Đến Azerbaijan (quốc gia thuộc châu Âu và châu Á), du khách có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp độc đáo của vùng đất chiếm hơn 1/3 số lượng núi lửa bùn trên thế giới.
Ngoài động đất, sóng thần, núi lửa bùn cũng là kết quả của sự va chạm giữa các mảng kiến tạo địa cầu. Núi lửa bùn nhỏ và ít được biết đến hơn núi lửa magma thông thường. Azerbaijan là quốc gia chiếm tới hơn 400 trong tổng số khoảng 1.000 núi lửa bùn trên thế giới. Núi lửa ở đây có dạng hình nón hoặc hình ống cao 4 m, được tìm thấy nhiều ở các đỉnh đồi cao vài trăm mét. Ảnh: Avraam Travel.
Với độ cao 700 m cùng đường kính rộng 10 km do bùn bồi đắp theo thời gian, Turaghai và Boyuk Khanizadagh là 2 trong số ngọn núi lửa bùn cao nhất thế giới ở Azerbaijan. Núi lửa bùn không gây nguy hiểm. Do đó, dân cư trong vùng không phải lo di tản khẩn cấp khi xuất hiện những đợt phun trào. Ảnh: News Rnd.
Nhìn bề ngoài, những ngọn đồi trông yên bình nhưng dưới lớp đất đá gồ ghề là “quái thú đang ngủ say”. Vùng đất khô cứng xung quanh miệng núi lửa trông như những lớp vảy. Bên trong miệng núi lửa, vũng bùn lớn được gọi là breccia, luôn trong trạng thái sủi bọt. Các túi khí ngầm đẩy lên trên bề mặt, tạo thành những bong bóng xám khổng lồ. Khi vỡ, chúng thải ra một lượng khí metan, hỗn hợp bùn và nước. Ảnh: Sohu.
Núi lửa bùn nhỏ hơn nhiều so với kích thước thông thường của núi lửa magma. Jeyhun Pashayev, Giám đốc khu bảo tồn Thiên nhiên quốc gia, cho biết chúng có hình dạng kỳ dị như bức tranh của một đứa trẻ. Người dân địa phương gọi núi lửa bằng nhiều tên khác nhau như “yanardagh” (ngọn núi đang cháy), “pilpila” (thềm đất cao), “gaynacha” (vũng nước sôi), “bozdag” (ngọn núi màu xám). Ảnh: Slate.
Không trong lành và tươi tốt như miền núi phía bắc Azerbaijan, vùng đất khô cằn, nơi núi bùn tồn tại mang vẻ đẹp kỳ lạ, hấp dẫn riêng. Lượng khoáng sản dồi dào nằm sâu dưới núi lửa bùn như dầu mỏ, bùn breccia… là nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp hóa chất và xây dựng. Ảnh: Foxnomad.
Bùn lỏng ở đây không bị nóng, thường giữ ở mức 22-23 độ C. Do đó, điểm đến này mang đến cho du khách trải nghiệm tắm bùn núi lửa độc đáo. Đất sét núi lửa được sử dụng trong điều trị các bệnh về da, thấp khớp cũng như liên quan đến hệ thần kinh. Ảnh: Outlook India.
Không phải núi lửa bùn nào cũng thân thiện với da, một số trong đó thường chứa chất phóng xạ gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng. Azerbaijan được gọi là vùng đất lửa bởi một số vụ rò rỉ khí gas từ núi lửa bùn. Hiện tượng này xuất hiện ở khu vực giàu dầu như sườn núi Yanar Dag gây tình trạng lửa bốc cháy không ngừng. Năm 2001, núi lửa Lokbutan cách thành phố Baku 15 km đã phun trào cột lửa cao hơn 150 m. Ảnh: Zakher Travel.