Bảo tàng Quốc gia Rio de Janeiro đã mất đi một lượng lớn hiện vật có ý nghĩa quan trọng trong lịch sử thế giới.
Không có thương vong nhưng đám cháy lớn vào ngày 2/9 đã gây ra thiệt hại không thể đo đếm ở Bảo tàng Quốc gia Rio de Janeiro, Washington Post đưa tin. Các quan chức cho biết, 90% bộ sưu tập của bảo tàng với khoảng 20 triệu hiện vật đã bị thiêu rụi.
Ngọn lửa đã phá hủy vô số hiện vật giá trị của Brazil như xương khủng long, xác ướp cổ đại, những bản ghi chép bằng ngôn ngữ của người bản địa đã tuyệt chủng, nhiều hiện vật của châu Mỹ trước khi có sự xuất hiện của người châu Âu và những bức bích họa của thành phố La Mã cổ Pompeii.
Một số ít mẫu vật vô giá của bảo tàng may mắn còn lưu giữ được, trong đó có hóa thạch 11.500 năm tuổi được cho là bộ xương người cổ nhất được khai quật ở châu Mỹ.
Các nhà quản lý và nhà khoa học đang phải vất vả đánh giá hậu quả của thảm họa. Một số người coi như đã mất đi cả sự nghiệp.
“Tôi đã gần như mất hết công trình nghiên cứu lâu năm của mình”, Marcus Guidoti, nhà côn trùng học người Brazil, cho biết. Bộ sưu tập các loài bọ được cho là lớn nhất thế giới với khoảng 5 triệu mẫu động vật chân đốt đã bị phá hủy.
Đối với những người khác, thảm họa này là một đòn giáng mạnh vào nền văn hóa của Brazil. “Brazil chỉ có 500 năm lịch sử. Bảo tàng quốc gia này đã 200 tuổi, có những thứ đã ra đi mãi mãi“, nhà nhân chủng học Mercio Gomes viết trên trang cá nhân. Gomes đã so sánh sự kiện này với vụ đốt Đại Thư viện Alexandria của Ai Cập vào năm 48 trước Công nguyên – sự kiện hủy diệt tàn khốc đối với tri thức nhân loại.
Giám đốc bảo tàng Alexander Kellner nói: “Bộ sưu tập của bảo tàng không chỉ là lịch sử Rio de Janeiro hay Brazil, mà còn là nền tảng cho lịch sử thế giới”.
Bảo tàng Quốc gia Brazil, bảo tàng lớn nhất ở châu Mỹ Latin, cũng là một công trình lịch sử. Cung điện có từ thế kỷ 19 này là nơi cư ngụ của một gia đình hoàng gia Bồ Đào Nha và một triều đại hoàng gia Brazil ngắn ngủi. Đây cũng là nơi ký kết hiệp định độc lập cho đất nước vào năm 1822. Năm 2018 này, bảo tàng kỷ niệm 200 năm thành lập.
Nguyên nhân của vụ hỏa hoạn vẫn chưa được làm rõ. Các nhà chức trách suy đoán rằng một quả bóng giấy bị cháy có thể đã rơi trên mái nhà của bảo tàng. Theo tờ New York Times, các nhà điều tra cũng đang tìm kiếm manh mối để xem liệu có phải một vụ chập điện ở một phòng thí nghiệm đã khai hỏa hay không.
Trong khi đó, những người biểu tình đã đụng độ với cảnh sát Rio, cáo buộc rằng vụ việc của Bảo tàng Quốc gia là hậu quả của các chính sách cắt giảm chi tiêu mạnh, khiến cơ sở hạ tầng của đất nước này xuống cấp. Các báo cáo chỉ ra, hệ thống phun nước phòng chống cháy nổ của tòa nhà không còn hoạt động. Nhân viên cứu hỏa phải lấy nước từ một hồ gần đó để dập lửa, bởi các vòi cứu hỏa của bảo tàng đều vô hiệu.
Tổng thống Brazil, Michel Temer, hứa sẽ huy động các quỹ công và tư để giúp khôi phục bảo tàng và tái dựng các bộ sưu tập. Nhưng các quan chức của bảo tàng tỏ ngụ ý rằng, thảm họa này chỉ là một hệ quả của việc cắt giảm ngân sách và thiếu quan tâm từ chính phủ. Đầu năm nay, bảo tàng đã phải tự huy động vốn từ cộng đồng để có được 7.000 USD dùng cho chiến dịch chống mối mọt.
“Đây là cội nguồn của đất nước này… các bạn có hiểu không?”, Kellner, nhà cổ sinh vật học nổi tiếng người Brazil, nói với các phóng viên.”Chúng ta cần sự giúp đỡ của xã hội. Một phần di sản của chúng ta đã bị lấy đi. Đừng để chúng ta mất đi lịch sử, bởi vì đó cũng là lịch sử của chính các bạn”.
Thảm họa tại Bảo tàng Quốc gia Brazil là một sự cảnh tỉnh đau lòng cho nhiều quốc gia khác cũng có những hiện vật vô giá, nhưng lại thiếu nguồn lực để bảo vệ chúng.
“Brazil là một đất nước tuyệt vời và xinh đẹp, nhưng tình trạng dân trí thấp đang hủy hoại nó. Người nghèo ở Brazil không được đi học, để rồi các bảo tàng lúc nào cũng vắng bóng người bản địa. Người giàu đến bảo tàng nhưng là ở London, New York hay Paris, chứ không phải ở Rio hay Sao Paulo”, Paulo Coelho, tác giả người Brazil của cuốn Nhà Giả Kim, nói.
Tuy nhiên, vẫn còn những người lạc quan bám vào hy vọng mong manh tìm được những thứ còn sót lại. “Chúng tôi có thể kiếm được một số thứ còn vẹn nguyên đâu đó. Chúng tôi không biết còn những gì, nhưng tôi luôn có hy vọng”, Giám đốc bảo tàng nói.
Trường Đặng
Nguồn: Vnexpress.net