Người đàn ông khoảng 30 tuổi, từng tới Triều Tiên nhiều lần, có thể bị cáo buộc là gián điệp.
Đài truyền hình NTV đưa tin, người đàn ông Nhật bị bắt giữ đã tới Triều Tiên theo tour của một công ty du lịch nước ngoài. Anh có thể đã gặp rắc rối từ đầu tháng 8 khi đang cố gắng quay phim một cơ sở quân sự ở phía tây bắc Triều Tiên.
Trước đây, người này đã tới Triều Tiên nhiều lần, theo đài TBS. Hãng tin Nhật Kyodo nhận định anh có thể phải đối mặt với cáo buộc là gián điệp.
“Triều Tiên có thể sử dụng người đàn ông như một lợi thế để thương lượng với Nhật”, một quan chức chính phủ cho biết.
Ông Ri Yong-ho, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, không phản hồi câu hỏi của báo chí về vấn đề trên khi tới sân bay quốc tế Bắc Kinh (Trung Quốc) sáng 11/8, sau chuyến đi tới Singapore và Iran.
Chính phủ Nhật sẽ kêu gọi Bình Nhưỡng cung cấp lý do giam giữ công dân nước mình, thông qua các kênh gián tiếp do Tokyo và Bình Nhưỡng không có quan hệ ngoại giao chính thức. “Nhật cần lời giải thích từ Triều Tiên về hoàn cảnh và những cáo buộc dẫn đến vụ giam giữ”, một nguồn tin nói trên Asahi Shimbun ngày 12/8. Hiện tại, Bộ Ngoại giao nước này khuyến cáo công dân không đến Triều Tiên.
Du khách xem cuộc diễu hành quân sự của xe tăng, quân đội và tên lửa tại Triều Tiên năm 2013. Ảnh: Kate Whitehead/CNN. |
Kể từ khi Tổng thống Donald Trump gặp gỡ lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6, Thủ tướng Shinzo Abe đã hy vọng có thể sắp xếp cuộc gặp thượng đỉnh riêng với ông Kim.
Trước đó, ông Trump từng chia sẻ mong muốn Nhật là một trong những quốc gia châu Á sẽ cung cấp gói viện trợ kinh tế cho Triều Tiên, nếu chính phủ nước này từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, bắt cóc là một chủ đề nhạy cảm tại Nhật, gây áp lực với ông Abe để xúc tiến cuộc gặp thượng đỉnh nếu có. Hiện chưa có thông tin về ngày cụ thể cuộc gặp sẽ diễn ra.
Chính phủ Nhật công bố, ít nhất 17 công dân nước này đã bị Triều Tiên bắt cóc tại các bãi biển và miền duyên hải từ cuối những năm 1970 đến đầu thập niên 1980. Một số người được sử dụng để dạy ngôn ngữ và văn hóa Nhật cho các điệp viên, hoặc phía Triều Tiên muốn thu thập danh tính của họ.
Sau nhiều năm bác bỏ, vào năm 2002, Triều Tiên thừa nhận bắt cóc 13 công dân Nhật, đưa 5 người về nhà và tuyên bố 8 người còn lại đã chết. Nước này tuyên bố đóng hồ sơ vụ án, điều mà phía Nhật và người thân của những nạn nhân không chấp nhận.
Nguồn: Vnexpress.net