Xe Minsk được ví như những con trâu sắt có thể xông pha mọi loại địa hình, dù chúng ồn ào, nhả khói và hay hỏng hóc.
Steve Christensen, hướng dẫn viên của một công ty chuyên tour phượt xe máy, cho biết: “Từ 2010, những chiếc xe máy này bắt đầu thu hút giới trẻ, thế rồi những sự kiện và giải đua cứ diễn ra liên tục. Một số người trẻ đang quay lưng với chủ nghĩa tiêu dùng tại Việt Nam, họ theo đuổi dòng xe cổ điển này trên tinh thần ‘tự tay làm hết’.
Những con trâu sắt
Là một thành viên đời đầu của Minsk Club, Christensen đã đi khắp Việt Nam trên lưng nhiều chiếc xe máy cổ.
“Người ta gọi chúng là “những con trâu sắt”. Đôi khi chúng khó nổ máy, nhưng một khi đã chạy thì có thể xông pha bất cứ đâu. Tiếng máy nổ chát chúa vang khắp các con đường”, anh nói với CNN.
Le Viet Bach, 26 tuổi, chạy trên đường phố trước khi tham dự một sự kiện off-road. Ảnh: Linh Phạm. |
Chiếc Minsk đầu tiên ra đời vào năm 1951, tại thành phố cùng tên ở Belarus và xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1960. Việt Nam chính thức nhập khẩu dòng xe này từ những năm 1970 cho tới 1980. Đây vẫn là dòng xe phổ biến trong khoảng 20-25 năm sau.
Vào những năm 1990, Liên Xô tan ra, Việt Nam có những hợp đồng thương mại quốc tế mới và bắt đầu nhập khẩu xe từ Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản.
Trong khi đó, những chiếc Minsk, thường là M1A hay M1NSK, lui về nông thôn, vùng núi Việt Nam. Nông dân có thể thồ mọi thứ bằng Minsk, từ nội thất tới xe đạp, lợn gà… đi qua bất kể địa hình nào.
Làn sóng đầu tiên
Thời thế đổi thay, giới phượt thủ phương Tây bắt đầu tìm hiểu về những chiếc xe đình đám một thời tại Việt Nam. Năm 1998, Minsk Club đầu tiên được thành lập, các thành viên thường xuyên đi xuyên Việt cùng nhau.
“Lòng tôn sùng xe Minsk đã nuôi dưỡng tình yêu của chúng tôi với đất nước này, làm dấy lên khát khao khám phá những ngọn núi phía bắc. Thời đó, nó là chiếc xe tốt nhất để lái trên các cung đường xấu, bởi những dòng xe nhập khẩu khác bị đánh thuế cao”, Christensen bày tỏ.
Chiếc Ural 650 trên đường phượt. Ảnh: Cuong’s Motorbike Adventure. |
Anh cho rằng, chính Minsk cũng là cầu nối để đưa những phượt thủ gần gũi hơn với người miền núi, bởi họ cùng đi một dòng xe: “Xe hỏng có thể đem sửa tại bất kỳ ngôi làng nào, chúng cũng hỏng hóc suốt”.
Cơn sốt Minsk
Minsk ồn ào và gây ô nhiễm với ống nhả khói mù mịt trên đường. Chúng cũng không xuất sắc về tốc độ, gần 50-90 km một giờ. Chưa kể, dòng xe này cần bảo dưỡng liên tục. Dù Minsk còn nhiều “sạn”, người Việt trẻ vẫn yêu thích chúng, bởi chỉ cần bỏ ra khoảng 300-400 USD là mua được một chiếc xe cũ, lại dễ độ.
Christensen nhớ lại: “Khoảng vài năm trở lại đây, ngày càng nhiều người Việt trẻ “xách” Minsk đi phượt. Họ thờ ơ với những chiếc xe ga thời thượng trong thành phố, để lên đường khám phá đất nước trên lưng chiếc xe cổ có từ thời Xô-viết”.
Phượt thủ kỳ cựu cho biết, xu thế này đang lan rộng khắp những vùng nông thôn tại miền bắc, nơi người Việt trẻ tụ họp với nhau ở những câu lạc bộ hay sự kiện xe Minsk.
“Những cô cậu này thực sự yêu xe và cảm nhận rõ tinh thần tự do toát lên từ nó”, Christensen nhận định.
Tommy Nguyen, người sáng lập một công ty du lịch tại Hà Nội, cho rằng sự hồi sinh của dòng xe cổ cũng phản ánh xu hướng bác bỏ những giá trị tiêu dùng thời hiện đại.
“Minsk mạnh mẽ và nam tính. Chúng ồn ào giữa mê cung đường phố Hà Nội. Nó như một hành trình tìm về ký ức, khi người Việt còn nghĩ về chủ nghĩa tập thể”, anh nói.
Chiếc Ural Sidecar trên đường phượt Hà Giang. Ảnh: Cuong’s Motorbike Adventure. |
Tự do lăn bánh
Tommy ước tính không còn quá nhiều xe cổ tại Việt Nam, chỉ khoảng 6.000 chiếc. “Hiện chiếc xe có giá nhất là 650 Ural kèm sidecar. To lớn và cổ điển, thiết kế của dòng xe này chưa từng thay đổi kể từ Thế chiến II”, anh cho hay.
Giống như Minsk, những chiếc xe vintage này hứa hẹn đem đến một chuyến phiêu lưu đáng nhớ về miền nông thôn Việt Nam.
Theo Christensen, đặc biệt nhất phải kể đến cung đường phượt tới sát biên giới Việt – Trung trên Hà Giang. Những kỷ niệm tuyệt vời trong chuyến đi gắn với bao dãy núi trùng điệp và những người dân tộc vùng cao. Phượt thủ có thể dừng chân tại những phiên chợ cuối tuần để giao lưu với người bản địa.
“Chúng tôi luôn cố gắng đi theo những cung đường ít phổ biến, cho xe lội bùn xuyên rừng. Khung cảnh hoang dã đến ngất ngây. Tình cờ gặp một người dân tộc ven đường, hay vào làng xem người bản địa sống ra sao, ngồi trò chuyện bên chén rượu nếp… mới là những trải nghiệm chân thực nhất”, Christensen bật mí.
Lên đường với một cái đầu lạnh
Vì Minsk cổ rất “khó chiều”, những phượt thủ non tay không được khuyến khích lái dòng xe này.
“Bạn phải thực sự cẩn trọng khi trang bị đồ phượt. Đội mũ bảo hiểm giá rẻ, quần short, đi dép xỏ ngón không phải ý hay. Tôi đã phải tròn mắt khi chứng kiến nhiều người cứ nhảy lên xe và đi. Chỉ sơ sẩy chút thôi là kỳ nghỉ tan thành mây khói”, Christensen chia sẻ.
Huyền thoại Minsk – khi ‘trâu sắt’ tái xuất trên đường phượt Việt
Khách Tây phượt bằng xe Minsk tại Việt Nam. Video: Nguyễn Hải Long.
Xem ảnh: Người chơi xe Minsk hội tụ tại sự kiện off-road tháng 11 tại Hà Nội
Nguồn: Vnexpress.net