“Con gái tôi nói người Canada đã rời đi. Tại sao Canada lại có thể đưa công dân của họ về nước?”, một khách Mỹ nức nở.
Nữ du khách Ana Pautler, đến từ San Francisco, đang trên đường mòn lên Himalaya ở Nepal và nhận thấy một điều kỳ lạ: Mọi người đang quay xuống.
Một nhà leo núi người Đức nói với Pautler, đại sứ quán Đức khuyên công dân nên trở lại Kathmandu, thủ đô Nepal, để tính chuyện rời khỏi đất nước này. Đó là ngày 17/3, khi Covid-19 đã lan ra nhiều nơi trên thế giới. Du khách Israel cũng làm điều tương tự như du khách Đức. Họ nhận nhiều thông tin khuyến cáo phải rời đi.
Nhưng Pautler, 32 tuổi, tới tận 23/3 mới nhận cảnh báo từ hệ thống tư vấn du lịch của Bộ Ngoại giao Mỹ, mặc dù cô đã đăng ký để cập nhật tin tức liên tục trước hành trình. Vào ngày đó, không phận quốc tế của Nepal đã đóng cửa một hôm, tiếp sau hàng loạt nước khác trên thế giới phong tỏa. Chuyến bay của cô, dĩ nhiên, bị hủy.
Trả lời New York Times qua điện thoại, Pautler cho rằng “Đại sứ quán Mỹ đã không nói bất cứ điều gì. Trong khi sứ quán các nước cung cấp nhiều thông tin”. Cô hy vọng có thể rời Nepal khi kết thúc phong toả toàn quốc.
Ana Pautler, 32 tuổi và Mike Dobie, 37 tuổi, trở về khách sạn trên con đường vắng vẻ sau khi nhận bữa ăn miễn phí ở Kathmandu, Nepal. Ảnh: Tom Van Cakenberghe/New York Times. |
Mỹ đang vật lộn với cuộc hiến chống đại dịch, vì thế những du khách đang mắc kẹt sợ họ sẽ bị bỏ lại nơi đất khách. Bộ Ngoại giao Mỹ viết trong một email rằng các nhân viên đã làm việc không mệt mỏi để xác định các phương án vận chuyển công dân về nước. Nhưng cơ quan này không trả lời vì sao du khách Mỹ ở Nepal nhận tin cảnh báo mọi người phải về nhà chậm hơn các quốc gia khác.
Khi các ca nhiễm Covid-19 tăng lên hơn một triệu người trên thế giới, người Mỹ trong một cuộc phỏng vấn cho biết các nỗ lực đưa công dân về nước dường như chậm chạp và ít chắc chắn hơn các quốc gia khác. Cụ thể là các thông tin trên STEP, dịch vụ tư vấn thông tin cho người Mỹ ở nước ngoài.
Tại Peru, các nhà hoạt động xã hội cảnh báo khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra khi du khách nói rằng họ bị buộc phải ra khỏi khách sạn, không thể tìm được thuốc men khi bị bệnh. Diane Gallina, 68 tuổi, đến từ Long Island, New York, trở nên lo lắng tột cùng về cô con gái đang một mình trong khách sạn ở Lima. “Con gái nói với tôi rằng người Canada đã rời đi. Tại sao Canada lại có thể đưa được công dân của họ về nước?”, bà khóc nức nở.
Còn gia đình Jesse Curry, người Florida, đến Lima, Peru, vào ngày 13/3 khi mọi thứ rất bình thường. Nhưng sáng 15/3, tất cả thay đổi. Chủ nhật hôm đó, Tổng thống Peru Martin Vizcarra, ban bố tình trạng khẩn cấp cả nước trong 15 ngày và đột ngột đóng cửa biên giới để ngăn chặn Covid-19 lây lan. Hàng nghìn du khách nước ngoài bỗng nhiên không thể rời khỏi nước này.
Lệnh đóng cửa biên giới và hạn chế đi lại khiến hơn 13.000 người Mỹ kẹt lại ở khắp nơi trên thế giới, báo cáo của Hill cho biết. Trong giai đoạn đầu của dịch bệnh, Mỹ đã hồi hương 5.000 công dân ở 17 quốc gia.
Du khách Mỹ mắc kẹt ở Peru và Ấn Độ nói với Business Insider rằng Đại sứ quán Mỹ gửi ít thông tin cho họ. Thậm chí, tin tức mơ hồ, cũ kỹ và có cả sai sót. Curry khẳng định không có bất kỳ thông tin nào hỗ trợ công dân làm gì trong lúc này. “Chúng tôi không biết ở đây bao lâu, một tuần, hai tuần hay một, hai hay ba tháng. Điều đó thật đáng sợ”, ông than trách.
Gia đình Curry bị mắc kẹt tại Lima, Peru khi các chuyến bay bị hủy, nhiều nước đóng cửa biên giới. Ảnh: Jesse Curry. |
Khi phát hiện hàng loạt du khách đổ xô ra sân bay về nước trước khi biên giới đóng cửa vào 16/3, ông lập tức liên lạc với Đại sứ quán Mỹ ở Lima để xem gia đình mình, bao gồm mẹ già, vợ và hai con, có cách nào quay về Tampa, Florida. Nhưng ông chỉ nhận một email trả lời tự động nội dung mơ hồ. Ông cũng gọi điện cho đường dây nóng nhưng không có kết quả. Kể từ đó, thông tin ông nhận được không cập nhật, thậm chí sai và đường dây nóng không ai trả lời.
Các hãng hàng không trên thế giới đã hủy hàng nghìn chuyến bay vì đại dịch. Ít nhất 55 hãng hàng không trên toàn cầu đã ngừng hoàn toàn các chuyến bay theo lịch trình do lệnh cấm đi lại, đóng cửa không phận hoặc nhu cầu di chuyển thấp.
Mỹ đang trong những ngày khó khăn nhất khi đại dịch lan rộng mỗi ngày. Thách thức đối với việc di tản công dân Mỹ ra khỏi những nơi xa xôi trên thế giới trong cùng lúc càng khiến những nhà ngoại giao Mỹ mệt mỏi.
Tuần trước, Đại sứ quán Mỹ tại Kathmandu bắt đầu cập nhật thông tin thường xuyên trên Facebook, thông báo tổ chức xe buýt, các chuyến bay để tiếp cận du khách mắc kẹt ở các ngôi làng trong núi, bao gồm nơi cắm trại gần Everest.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao ở Washington dường như không nắm thông tin chi tiết. Khi được hỏi trong một cuộc họp báo ngày 27/3 về tình hình ở Nepal, đặc biệt là du khách Mỹ bị kẹt lại ở nước này, Ian Brownlee, phó thư ký văn phòng lãnh sự thuộc Bộ Ngoại giao, nói với phóng viên ông sẽ trả lời sau.
Đại sứ quán các nước phải đối mặt với điều kiện hậu cần khó khăn khi phối hợp với chính quyền địa phương để bảo vệ công dân của họ. Chẳng hạn như Nepal rất phức tạp: Chỉ có thể tiếp cận du khách bằng những phi cơ thuê nguyên chuyến chứa được chục người mỗi lần, vì các con đường mòn nhỏ rất khó đi.
Du khách chờ đợi tại sân bay quốc tế La Aurora ở Guatemala vào ngày 24/ 3 trong một chuyến bay thuê bao được điều phối bởi Đại sứ quán Mỹ. Ảnh: Moise Castillo/AP. |
“Nước Mỹ chưa bao giờ thực hiện một chiến dịch sơ tán quy mô và phức tạp, rộng lớn như vậy trong hơn 230 năm lịch sử”, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao nói.
Trong cuộc họp báo tuần trước, Tổng thống Donald Trump xác nhận các cuộc di tản vừa qua là một trong số những vấn đề phức tạp với quy mô lớn nhất trong lịch sử. Ông cho biết Bộ Ngoại giao đã di tản hơn 25.000 người Mỹ từ hơn 50 quốc gia; những người đang mắc kẹt ở Peru và Brazil đang được giải cứu.
Nhưng tại Nepal, hàng trăm du khách Mỹ vẫn chưa có đường về nhà.
Vi Nguyễn
Nguồn: Vnexpress.net