Mặt tốt xấu của TP HCM trong mắt nhà báo Anh

0
23
Bến đầu tiên của tuyến buýt sông đặt tại công viên Bạch Đằng (quận 1). Ảnh: Hữu Công. 

TP HCM là thành phố năng động, giàu lịch sử nhưng nhiều du khách chưa hài lòng về giao thông và vệ sinh thực phẩm.

Tim Pile, một nhà báo Anh có bằng thạc sĩ về phát triển du lịch, từng đi hơn 100 nước và cũng có hơn 100 bài báo viết cho South China Morning Post. Dưới đây là chia sẻ của Tim Pile về các mặt tốt xấu ở TP HCM.

Mặt tốt

TP HCM là một nơi kích thích tới tất cả các giác quan của bạn, đòi hỏi bạn phải chú ý rất nhiều, ví như chỉ riêng việc đi qua đường cũng phải cẩn trọng.

Thành phố sôi động này hiện đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng các thành phố bùng nổ nhất thế giới (chỉ sau Bangalore, Ấn Độ), dựa trên các yếu tố đóng góp về phát triển kinh tế dài hạn như sự đổi mới, cảm hứng, đầu tư và cơ sở hạ tầng. 

“Hòn Ngọc Viễn Đông” đã đón hơn 6 triệu khách quốc tế vào năm 2017, một sự tăng trưởng đáng kể so với năm ngoái, phần lớn nhờ vào việc thực hiện cấp visa điện tử cho công dân 40 nước. 

Đi xe máy là cách dễ nhất để di chuyển và ngắm cảnh ở TP HCM. Du khách có thể bắt đầu tham quan Dinh Độc Lập. Chỉ cách đó 10 phút đi bộ là Bảo tàng chứng tích chiến tranh, nơi lưu giữ những bằng chứng cho tội ác của quân đội Mỹ, ví như sự kiện thảm sát Mỹ Lai. Ngoài ra, Nhà thờ Đức Bà cùng Bưu điện trung tâm thành phố là minh chứng cho thời kỳ Pháp thuộc. 

Du khách yêu thích lịch sử không nên bỏ qua khách sạn Caravelle, một công trình mang dấu mốc quá khứ của thành phố. Vào thời chiến, các nhà báo thường tụ tập trên quán bar tầng thượng ở đây để vừa ăn uống vừa làm việc.

Nếu không cần sang trọng, du khách hãy tìm quán ăn địa phương và gọi một tô phở để thưởng thức ẩm thực Việt. Để tìm đồ ăn nhẹ thì du khách có thể chọn ngay món bánh mì pate cùng một ly cà phê có bán ở khắp ngõ hẻm trong thành phố.

Bến đầu tiên của tuyến buýt sông đặt tại công viên Bạch Đằng (quận 1). Ảnh: Hữu Công. 

Bến đầu tiên của tuyến buýt sông đặt tại công viên Bạch Đằng (quận 1). Ảnh: Hữu Công. 


Hệ thống bus đường sông ở TP HCM được đưa vào hoạt động tháng 11/2017, cũng là phương tiện mới nhằm thu hút du khách muốn ngắm cảnh thành phố ở các góc khác nhau. 5 chiếc tàu sẽ phục vụ khách trên sông Sài Gòn, nhưng với hệ thống hơn 100 kênh rạch và sông quanh thành phố, thì phương tiện này còn có khả năng mở nhiều tuyến hơn. 

Thuê một chiếc xe (ôtô hay xe máy) chạy khoảng một tiếng là du khách tới được địa đạo Củ Chi. Một địa đạo xây thủ công và nằm sâu dưới lòng đất được sử dụng như nơi ẩn náu, trữ thực phẩm và vũ khí vào thời chiến, thậm chí có cả một bệnh viện và phòng nghỉ. Nhiều đường hầm của địa đạo đã bị sập nhưng được tôn tạo lại và mở rộng để giúp du khách có cái nhìn sống động hơn về thời kỳ lịch sử đó. 

Một hướng khám phá khác nhưng dài hơi hơn ở TP HCM là từ đó đi tới đồng bằng sông Cửu Long – mảnh đất trù phú có nhiều đầm lầy, đồng lúa, hay dòng sông. Cảnh quan thường thấy là những người nông dân đang trồng trọt, chăn nuôi, trẻ em cưỡi trâu tắm sông hay các khu chợ nổi chen chúc thuyền bè vào mỗi bình minh. 

Mặt xấu

TP HCM có 7-8 triệu chiếc xe máy lưu thông trên đường cộng thêm 1.300 phương tiện mới mỗi ngày. Tỷ lệ chết vì tai nạn giao thông cao thứ 2 ở Đông Nam Á, theo tổ chức Y tế thế giới, và tai nạn giao thông cũng là nguyên nhân chính gây tử vong những người ở độ tuổi 25-29. 

Mặt tốt xấu của TP HCM trong mắt nhà báo Anh
 
 

Mặt tốt xấu của TP HCM trong mắt nhà báo Anh

Giao thông Sài Gòn điên rồ trong mắt khách Tây đi tour vespa cổ. Video: Phong Vinh. 

Có nhiều clip trên Youtube đưa ra lời khuyên, giải pháp về việc đi lại trên các con phố đông đúc, như đi theo những người dân địa phương để “dùng họ như khiên chắn”. Thậm chí có cả một ứng dụng điện tử, chỉ ra 4 bước để thuần thục các kỹ năng di chuyển giữa đám đông xe cộ và chướng ngại vật.

Bạn có nghĩ mình thực sự cần thuê xe máy? Mượn một cái xe tăng trong Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có khi còn hay hơn. Trong một số trường hợp, bus đường sông có vẻ là phương tiện an toàn để ngắm cảnh thành phố. Nhưng hiện tại mới chỉ có 3 tàu hoạt động và việc khách phải đợi chờ rất lâu vẫn phổ biến. 

TP HCM đang đặt mục tiêu đạt 7,5 triệu du khách quốc tế năm 2018 và cả nước Việt Nam phấn đấu đạt 20 triệu du khách quốc tế vào năm 2020. Trong khi đó chi phí cho quảng bá du lịch hàng năm của cả Việt Nam chỉ có 2 triệu USD, ngành công nghiệp không khói này đang đóng góp gần 10% GDP của Việt Nam (So sánh với nước láng giềng Thái Lan, họ chi 105 triệu USD mỗi năm để quảng bá du lịch).

TP HCM có hơn 7 triệu xe máy và ngày một nhiều hơn. Ảnh: Alamy.

TP HCM có hơn 7 triệu xe máy và ngày một nhiều hơn. Ảnh: Alamy.


Ước tính chỉ 6% khách quốc tế quay lại TP HCM và một lần nữa so với Thái Lan có tới 60 – 70% khách quốc tế trở lại để du lịch. Trộm cướp, giao thông hỗn loạn, vệ sinh thực phẩm kém và tài xế taxi thô lỗ là số ít những lý do khiến du khách không ồ ạt trở lại TP HCM.

Các quan chức địa phương đề xuất thiết lập lực lượng cảnh sát du lịch ở các thành phố lớn như TP HCM, nhưng ý tưởng này vẫn chưa được thực hiện. 

Từng được nhiều người nhắc tới như “Paris của phương Đông”, các công trình thời Pháp thuộc của TP HCM dần bị tháo dỡ, phá bỏ để xây dựng những công trình hiện đại hơn. Theo một nhà sử học kiêm chuyên gia nghiên cứu Việt Nam, Tim Doling (Anh), những thay đổi này không phải là “nhìn xa trông rộng”. 

Nhà sử học chia sẻ: “Vấn đề là không có kế hoạch bảo tồn hoặc bảo vệ những công trình cổ. Những di sản này nên là trung tâm trong các sáng kiến phát triển du lịch, nhưng hiện nay lại bị xóa bỏ một cách có hệ thống”.

Hương Chi (theo SCMP)

Nguồn: Vnexpress.net