Người Trung Quốc nói gì về chuyện ăn thịt chó đầu năm Tuất

0
60
Một đĩa thịt chó. Ảnh minh hoạ: Weibo.

Lần đầu mẹ cho ăn thịt chó, Bang không cầm được nước mắt khi nghĩ đến chú chó Duo Duo của mình.

Bài chia sẻ bên dưới của tác giả Bang Xiao mới được đăng tải trên trang ABC News, mở ra những góc nhìn khác nhau xoay quanh thói quen ăn thịt chó của người Trung Quốc.

Tháng 12 vừa rồi, tôi đang ngồi ăn tối tại Australia cùng vài người bạn mới quen thì bất ngờ được hỏi về một chuyện đã lâu không bàn đến. Đó là khi có người bỗng dưng hỏi: “Bạn có ăn thịt chó không?”, tôi đã mất cả tiếng sau đó để cố giải thích mọi thứ về điều này trong văn hoá Trung Quốc và trải nghiệm của chính bản thân mình. Nhưng có một câu chuyện gây chú ý và ngạc nhiên nhất là khi tôi nhớ lại lần đầu mình ăn thịt chó.

“Đây là thịt chó”

Tôi đặc biệt nhớ một bữa cơm Tết từ khoảng hơn 20 năm về trước, khi tôi còn là cậu bé 9 tuổi bất ngờ được mẹ cho ăn thịt chó. Khoảnh khắc ấy vẫn in sâu vào tâm trí, khi tôi nhìn chằm chằm vào đĩa thịt có màu đỏ như thịt ba chỉ và ăn thử một miếng. Tôi nhớ mùi vị của nó khá giống thịt bò, nhưng chỉ khác một chút.

Hỏi mẹ đây là món gì, tôi nhận được lời đáp: “Đây là thịt chó”. Thuở ấy tôi đang nuôi một con chó Bắc Kinh mà tôi rất yêu quý, tên là Duo Duo. Bạn có thể phần nào mường tượng ra cú sốc và cơn giận dữ chạy trong người tôi vào giây phút biết mình vừa ăn gì.

Một đĩa thịt chó. Ảnh minh hoạ: Weibo.

Một đĩa thịt chó. Ảnh minh hoạ: Weibo.

Với tư cách là một người nuôi chó, tôi không thể chấp nhận sự thật đó, nhưng cha mẹ tôi lại nghĩ khác và không thể hiểu phản ứng của con trai mình.

“Có chuyện gì thế Bang? Con ăn thịt gà vào năm Dậu, thịt bò vào năm Sửu, lần này thì có vấn đề gì?”, cha mẹ tôi thắc mắc. Với họ, thịt chó cũng giống như những loại thịt khác. Họ – một thế hệ trải qua nạn đói và những năm Cách mạng Văn hoá, dạy tôi nên cảm thấy “biết ơn” khi được ăn thịt chó. Với tôi, nó như thể tôi đang ăn thịt chính Duo Duo yêu quý của mình. Tôi đã khóc.

Ngay hôm sau, tôi nói với mẹ rằng mình sẽ không bao giờ ăn thịt chó nữa. Bà nói rằng: “Mẹ có thể hiểu con không ăn thịt chó, nhưng con nghĩ thịt chó thì khác thịt lợn, thịt cừu hay thịt bò sao?”. Hoàn cảnh ấy tiếp tục khiến tôi áp lực và mắc kẹt giữa những hiểu lầm mà một đứa trẻ không thể làm làm sáng tỏ cho tới nhiều năm về sau.

Khi người yêu chó gặp những người ăn thịt chó

Khi chuyển đến Australia sinh sống, tôi thường được người lạ hỏi “Bạn có ăn thịt chó không?”. Đơn giản vì tôi là người Trung Quốc, và tôi nhận ra nhiều người cũng gặp phải vấn đề tương tự, đặc biệt là những ai yêu chó tại Trung Quốc. 

Tại Trung Quốc, việc ăn thịt chó có từ ít nhất 400 năm trước, theo số liệu từ chính phủ. Nhưng xã hội càng hiện đại, những quan điểm đối lập càng mạnh mẽ giữa các thế hệ, đặc biệt là giữa người yêu chó và người ăn thịt chó.

Trong vài năm gần đây, cư dân mạng Trung Quốc thường có những cuộc “khẩu chiến” để tranh luận về việc có nên huỷ bỏ lễ hội thịt chó tại Ngọc Lâm, Quảng Tây hay không. Trước thềm lễ hội 2016, những tổ chức bảo vệ động vật đã thu thập hơn 11 triệu chữ ký nộp cho chính quyền để yêu cầu huỷ bỏ truyền thống này.

Những người thuộc tổ chức bảo vệ động vật đang giải cứu những con chó trước thềm lễ hội thịt chó Ngọc Lâm. Ảnh: Reuters.

Những người thuộc tổ chức bảo vệ động vật đang giải cứu những con chó trước thềm lễ hội thịt chó Ngọc Lâm. Ảnh: Reuters.

Giới chức tại Ngọc Lâm sau đó ra lệnh cấm nhà hàng, quán ăn ven đường và tiểu thương bán thịt chó trước thềm lễ hội 2017. Tuy nhiên, không có luật lệ nào cấm ăn thịt chó, và những người dân trên các tỉnh thành khác ngoài Ngọc Lâm không đồng tình với quyết định này, vì vậy lễ hội vẫn diễn ra.

Trước đó, vào năm 2015, Quỹ Động vật Châu Á (AAF) công bố kết quả một nghiên cứu kéo dài 4 năm cho thấy hơn 70% người Trung Quốc tham gia khảo sát đồng tình rằng ăn thịt chó khác thịt bò, cừu.

Năm 2014, People’s Daily từng đăng tải một bài báo nói rằng những người yêu chó coi loài vật này như bạn đồng hành của con người. Nhưng thực tế tại Trung Quốc, không có luật lệ hay quy định nào về đạo đức công nhận điều này, người dân nói chung cũng không đặt danh hiệu đặc biệt gì cho loài chó. Vì vậy, tại Trung Quốc chó vừa là bạn vừa là thức ăn của con người.

Đoàn tụ ngày Tết

Mẹ và tôi đều có những mối liên kết đặc biệt với chó, nhưng giữa chúng tôi luôn tồn tại bất đồng sâu sắc về việc ăn thịt chó. Là đứa trẻ ra đời theo chính sách một con tại Trung Quốc, tôi là người đầu tiên trong nhà có cơ hội tiếp xúc với nền văn hoá phương Tây, và điều đó càng nới rộng khoảng cách thế hệ cũng như quan điểm giữa cha mẹ với tôi.

Mẹ qua đời không lâu sau khi gia đình tôi chuyển đến Australia sống, khoảng 10 năm trước. Tôi nhớ bà rất nhiều, nên mỗi lần về nhà tôi đều đến thăm nhà họ hàng, để chơi với cháu của chó Duo Duo tôi nuôi từ thuở nhỏ và chiêm nghiệm những thăng trầm của thời thơ ấu cũng như nền văn hoá trong tôi.

Bang cùng mẹ chơi đùa với chó Duo Duo. Ảnh: Bang Xiao.

Bang cùng mẹ chơi đùa với chó Duo Duo. Ảnh: Bang Xiao.

Theo thời gian, tôi dần vỡ ra những khoảng cách về văn hoá và thế hệ giữa cha mẹ với mình. Họ không phải là “những người ăn thịt chó”, họ chỉ là những người tình cờ lớn lên trong một bối cảnh lịch sử khác, dẫn tới việc thực đơn của họ có tên những loài động vật khác với chúng tôi ngày nay.

Cha mẹ tôi ra đời giữa thời kỳ cách mạng Đại nhảy vọt của Mao Trạch Đông, mỗi người có khoảng 6 anh chị em ruột. Không lâu sau khi chào đời, họ đã sống sót qua nạn đói lịch sử 1959-1961 tại Trung Quốc. 

Mẹ luôn nhắc tôi rằng hàng chục triệu người đã chết đói vào khoảng thời gian đó, ông ngoại tôi từng phải lột vỏ cây nấu cho con ăn. Những năm ấy, nạn đói kém mất mùa xảy ra ở khắp nơi, khiến thịt – gồm cả thịt chó – trở thành cực phẩm. 

Sau nhiều năm kinh tế và xã hội phát triển, thịt chó dù không còn là món ăn xa xỉ, nhưng người Trung Quốc vẫn duy trì thói quen tiêu thụ loại thực phẩm này như một truyền thống – cha mẹ tôi cũng vậy.

Sống tại Australia, cha tôi luôn trả lời câu hỏi “Tại sao bạn ăn thịt chó” bằng cách dẫn giải về việc người dân ăn thịt kangaroo trong khi loài vật này là biểu tượng của đất nước. “Chúng tôi không bao giờ làm thế tại Trung Quốc”, ông nói. Tôi tin rằng ông có quan điểm của riêng mình.

Mặc dù tôi đã xa quê một thời gian dài, truyền thống Trung Quốc vẫn luôn chảy trong huyết mạch. Như việc dù có tức giận thế nào khi người thân luôn ăn thịt chó vào bữa cơm đoàn viên, tôi vẫn không ngừng háo hức cùng gia đình đón Tết Âm lịch. Như những năm khác, tôi vẫn quây quần cùng gia đình và bạn bè tại Australia ăn mừng năm mới Mậu Tuất theo truyền thống, với mọi ký ức dù tốt đẹp, tồi tệ, buồn hay mâu thuẫn về mẹ, về Duo Duo luôn hiện hữu trong tâm trí.

Nguồn: Vnexpress.net