góp 30 tỷ baht (963 triệu USD) cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thành công của nó phụ thuộc vào các thỏa thuận hộ chiếu vaccine quốc tế và các cuộc đàm phán đi lại tự do giữa các nước.

“Có nhiều người đã được tiêm phòng đầy đủ và sẵn sàng đi du lịch. Họ sẽ chỉ chọn những điểm đến an toàn và không yêu cầu kiểm dịch”, Yuthasak Supasorn, Thống đốc Tổng cục Du lịch Thái Lan, chia sẻ. Ông dự kiến trong quý 3/2021, Thái Lan sẽ tiếp đón ít nhất 100.000 du khách đến hòn đảo Phuket.

Nguồn: News.zing.vn