Hướng dẫn viên Việt khó xử vì khách quá tin blogger du lịch

0
6
Ma rừng lữ quán là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt. Ảnh: Hanoi Tourism.

Khi không chụp được ảnh đẹp như từng nhìn thấy trên mạng, nhiều khách đã quay ra trách hướng dẫn viên du lịch.

Vân Nguyễn, 25 tuổi là hướng dẫn viên du lịch sống tại TP HCM, có 5 năm kinh nghiệm. Sự cố khiến cô “dở khóc dở cười” nhất là một lần dẫn tour đi Ma Rừng Lữ Quán cách đây 3 năm. Đây là địa điểm nổi tiếng tại Đà Lạt, được nhiều blogger du lịch quảng bá với những bức ảnh ấn tượng. 

Đoàn khách 30 người của Vân cũng bày tỏ mong muốn được ghé thăm. Tuy nhiên đoàn đông, phải đi xe to nên không vào được. Mọi người buộc phải đi bộ quãng đường cả đi và về gần 10 km dưới cái nắng của 12h trưa. “Hướng dẫn viên chúng tôi quen với việc đi bộ. Nhưng khách thì không, vì vậy tôi phải vừa đi vừa động viên từ già tới trẻ”.

Ma rừng lữ quán là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt. Ảnh: Hanoi Tourism.

Ma Rừng Lữ Quán là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Đà Lạt. Ảnh: Hanoi Tourism.

Khi tới nơi, khách liên tục hỏi hướng dẫn viên: “Đi vào muốn hụt hơi, chụp được vài kiểu rồi ra hả em?”, “Em ơi, cái chỗ đẹp đẹp trên ảnh, chỉ có nhiêu đây thôi à?”. Nhiều người thắc mắc sao ảnh họ chụp không “long lanh” như trên mạng khiến Vân bối rối. Sự cố này tương tự ở điểm tham quan “Cổng trời” thuộc Bảo Lộc, Lâm Đồng. 

Một góc nhỏ Ma rừng lữ quán khi chưa qua chỉnh sửa. Ảnh: Hanoi Tourism.

Một góc nhỏ Ma rừng lữ quán khi chưa qua chỉnh sửa. Ảnh: Hanoi Tourism.

Theo nữ hướng dẫn viên trẻ, nhiều điểm du lịch bỗng nhiên “hot” ở trên mạng, do nhiều blogger du lịch chỉnh ảnh quá kỹ khiến khách nhầm tưởng. Trên thực tế, nhiều nơi không đẹp như trong ảnh, nhưng do khách thích “sống ảo”, và quá tin vào lời quảng cáo của các blogger du lịch nên đi theo. Khi đến nơi, họ thất vọng và nhiều người đã trút sự bực bội lên các hướng dẫn viên. 

“Nhiều khách tin vào những lời quảng cáo của blogger hơn hướng dẫn viên. Trong khi hướng dẫn viên du lịch mới là những người hiểu rõ đường đi, phong cảnh ở từng địa điểm. Ví dụ như Ma Rừng Lữ Quán, tôi cũng giải thích rõ với họ về đường đi vất vả ra sao, khách không nên quá tin vào những bức ảnh trên mạng. Nhưng họ vẫn muốn đi, rồi nhận về thất vọng”, Vân nói. 

Các hướng dẫn viên đều cho biết họ không ngại khó, ngại khổ, chỉ ngại khi khách có chuyến du lịch không vui. “Nhưng nghề của chúng tôi thời gian gần đây thêm phần vất vả một phần là do các blogger du lịch tự phong mang tới”, một nam hướng dẫn viên giấu tên cho biết. 

Họ muốn các blogger du lịch viết bài đánh giá, nhận xét (review) điểm đến chân thực và đa chiều hơn, thay vì chỉ chú trọng chỉnh ảnh sao cho đẹp nhất, khiến người xem ngộ nhận.

“Blogger du lịch cần công tâm viết bài đánh giá các dịch vụ. Bạn chỉ có thể chia sẻ kinh nghiệm của mình dựa trên nhiều lần trải nghiệm, chứ mới chỉ trải qua một đến hai lần thì lấy đâu ra kinh nghiệm để chia sẻ”, một người nói. Nhiều hướng dẫn viên “lão làng” tại Việt Nam, với kinh nghiệm đi khắp các miền tổ quốc, cũng cho biết họ chưa dám nghĩ đến việc trở thành một blogger du lịch.

Chị Trang, một hướng dẫn viên du lịch, cho biết rất mong các blogger nên review chân thật, nói rõ về những thuận lợi và khó khăn khi tới mỗi địa điểm. Họ cũng nên có một tấm so sánh giữa ảnh thật và ảnh qua chỉnh sửa, để khách đánh giá được đúng bản chất điểm du lịch đó. Ảnh: NVCC.

Chị Trang, một hướng dẫn viên du lịch ở Cần Thơ, cho biết rất mong các blogger khi review, nói rõ về những thuận lợi và khó khăn khi tới mỗi địa điểm. Họ cũng nên có một tấm so sánh giữa ảnh thật và ảnh qua chỉnh sửa, để khách đánh giá được đúng bản chất điểm du lịch đó. Ảnh: NVCC.

Điển hình như điểm đến Hà Giang, du khách chưa từng tới cao nguyên đá sẽ thấy Lũng Cú, Đồng Văn, Mèo Vạc chỉ toàn khung cảnh thơ mộng. Nhưng chỉ khi đi, du khách mới cảm nhận được sự trắc trở của những cung đường, lẫn điều kiện thời tiết.

“Việc review đa chiều không chỉ làm tăng uy tín của các blogger, mà còn hạn chế được rắc rối cho những người làm trong ngành dịch vụ”, một hướng dẫn viên nói.

Anh Minh

Nguồn: Vnexpress.net