Bengkala là một ngôi làng đặc biệt trên đảo Bali (Indonesia). Tại đây, người dân có thể giao tiếp với nhau dễ dàng dù họ sinh ra bị điếc bẩm sinh hay là một người bình thường.
Kolok Getar uốn cong bắp tay, hất ngực ra tỏ vẻ đắc chí như ngày còn trẻ. Ông ngồi khoanh tròn chân trên sàn nhà bê tông. Dù đã già rồi, Getar vẫn rất khoẻ mạnh. Ông luôn sẵn sàng chiến với bất kỳ kẻ thách thức nào nếu đó là điều cần thiết.
“Ngày xưa, ông chú tôi mạnh lắm đấy”, cháu trai của Kolok Getar, Wisnu cười thích thú. “Ông từng là một võ sư nổi tiếng. Hồi trẻ, ông ấy thừa sức bẻ đôi trái dừa bằng tay không”.
Những người dân làng có thể nói chuyện với nhau mà không cần phát ra âm thanh. Ảnh: BBC. |
Như thể nghe được lời tâng bốc từ cậu cháu trai, Kolok chỉ tay về phía hàng cọ đang đung đưa trên đỉnh đồi. Những ngón tay gân guốc của ông tạo thành một hình cầu lớn, biểu trưng cho trái dừa tưởng tượng. Chỉ thế thôi, mọi người ngồi xung quanh đã phá lên cười.
Điều kỳ lạ là, từ đầu tới cuối, ngoài tiếng cười của họ (và lời phiên dịch của Wisnu), mọi thứ diễn ra trong im lặng. Không một từ nào được nói ra. Thế mà, ai cũng hiểu.
Phải, đây là câu chuyện đã quá quen thuộc ở Bengkala, ngôi làng điếc đặc biệt ở đảo Bali, Indonesia.
Điếc là một thứ may mắn
Kata Kolok là một loại “nói chuyện điếc”, hay chính xác hơn là một kiểu ngôn ngữ hình thể đặc biệt mà 44 người trong làng Bengkala sử dụng để giao tiếp với phần còn lại (khoảng hơn 3.000 người). Nói là đặc biệt vì Kata Kolok không giống như ngôn ngữ hình thể bình thường được người khiếm thính trên khắp thế giới sử dụng.
Cách biểu đạt nghĩa trong Kata Kolok khá “trần trụi”. Có thể nói, nếu một người mới đến cũng có thể hiểu được sơ sơ. Ví dụ nếu nói “đàn ông”, họ sẽ giơ một ngón trở thẳng đứng. Từ “cha” lại được cắt nghĩa bằng một ngón trỏ nhưng uốn cong phần đầu, ý chỉ ria mép…
Có những gia đình ở ngôi làng điếc cả 7 thế hệ. Ban đầu, người dân vẫn đồn rằng đó là thứ lời nguyền của quỷ dữ. Tuy nhiên, sau khi các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu, họ phát hiện ra ở Bengkala tồn tại loại gene lặn, được biết với cái tên DFNB3. Đó là nguyên nhân chính khiến cứ 50 em bé sinh ra ở làng này lại có một cá nhân bị điếc. Tình trạng này xảy ra suốt nhiều thập kỷ qua.
Rõ ràng, điếc đối với bất kỳ ai cũng là sự thiệt thòi lớn. Nhưng hiểu theo cách tích cực, điếc ở Bengkala sẽ tốt hơn là điếc ở nơi khác. Nghe có vẻ vô lý nhưng sự thật là vậy.
“Nếu số phận muốn bạn bị điếc từ khi sinh ra, vậy tốt hơn hãy sinh ra ở Bengkala”.
Dạo bước quanh ngôi làng, Wisnu tiếp tục phiên dịch lại câu chuyện của ông Getar. “Xưa chú tôi từng đi khắp đảo Bali để biểu diễn võ thuật. Ông gặp khá nhiều người điếc và sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Mấy người ấy khổ lắm. Họ chỉ giao tiếp được với vài người trong gia đình thôi. Nhưng Bengkala thì khác, mọi người có thể giao tiếp với nhau mà chẳng gặp khó khăn gì”.
Chẳng thế mà người dân của làng này vẫn hay nói đùa: “Nếu số phận muốn bạn bị điếc từ khi sinh ra, vậy tốt hơn hãy sinh ra ở Bengkala”.
Các em nhỏ được học Kata Kolok từ sớm để giao tiếp với người xung quanh: Ảnh: Getty. |
Ở Bengkala, rất khó để nhận ra sự khác biệt giữa người điếc và người bình thường bởi phải đến 80% dân số làng này đều biết sử dụng Kata Kolok. Từ trưởng làng cho đến những người nông dân, mọi người giao tiếp với nhau chẳng cần mở miệng. Đến đây, du khách sẽ có cảm tưởng như ai cũng điếc bẩm sinh. Tại các trường học, học sinh được học ngôn ngữ ký hiệu từ lớp một đến lớp 6 để có thể giao tiếp với những người kém may mắn hơn trong làng.
“Trẻ em bình thường hay điếc đều xứng đáng được đối xử như nhau. Chúng tôi yêu thương họ. Hầu hết mọi người đều học Kata Kolok để giao tiếp và giúp đỡ lẫn nhau”, Ketus Sutrisna, giáo viên địa phương diễn giải bằng ngôn ngữ ký hiệu.
Nơi người điếc được coi trọng
Hầu hết kolok ở Bengkala sống bằng nghề nông hoặc lao động chân tay. Tuy nhiên, theo truyền thống của làng, họ thường được thuê để làm nhân viên bảo vệ hoặc người đào mộ.
Một cán bộ hành chính của làng cho hay: “Những bảo vệ kolok làm việc hiệu quả và trách nhiệm hơn enget (người bình thường). Nếu chúng tôi bảo họ phải có mặt lúc 7h, họ sẽ luôn đến sớm hơn. Các kolok cũng thuộc rất rõ lịch sử ngôi làng”.
Hôm nay là một ngày làm việc của Kolok Getar. Ông đang sửa soạn đồ nghề để chuẩn bị đến đám tang diễn ra bên ngoài ngoại ô Bengkala. Getar và bốn người bạn của ông được thuê đến đào mộ cho nhà một gia đình có người vừa mất.
Ở Indonesia, khoảng 1.7% dân số theo đạo Hindu và gia đình đã thuê Getar cũng thuộc số này. Khi có người chết, họ thường chọn cách hỏa táng vì tin rằng chỉ như vậy, linh hồn người đã khuất mới mãi được siêu thoát. Tuy nhiên, đó lại là một nghi lễ khá tốn kém và không phải người nào cũng đủ sức chi trả. Con trai của Nyoman Widiarsa đã phải chọn cách chôn cất cha mình để tiết kiệm tiền.
Đám tang trên đảo Bali khá kỳ cục. Họ không đau buồn khi người thân mãi mãi nằm xuống. Thay vào đó, những người tham dự cười nói vui vẻ như thể chẳng có chuyện gì xảy ra.
Dĩ nhiên, họ không phải kiểu người vô tâm. Theo văn hóa xa xưa, người dân đảo Bali tin rằng nếu cảm nhận được sự đau buồn trong đám tang, người chết sẽ khó siêu thoát để tiếp tục cuộc sống trong kiếp sau.
Vì thế, câu chuyện hài hước của Kolok Getar và ông bạn đồng nghiệp Kolok Sudarma được mọi người hưởng ứng khá nhiệt liệt. Ngay cả gia quyến cũng cười theo. Tất cả trông như một buổi tiệc chứ chẳng còn giống một đám tang.
Không phải ai cũng được tín nhiệm giao cho những công việc đặc biệt như người Kolok. Ảnh: BBC. |
Vui vẻ là thế nhưng công đoạn hạ huyệt vẫn yêu cầu những người đào mộ tập trung cao độ. Họ cẩn thận đặt quan tài xuống hố rồi Sudarma nhẹ nhàng đặt hai chiếc gương vào trên mắt xác chết. Ý nghĩa của hành động này là giúp người chết sẽ được soi sáng khi đầu thai.
Không phải ngẫu nhiên những kolok như Getar hay Sudarma thường được thuê để đi đào mộ. Truyền thuyết trong làng kể lại rằng các kolok từ lúc sinh ra đã có khả năng giao tiếp với những linh hồn ngoài nghĩa địa. Một số người dân của Bengkala còn tuyên bố chắc nịch rằng những kolok họ quen đều miễn nhiễm với thứ âm thanh ma quái phát ra từ các ngôi mộ. Đó là điều mà những người bình thường không thể sánh bằng người điếc bẩm sinh.
Dù vậy, Wisnu cho rằng câu chuyện này thật sự thiếu cơ sở. “Đơn giản đây là công việc của họ và họ cần can đảm để lao động kiếm tiền”. Còn về những lời đồn đại, cho đến nay vẫn chưa ai chứng minh được. Ngoài công việc đào mộ, Kolok Getar còn có nghề tay trái là sửa ống nước.
Dù đã 78 tuổi, ông vẫn được người dân Bengkala tin tưởng giao cho trọng trách này. Cứ khi có một đường ống bị vỡ, Getar lại tất tả chạy lên đồi xem chỗ vỡ nằm ở đâu. Có vài lần, ông phát hiện người làng khác đã “câu trộm” nước để sử dụng. Mặc dù đã quên kha khá võ thuật, ông lão 78 tuổi cũng không phải người “dễ chơi” nếu cậu trai trẻ nào dám liều mình đụng vào. Đó là quy tắc bất thành văn trên đảo Bali – Đừng dại dột gây sự với một kolok!
Nguồn: News.zing.vn