Khi tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp phải đào tạo lại hoặc đào tạo bổ sung về kỹ năng, ngoại ngữ… cho nhân sự, gây lãng phí lớn cho xã hội.
Chất lượng nhân sự du lịch là một trong những chủ đề được quan tâm tại Diễn đàn Nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 diễn ra tại Dinh Độc Lập sáng 12/4. Bên cạnh kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, ngoại ngữ ngày nay trở thành yêu cầu bắt buộc với người làm du lịch. Tuy nhiên, trên thực tế, ngoại ngữ là hạn chế của nhiều nhân sự đang hoạt động trong ngành.
Cả nước hiện có 346 cơ sở đào tạo du lịch từ sơ cấp đến Đại học. Ảnh: Phong Vinh. |
“Ngoại ngữ là điều kiện bắt buộc để làm việc trong lĩnh vực du lịch, nhưng nhiều đơn vị đào tạo du lịch hiện nay chưa chú trọng đầu ra về ngoại ngữ cho sinh viên. Từ việc đánh đồng đầu ra ngoại ngữ với các ngành khác, khi ra trường các sinh viên phải tự đào tạo thêm để đáp ứng yêu cầu thực tế, hoặc sẽ không đáp ứng được yêu cầu nhà tuyển dụng”, ông Nguyễn Quốc Kỳ – Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, nói.
Thực tế, các địa phương như Đà Nẵng, Nha Trang có nhiều du khách nói tiếng Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc nhưng nhân lực biết ngoại ngữ vẫn còn thiếu. “Một số trọng điểm du lịch, đào tạo nhân lực còn rất yếu. Các công ty lữ hành khi tuyển dụng vào thì hầu như phải đào tạo lại ít nhất 6 tháng, muốn đào tạo lành nghề phải mất 12 tháng. Chuyện này là một lãng phí rất lớn”, ông Kỳ nói.
Theo ông Kỳ công tác đào tạo hiện nay của nhiều tổ chức đang đi vào các phân ngành hẹp của ngành du lịch, đào tạo chủ yếu đáp ứng nhanh nhu cầu thị trường mà chưa theo quy chuẩn chung của tiêu chuẩn nghề du lịch (VTOS) đã được ban hành.
Du khách nước ngoài ở Hà Nội. Ảnh: Phong Vinh. |
Giáo sư – Tiến sĩ Mai Hồng Quỳ, hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen khẳng định vai trò của con người, nguồn nhân lực là rất quan trọng. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng hướng dẫn viên biết ngoại ngữ còn hạn chế. “Để làm du lịch tốt, ngoại ngữ là một trong những yếu tố mang tính chất tiên quyết”, bà Quỳ nhấn mạnh.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP HCM cho biết, dù thành phố là trung tâm đào tạo nhưng có khoảng 10% người trực tiếp tham gia hoạt động du lịch chưa qua đào tạo trường lớp. “Mỗi năm, cả nước cần 40.000 lao động có tay nghề trong ngành du lịch nhưng khả năng chỉ đáp ứng 15.000. Trong đó nhóm chất lượng cao chỉ khoảng 12%”, ông nói.
Hiện nay, bên cạnh các cơ sở đào tạo, nhiều doanh nghiệp cũng chú trọng đến phát triển nguồn nhân lực. Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc điều hành Saigontourist cho biết đơn vị có 17.000 cán bộ nhân viên Nhân lực từ đại học trở lên chiếm tỷ lệ cao, đa số thông thạo 1-3 ngoại ngữ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen đề xuất cần có những chính sách ưu đãi để liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo, từ đó cải thiện chất lượng nhân sự.
Tại diễn đàn, các trường đại học tại TP HCM: Đại học Hoa Sen, Đại học Hồng Bàng, Đại học Ngoại ngữ Tin học TP HCM, Đại học Công nghệ TP HCM, Nguyễn Tất Thành, Kinh tế TP HCM, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Kinh tế – Luật TP HCM đã ký liên kết hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết sẽ khuyến khích xã hội hóa để doanh nghiệp tham gia vào đào tạo, tạo chuỗi tuần hoàn giữa người đào tạo, sử dụng, hỗ trợ lẫn nhau trong một quy trình chuẩn. Các cơ sở đào tạo cần đẩy mạnh thực hành, có những chuẩn mực quốc tế.
Nguồn: Vnexpress.net