‘Ở nơi đây, khoảng cách được đo bằng chiều dài của đường tàu. Còn những con tàu hết chạy từ đông sang tây lại chạy từ tây sang đông’.
Aimatov viết về tuyến đường sắt khác, nhưng những câu chữ ấy lại hiện lên trong đầu tôi khi ngồi tàu xuyên Siberia.
Tàu đường dài Nga cũng chính là loại tàu tôi đã đi ở Mông Cổ, từ Zamin Uud lên Ulan Bator và sau đó từ Ulan Bator đi Sukhbaatar. Y chang từ thiết kế cho đến những tiểu tiết như rèm cửa, bình nước nóng cuối tàu, nhà vệ sinh kiểu cũ cứ phải khóa lại mỗi khi tàu vào ga hoặc qua các khu dân cư. Giống đến mức khi tôi táy máy sửa lại cái rèm cửa đã làm rơi nó do thanh ngang quá ngắn, một sự cố mà tôi đã gặp phải trong chuyến đi trên đất Mông Cổ. Về sau, khi rảnh rỗi, tôi mở những video đã thực hiện trên chuyến tàu qua sa mạc Gobi cho mấy người bạn Nga xem, vừa liếc qua họ bảo: “Tàu của Nga”.
VIDEO: Nước Nga – xứ sở bạt ngàn bạch dương |
Từ Irkutsk, tàu đi chếch lên hướng tây bắc để tránh dãy núi Đông Sayan. Vừa ra khỏi thành phố, tôi bắt gặp bạt ngàn rừng, là thứ rừng thưa toàn cây lá kim, nhìn qua thấy cây đều tăm tắp cứ như được ai chăm sóc, tỉa tót thường xuyên vậy. Thi thoảng, ở những khoảng hở giữa hai vùng rừng, vài nóc nhà gỗ be bé mọc lên. Dmitri chỉ tay: “Rừng taiga đấy, chán ngắt”. Tôi hỏi tại sao, Dmitri bảo: “Nó đơn điệu, từ đầu tới cuối một kiểu. Chưa kể về mùa đông thì cả mấy ngàn cây số trắng xóa như cõi không người”.
Tôi đang đi vào cuối xuân, chớm hè, cây xanh nối tiếp cây xanh. Dọc vệ đường và ở những thửa đất trống xa hơn một chút, hoa bồ công anh đua nhau nở, vàng rực cả một miền. Về sau tôi còn thấy màu vàng ấy lan tới tận Moscow. Suốt hành trình xuyên Siberia, từ hồ Baikal tới Moscow, tôi đã bắt gặp hoa bồ công anh chói chang vào bất cứ lúc nào tôi nhìn qua cửa sổ, hay tò mò nhảy xuống sân ga ở những nơi tàu dừng quá 15 phút, cứ như thể hẹn nhau cùng nở để chào đón tôi vậy.
Đấy là vào mùa nắng ấm. Mùa đông sẽ rất khác, nhưng nếu nói rằng nó chán ngắt như ý kiến của Dmitri thì không hẳn. Tôi khẽ nhắm mắt và hình ảnh của chuyến tàu trong quá khứ hiện lên. Đó là chuyến tàu từ Stockholm lên thị trấn Kiruna trong vành đai Bắc cực ở Thụy Điển. Cả một hành trình tuyết trắng, những rừng thông trắng xóa, thi thoảng vài ngôi nhà gỗ như cây nấm đội tuyết mọc lên. Một cô bạn đồng hành hồi đấy đã không kìm được cảm xúc: “Cứ như truyện cổ tích ấy”. Tôi đồng ý ngay tắp lự: “Chỉ thiếu ông già Noel cưỡi xe tuần lộc”. Mùa đông dọc tuyến đường xuyên Siberia, tôi đồ rằng, còn kỳ vĩ hơn. Hôm trước ở Bắc Kinh, sau khi nghe tôi nói về hành trình xuyên Siberia, anh bạn người Áo cùng phòng đã vẽ ra kế hoạch của riêng anh: “Tôi sẽ đi. Nhưng tôi muốn đi từ Vladivostok tới Moscow, trong mùa đông trắng xóa”.
Dmitri làm việc tại Novosibirsk, về thăm cha mẹ ở Ulan-Ude và bây giờ trở lại nơi làm. Anh ta thích thú khi biết tôi từ VN đi tàu sang. “Anh sung quá. Tôi mệt mỏi với những chuyến tàu, nhưng có việc thì phải đi thôi”, Dmitri bảo thế. Anh ta mang rất nhiều đồ ăn, tôi tò mò xem thì hóa ra một hộp khoai tây hầm, thịt bò hầm và mấy thứ đồ ăn vặt nữa.
Lúc tôi lên ở Irkutsk, thấy Dmitri đang hì hục ăn làm tôi phát đói theo. Tôi bèn chạy lại chỗ cuối toa, hỏi bà phục vụ, một phụ nữ Nga béo mập phúc hậu tên Lyudmila, rằng toa nhà ăn ở đâu. Bà bảo không có toa ăn, rồi bà chỉ mớ đồ ăn vặt trong phòng. Tôi bèn mua một bịch đậu phộng ướp muối, một bịch bánh mì mặn và hai hộp bột khoai tây ăn liền. Bột khoai tây có thêm tí tôm cá gì đấy, chỉ việc đổ nước sôi vào là ăn được, như mì gói. Có điều thứ bột nhão nhoẹt này chỉ thích hợp với trẻ con chưa mọc răng, chứ như tôi ăn vào một hai tiếng sau đã thấy đói, lại phải lôi ra pha tiếp. Ăn một lần thấy ổn, ăn lần thứ hai, thứ ba thấy ngán tận cổ, đến lần thứ n bèn tự nhủ thế nào chả được, cho qua bữa thôi chứ quan trọng gì.
|
Tàu chạy từ buổi trưa, đến rạng sáng hôm sau thì phòng tôi lại có thêm người mới, đấy là chỉ đếm những người mà tôi biết được. Còn trong khi tôi ngủ, có thể đã có nhiều hành khách lên và xuống không chừng. Anh mới lên là Kolya ở Krasnoyarsk, làm việc ở Novosibirsk lâu lâu ghé về thăm nhà. Novosibirsk là thành phố lớn nhất vùng Siberia nên cũng là đích đến của những người trẻ muốn tìm cơ hội nơi đô thị.
Không thấy nơi tận cùng
Tuyến xuyên Siberia đúng nghĩa ra đời năm 1919, dài 9.289 km nối thủ đô Moscow với thành phố Vladivostok ở phương đông bên bờ Thái Bình Dương. Trong Thế chiến II, đây là tuyến vận tải quan trọng.
|
Hiện nay, đi trọn tuyến xuyên Siberia mất hơn 6 ngày. Mới lên tàu còn háo hức không dám chợp mắt tẹo nào, sợ bỏ lỡ cảnh này cảnh kia. Rồi qua vài giờ, qua ngày hôm sau, hôm sau nữa, rồi hôm sau nữa, tàu vẫn xình xịch, trong lúc sức người có hạn, bèn tự nhủ cứ đánh một giấc xem có mất mát gì không. Hoa vàng, rừng thưa lùi lại phía sau, lại có hoa vàng, rừng thưa mới xuất hiện trước mặt. Những nhà ga mới, những con sông, những ngôi làng cứ tiếp nối miên man bất tận. Tôi nhớ Aimatov, trong trước tác Một ngày dài hơn thế kỷ, tả những đường tàu miệt hoang mạc Kazakhstan như thế này: “Ở nơi đây, khoảng cách được đo bằng chiều dài của đường tàu. Còn những con tàu hết chạy từ đông sang tây lại chạy từ tây sang đông”. Ở tuyến đường xuyên Siberia, tôi cũng có cảm giác y chang như vậy. Một cảm giác vô bờ bến, không thấy đâu là tận cùng.
Một trong những điều thú vị mà tôi tìm thấy ở những chuyến tàu đường dài đó là những thứ xung quanh mình cứ dần thay đổi, sau mỗi ga tàu. Ở miệt hồ Baikal, ngồi quanh tôi toàn là người “châu Á”; đến một lúc nào đấy, họ dường như bốc hơi khỏi những toa tàu, tỏa đi đâu đó về làng bản, phố phường của họ. Tàu càng đi qua phía tây, tôi càng cảm nhận “không khí châu Âu” rõ hơn, từ cảnh sắc cho đến những hành khách mới lên tàu. Cũng tương tự, hồi ở Thụy Sĩ, buổi sáng khi tôi lên tàu ở Zurich thì nghe tiếng Đức xì xồ, buổi trưa khi tàu xuống Geneve thì nghe toàn tiếng Pháp, hoặc nếu xuống Bellinzona thì nghe toàn tiếng Ý. Vẫn là con tàu đấy, vẫn là tôi ở đây, nhưng những người xung quanh thì đã khác hoàn toàn. Em gái tóc đen hôm nào khi tàu đi ven hồ Baikal ngồi kế tôi giờ đã được thay bởi một bà đẫy đà khi tàu đến ga Bogotol. Tôi vẫn ở đây mà “em bây giờ đã khác/Hát khác xưa rồi và khóc cũng khác xưa…”.
Sau 30 tiếng đồng hồ kể từ khi rời Irkutsk, tàu đến Novosibirsk, thành phố lớn nhất vùng Siberia nằm bên bờ sông Ob mà điều tôi thích nhất ở đây là có cùng múi giờ với VN. Chia tay Dmitri và Kolya, tôi tìm đến nhà trọ, dự định nghỉ ngơi một ngày, thăm thú chỗ này chỗ kia rồi đi tiếp về phía tây. Ông chủ nhà trọ biết tôi từ VN tới bèn bảo: “Cậu đi chơi quảng trường Lenin đi”.
Tôi cười, cũng là một trải nghiệm thú vị, bèn lững thững đi bộ 2 km ra trung tâm, ngắm tượng Lenin sừng sững, chếch về phía sau là 3 người cầm súng; ở phía bên kia là một người phụ nữ giơ cao bông lúa mì và một người đàn ông có vẻ là công nhân đang cầm dụng cụ làm việc. Cụm tượng đài theo mô típ rất quen thuộc mà tôi đã gặp không ít lần. Chụp vài kiểu hình, xong đâu đấy tôi tới công viên gần đó ngồi chơi rồi lại lững thững trở về. Những bà cụ bán hoa tulip, hoa hồng trên hè phố cười chào, mời tôi mua những bông hoa vừa ngắt từ vườn nhà. Tôi một mình, mua hoa để tặng ai đây, bèn gật đầu cười và đi tiếp.
Novosibirsk cũng chỉ là một chặng dừng chân thôi.
(còn tiếp)
Nguồn: Thanhnien.vn