Kỷ niệm ngủ nhờ khi đi nước ngoài của du khách Việt

0
21
ky-niem-ngu-nho-khi-di-nuoc-ngoai-cua-du-khach-viet

Nhờ Couchsurfing, Khanh đã tiết kiệm được cả nghìn Euro tiền thuê phòng khách sạn trong chuyến du lịch châu Âu.

Đặng Ngọc Khanh, cô gái Hà Nội hiện sống ở TP HCM, biết đến Couchsurfing (CS) 5 năm trước. Sau khi tìm hiểu và tham gia, Khanh cho biết giờ nhìn lại thấy đó là một quyết định đúng đắn. Dưới đây là chia sẻ của Khanh về trải nghiệm Couchsurfing khi du lịch nước ngoài.

ky-niem-ngu-nho-khi-di-nuoc-ngoai-cua-du-khach-viet

Khanh trên hành trình du lịch châu Âu.

Khi mới tham gia, mình không có nhiều đánh giá nên tham gia làm hướng dẫn hoặc gặp để trao đổi thông tin. May mắn cho mình khi lần đầu xin ở nhờ nhà một thành viên CS ở Philippines lại được chấp nhận ngay. Chủ nhà là nhà văn người Mỹ, có căn hộ một phòng ngủ khá sạch và đẹp ở Manila nên khi mình và cô bạn tới ở thì được bố trí thêm nệm để nằm ở phòng khách. Ban ngày chủ nhà đi làm nên đưa chìa khoá cho hai đứa tự do sử dụng căn hộ và hồ bơi.

Sau khi có nhà riêng, thi thoảng mình cũng host (cho ở nhờ). Vì là nữ độc thân nên mình chọn lọc khách khá kỹ. Mình đọc hồ sơ và những lời đánh giá về khách xin ở nhờ để xét xem có nên đồng ý hay không. Có nhiều khi nhà mình có tới 5 khách, ngủ từ sofa tới nệm trải sàn, nhưng tất cả đều rất hoà đồng và thân thiện. Thi thoảng họ còn nấu món ăn của đất nước mình để mời chủ nhà, và ngược lại.

Sau lần ở nhờ tại Philippinnes, Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan, mình cũng đã cho nhiều người ở nhờ và nhận được khá nhiều đánh giá tốt. Điều này giúp mình có một hồ sơ sáng để xin ở nhờ khắp nơi. Có những nơi mình tới là quê hương của khách từng ở nhờ nhà mình như Mỹ. Họ lại đón tiếp mình như một người bạn thân thiết lâu ngày gặp lại.

Ngày tới Nagoya (Nhật Bản), mình ở nhờ nhà một đôi vợ chồng lớn tuổi người Nhật, họ rất nhiệt tình. Mặc dù tới nơi là 11h đêm, hai vợ chồng bác đã đứng sẵn ở cửa ga như đã hẹn để đón. Về tới nhà, bác gái xuống bếp làm đồ ăn cho mình với những món ăn truyền thống mà không hề giống như mình ăn ở những nhà hàng Nhật tại Việt Nam. Ngôi nhà có cửa lùa và khu vườn nhỏ khiến mình như đang hoà mình vào câu truyện Doremon hồi bé hay đọc. Sáng hôm sau hai vợ chồng bác đi làm,  không quên gọi mình dậy ăn sáng rồi giao xe đạp và chìa khoá nhà cho, dặn tối về ăn cơm cùng hai bác.

Khi mình làm một chuyến du lịch vòng quanh châu Âu hơn một tháng, CS còn giúp mình tiết kiệm đáng kể tiền khách sạn. Nếu hơn một tháng ở khách sạn, rẻ thì cũng ngốn hơn nghìn Euro, nhưng cả quãng thời gian đó không đêm nào mình phải ở khách sạn, lại còn được tự nấu đồ ăn Việt cho mình và mời cả chủ nhà thưởng thức.

Đến Paris, bác chủ nhà do làm ở sân bay nên mình được bác đón ngay cửa ra rồi đưa về nhà. Ngôi nhà bác ở với con cái nằm trong một ngôi làng ngoại ô Paris. Bác sống với hai đứa con nên mỗi khi đi làm, hai con bác ngoài giờ đi học lại đưa mình xe đạp và cùng nhau vào một khu rừng nhỏ gần đó để cảm nhận cuộc sống yên bình và ngắm những lùm cây cherry dại.

Ngày tới miền nam nước Pháp, mình ở nhờ nhà một đôi vợ chồng trẻ. Ngôi nhà do các bậc tiền bối để lại có từ khoảng 300 năm làm bằng đá ong. Chủ nhà là nghệ sĩ và cũng là nhà văn nên lúc nào rảnh là lại thấy anh đánh đàn. Quanh làng là những cánh đồng hoa oải hương thơm mát, ruộng nho chưa vào vụ và cánh đồng hoa hướng dương. Nhờ chủ nhà cho mượn xe đạp mà mình có dịp đạp vòng quanh để cảm nhận một miền nam Pháp, nơi này hẻo lánh và khá khép mình nên không có nhiều phương tiện qua lại. Người dân bày bán ở vệ đường những thứ nông sản do mình trồng nên ngày nào đạp xe mệt, mình cũng nghỉ chân mua quả dưa lưới giá một Euro để ăn chống khát.

Ngày tới Roma, người cho ở nhờ là một bác nhiếp ảnh chuyên nghiệp, căn hộ cổ có bức tường dày hàng mét ngay trung tâm gần đấu trường Collosseum với cầu thang máy kiểu cổ điển, khá nhỏ và phải đóng cửa bằng tay. Không những cho ở nhờ gần một tuần, thi thoảng bác lại nấu đồ Italy và mời mình cùng ăn. Ngày chia tay, bác còn tặng chai rượu vang của Italy và salami (một loại xúc xích) để mình nhâm nhi….

Đến nay mình đã đi được gần hết những nơi mong muốn. Cũng nhờ Couchsuring nên mình hiểu rõ hơn về văn hoá và con người nơi mình đã qua. Tuy không phải ai cũng may mắn như mình được gặp chủ nhà tốt, nhưng trang web cũng khá an toàn nếu xem kỹ hồ sơ của người mình xin ở nhờ hay ở nhờ nhà mình. Ngoài tiết kiệm được chi phí để đi được nhiều hơn, nó còn giúp mình trao đổi kỹ năng sống, có thêm bạn bè và học hỏi được nhiều hơn.

Couchsurfing là một mạng lưới liên kết những người dân du lịch trên toàn thế giới với nhau, ngôn ngữ tiếng Anh là chủ yếu. Hình thức hoạt động của nó là trao đổi thông tin, cho nhau ở nhờ hay hướng dẫn người du lịch để họ hiểu hơn về văn hoá, đất nước mình.

Người đăng ký tham gia phải ghi rõ thông tin về mình. Những người mình cho ở nhờ hay gặp gỡ trao đổi thông tin, hoặc hướng dẫn du lịch cho họ đều để lại đánh giá về nhau, để những người sau đó muốn gặp họ, có thể tìm hiểu để biết người đó là người thế nào sau khi đọc những dòng coment từ người đã gặp trước.

Nơi ở nhờ nhiều khi không phải là phòng riêng như khách sạn, thi thoảng là sofa hoặc một cái nệm mà mình có thể biết thông tin từ danh sách của người cho ở nhờ. Couchsurfing không cho phép người chủ nhà thu tiền của người ở nhờ, nên thường thì khách mang một món quà nhỏ như tấm thiệp, gói kẹo biếu chủ nhà. Còn mình thì hay mang cafe Việt, nấu đồ Việt mời chủ nhà, hay trước khi rời khỏi nhà họ, mình mua những thứ thường dùng hàng ngày trong siêu thị biếu chủ nhà.

Xem thêm: Những tình huống bất ngờ khi cho khách Tây ngủ nhờ

Độc giả: Đặng Ngọc Khanh

Biên tập: Kim Anh

Liên hệ: kimanh@vnexpress.net

Nguồn: Vnexpress.net