Ngô Trần Hải An đã căn đúng thời điểm giao thu, thời tiết mát mẻ, dễ chịu nhất trong năm để thực hiện hành trình này. Tuyến đường anh đi băng qua nhiều địa hình với thời tiết khắc nghiệt ít người lựa chọn khám phá. “Con đường tơ lụa” có từ hơn 2.000 năm trước, là tuyến đường lịch sử kết nối giao thương, văn hoá Á – Âu.
Lịch trình di chuyển của anh bắt đầu từ TP. HCM, bay đến các địa danh của Trung Quốc như Vũ Hán, Lan Châu. Từ Lan Châu. anhđi tàu 1.000 km đến Trương Dịch, bắt đầu khám phá địa mạo Đan Hà – Gia Dục Quan – Nguyệt Nha Tuyền – Đôn Hoàng – Tây Ninh – Thanh Hải.
Địa mạo Đan Hà là một trong những địa điểm gây ấn tượng mạnh mẽ nhất với Ngô Trần Hải An. Những dãy núi trùng điệp tại Đan Hà được hình thành từ Kỷ Phấn Trắng, trải qua thời gian hàng nghìn năm với nhiều biến đổi để có được những lớp màu lục, đỏ, cam, xanh kéo dài hàng trăm km từ đông nam sang tây bắc như hiện nay.
Tất cả những bức ảnh chụp tại đây sở hữu màu sắc sống động, rực rỡ không cần qua chỉnh sửa bởi cảnh tự nhiên đã quá lộng lẫy. Ngô Trần Hải An cho biết để khám phá địa mạo Đan Hà cần tối thiếu 4 tiếng. 13h là thời gian màu sắc sống động nhất.
Du khách đam đam mê ảnh nên có 2 ống kính 16-50mm để chụp toàn cảnh và ống 70-200mm để bắt được những đường nét uốn lượn của màu sắc.
Gia Dục Quan là cửa ngõ khởi đầu “Con đường tơ lụa”. Nơi đây nằm ở cực Tây trên một ốc đảo giáp sa mạc Gobi, thuộc 1 trong 3 cửa ngõ quan trọng của Vạn Lý Trường Thành.
Ngô Trần Hải An tiết lộ, du khách cần 3 tiếng để khám phá Gia Dục Quan. Thời điểm đẹp nhất tại đây là khoảng 16h, khi ánh nắng chiếu vào khiến các toà thành thêm phần cổ kính.
Hồ Dương là điểm đến tiếp theo trên hành trình. Hồ thuộc khu tự trị Kim Tháp (Tửu Tuyền, Cam Túc, Trung Quốc) khu vực khá ít khách nước ngoài đến du lịch.
Hồ Dương sở hữu cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, bao gồm 3 hồ nước cho phép du khách thoải mái lựa chọn góc chụp. Những cảnh quan kỳ ảo đa số tập trung ở hồ chính. Ngoài ra khu vực quanh hồ còn sở hữu nhiều khu rừng đẹp, thích hợp cho nhiếp ảnh gia sáng tác.
Một trong những trải nghiệm không thể bỏ qua khi khám phá Con đường tơ lụa là cưỡi lạc đà lúc chiều tà đến hoàng hôn trên ốc đảo Nguyệt Nha, Đôn Hoàng, Tửu Tuyền thuộc Sa mạc Gobi.
Ngoài cưỡi lạc đà, du khách có thể lựa chọn bay trên cao với xe lượn, trực thăng, chạy xe trên đồi cát để ngắm toàn cảnh từ trên cao. Người yêu thích nhiếp ảnh nên khám phá ốc đảo Nguyệt Nha trong khoảng thời gian từ 4h-7h30 chiều. Đây là khoảng thời gian đẹp để ngắm trọn hoàng hôn.
Trên hành trình Con đường tơ lụa, Hải An cũng có cơ hội ghé thăm hồ Thanh Hải – hồ nước mặn lớn thứ 2 thế giới.
Hồ Thanh Hải nằm ở độ cao 3.000m trên cao nguyên Thanh Tạng, với diện tích lên đến 4.400 km2, nơi sâu nhất đến 68m. Vào mùa đông khi mặt hồ đóng băng, các tu sĩ ở tu viện Mahadeva mới có thể rời khỏi nơi ở, đến với thế giới bên ngoài.
Hang Mạc Cao – kỳ quan tâm linh trong lòng núi đá giữa sa mạc Gobi – là địa điểm văn hoá không thể bỏ qua.
Nơi đây trước kia là điểm giao thoa văn hoá của nhiều quốc gia Á – Âu. Khu núi Đôn Hoàng dần trở thành thánh địa Phật giáo nổi tiếng.
Vào thời kì cường thịnh, khu núi Đôn Hoàng sở hữu hơn 1000 hang động với những bức bích hoạ rực rỡ sắc màu được khắc sâu vào vách đá. Hiện nay, Đôn Hoàng còn giữ được 500 hang động cùng 50.000 m bích hoạ, 2000 pho tượng. Năm 1983, hang Mạc Cao được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.
Điểm cuối cùng trong hành trình lần này của Ngô Trần Hải An là Kumbum (Ta’er) thuộc tỉnh Thanh Hải, là tu viện cổ Phật giáo Tây Tạng có niên đại gần 500 năm.
Đây cũng là tu viện lớn nhất miền Bắc với sự giao thoa hài hoà của kiến trúc Hán – Tạng, thể hiện rõ qua các tháp Puti, Guomen, Shilun.
Các tu viện nằm trên đồi, có diện tích khoảng 114.000 m2 với gần 9000 căn phòng lớn nhỏ cùng 52 sảnh đường. Có đến 5000 bức tượng mạ vàng được thờ phụng cùng hàng vạn bức bích hoạ miêu tả cuộc đời Đức Phật, các đệ tử và các điển tích Phật giáo.
Tạm dừng hành trình Con đường tơ lụa tại Kumbum (cao nguyên Tây Tạng), Ngô Trần Hải An trở về Việt Nam và sẽ tiếp tục đến Maroc và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 11.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn