Những lầm tưởng của du khách về nghề hướng dẫn viên

0
10
Anh Trí Dũng chuyên các tour nội địa.

Theo anh Trí Dũng, hướng dẫn viên không phải lúc nào cũng được ăn ngon, ngủ trong phòng sang trọng, đôi khi còn bị hiểu lầm.

Dưới đây là chia sẻ của anh Trần Trí Dũng (39 tuổi), hướng dẫn viên (HDV) của Vietravel từ năm 2005. Những câu chuyện của anh Dũng sẽ phần nào giúp du khách hiểu rõ hơn về khó khăn mà một HDV phải vượt qua.

Anh Trí Dũng chuyên các tour nội địa.

Anh Trí Dũng chuyên các tour nội địa.

HDV không hoàn toàn được ăn ngon

Nhiều du khách hay cho rằng họ ăn gì thì chúng tôi sẽ ăn như thế. Nhưng điều này đôi khi không hoàn toàn đúng.

Tôi còn nhớ hồi tháng 7 vừa qua, tôi dẫn một đoàn khoảng 200 người đi tour ở Huế. Chúng tôi nghỉ tại một resort sang trọng ở Lăng Cô. Buổi trưa, tôi và 3 HDV khác ăn cơm tại căng tin. Suất ăn có món mặn, đồ xào, canh, đựng trong một khay nhựa giống nhân viên tại khu nghỉ. Do tính chất đoàn khách đi dự hội nghị, chúng tôi phải túc trực 24/24h để giải quyết các vấn đề phát sinh.

Buổi chiều, căng tin đóng cửa. Resort lại nằm cách xa trung tâm, gần như biệt lập nên mọi hoạt động đều diễn ra tại đây. Biết trước điều này, chúng tôi đã phải liên hệ với đầu bếp của khu nghỉ, nhờ họ chừa cho chút đồ ăn. May mắn, cuối ngày, chúng tôi có bữa ăn gần giống khách.

Trong ngày đầu tiên đến khu nghỉ, tôi phải tắm bằng vòi xịt toilet vì anh em HDV không ngủ lại đây mà phải ra ngoài. Nhưng để đảm bảo sự xuất hiện như dự hội nghị, tôi buộc phải xoay sở như thế.

Kể ra, không phải để “than thân trách phận” mà tôi chỉ muốn mọi người hiểu rõ hơn những khó khăn mà các HDV phải vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

HDV không phải nhân viên khách sạn

Lần khác, tôi phải cùng một nhân viên của khách sạn ở Đà Nẵng khiêng thùng nước suối 20 lít lên phòng để khách tắm. Đó là một buổi chiều nắng gắt. Chúng tôi check-in khách sạn sau khi tham quan vài điểm trong trung tâm thành phố. Do đoàn khách đến cùng một lúc, ai cũng sử dụng nhà vệ sinh nên nước yếu. Khách lúc đầu tỏ ra gay gắt, không thông cảm với khách sạn. Tuy nhiên, khi tôi nảy ra ý đem nước suối lên cho khách dùng thì mọi người lại vui vẻ.

Tôi cùng nhân viên khách sạn phải đổ nước ra chậu trước khi mang vào nhà vệ sinh cho khách. Ảnh: Trí Dũng.

HDV cùng nhân viên khách sạn phải đổ nước ra chậu trước khi mang vào phòng tắm cho khách. Ảnh: Trí Dũng.

Người khách này sau đó nói rằng họ cảm nhận được sự quan tâm và chu đáo của HDV. Dù cực, điều này khiến tôi cảm thấy vui hơn bao giờ hết. Bởi làm hài lòng du khách chính là điều tiên quyết để gặt hái được thành công của một hướng dẫn viên.

HDV không phải nhân viên nhà hàng

Khi đến nhà hàng, việc sắp xếp bàn ăn, chuẩn bị đũa, muỗng hay mang bưng bê là công việc của nhân viên ở đây. Nhưng đôi khi nhà hàng quá đông khách, họ không phục vụ kịp thì HDV cũng sẽ vào phụ. Dù phụ giúp, chúng tôi nhận lại những lời than phiền không đáng có của du khách về thái độ phục vụ hay tác phong của nhà hàng.

Những lúc thế đó, tôi chỉ biết giải thích và mong các du khách thông cảm. Bởi đối với tôi, đây không phải là trách nhiệm của riêng nhà hàng, mà còn là màu cờ sắc áo của công ty. Nếu du khách cảm thấy không hài lòng, nhiều khi họ sẽ nghĩ tour của công ty phục vụ không tốt.

Xem thêm: Ấn tượng của HDV Việt lần đầu đến Triều Tiên

HDV bị hiểu lầm

Khi đi tour, bất kỳ HDV nào cũng dặn dò du khách của mình thật kỹ, như mang theo áo ấm nếu đi đến nơi lạnh, phổ biến nhất là mang theo thuốc cá nhân để phòng các bệnh phát sinh khi đi chơi.

Về nguyên tắc, HDV không được phép đưa thuốc cá nhân cho du khách. Tuy nhiên, tôi gặp phải nhiều trường hợp du khách cho rằng công ty du lịch phải chuẩn bị thuốc cho các loại bệnh thường gặp như cảm cúm, đau bụng, nhức đầu… Nhiều trường hợp còn phản ứng ngược lại khi HDV không cho thuốc, có người còn nói: “Tôi thấy anh có thuốc trong balo, sao anh không đưa cho tôi?”. Nhưng ít ai biết được, từng có trường hợp HDV đưa thuốc cho khách, sau đó khách gặp vấn đề về sức khoẻ do tác dụng phụ của thuốc.

Vì vậy, khi gặp phải tình cảnh như trên, tôi mong nhận được sự thấu hiểu của du khách. HDV sẽ nhiệt tình chỉ đường hoặc dẫn khách đến tiệm dược phẩm, bác sỹ để khám trong trường hợp khách quên mang theo thuốc.

Trên máy bay, HDV không phải là nhân viên của hãng để có thể đáp ứng được yêu cầu của du khách về các vấn đề liên quan đến hàng không. Nhưng chúng tôi thường bị hiểu lầm, và nhiều khi khách “giận” trước khi bắt đầu tour chỉ vì không xếp cho khách chỗ ngồi ưng ý.

HDV thường nỗ lực giúp khách check-in để có thể ngồi gần nhau, hoặc nhờ đổi chỗ nếu đó là gia đình có trẻ nhỏ khi hoàn tất các thủ tục. Nhưng kết quả thường nằm ngoài tầm kiểm soát của một người HDV.

(còn tiếp)

Phong Vinh ghi

Nguồn: Vnexpress.net