Những bức bích họa tái hiện khung cảnh cổ kính của Hà Nội xưa ở phố Phùng Hưng, Phan Đình Phùng (Hà Nội) tạo nên con đường tranh lạ lẫm thu hút du khách.
|
Những bức tường bao quanh trường THPT Phan Đình Phùng (Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội) được vẽ rất nhiều tranh bích họa với chủ đề Hà Nội xưa khiến con đường trở thành điểm nhấn, thu hút sự chú ý của người dân và du khách thủ đô. |
|
Mỗi khoảng tường là một bức tranh được trình bày công phu, tâm huyết về Hà Nội. Hình ảnh Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột và nhiều địa danh khác của thủ đô cũng đều được vẽ tại đây. |
|
Bách hóa Tổng hợp, những người phụ nữ gánh hàng rong, tàu điện leng keng là hình ảnh gây xảm xúc về Hà Nội xưa. |
|
Hai bạn Lê Ngọc Thuyền và Lê Vũ Hoàng đến từ TP Quy Nhơn (Bình Định) chia sẻ trước khi ra Hà Nội chơi đã tìm hiểu rất nhiều về thủ đô. “Được biết con đường Phan Đình Phùng có hàng cây rất đẹp nên chúng tôi ghé qua để chụp ảnh. Không ngờ tới đây còn được xem nhiều hình ảnh đẹp trên những bức tường”. |
|
Ngô Chi (Hà Nội) nói: “Mình ở Hà Nội và rất yêu thích nơi này. Phố Phan Đình Phùng có thêm những bức bích họa thật tuyệt vời. Mỗi lần tới đây, mình cảm thấy thoải mái hơn hẳn, đường nhiều cây xanh, ít khói bụi, đã phần những bức tranh đều hài hòa với cảnh quan”. |
|
Hình ảnh những địa danh của Hà Nội được tái hiện trên tường sinh động, nên thơ. |
|
Những hàng cây quen thuộc cùng với xe hoa trên phố là hình ảnh quen thuộc của Hà Nội. |
|
Con đường có tổng cộng 28 tác phẩm tranh, trong đó có 3 bức về trường Phan Đình Phùng, 25 bức còn lại về Thăng Long, Hà Nội xưa. Các tác phẩm đều truyền tải thông điệp về một thủ đô nghìn năm văn hiến. |
|
Ngoài đường Phan Đình Phùng, tranh bích họa về Hà Nội xưa cũng được vẽ tái hiện tại các ô vòm cầu đường sắt phố Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). |
|
Những bức tranh này do các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện. Ngoài các hình ảnh về địa danh quen thuộc của thủ đô, những bức tranh bình dị về cuộc sống Hà thành với người bán hàng rong, gánh hoa xuống phố cũng được tái hiện. |
|
19 ô vòm cầu được vẽ trang trí đã tạo ra một không gian nghệ thuật thu hút nhiều người tìm đến chụp ảnh kỷ niệm.
|
|
Bức tranh Áo dài trên phố xưa của tác giả Choi Lak Won vẽ kèm lời bình: “Những bóng áo dài thướt tha của các cô gái tân thời sánh bước cùng người Hà Nội xưa trên phố hàng cũ kỹ như đọng lại thời khắc không chiều, không sớm của cả nghìn năm trước – phép ẩn dụ về Hà Nội vĩnh cửu và đổi thay”. |
|
Một người Hà Nội chụp lại hình ảnh chùa Báo Ân được tái hiện trên phố Phùng Hưng. Ông cho biết ngôi chùa lớn và đẹp nằm bên Hồ Gươm bị phá dỡ năm 1889 để xây tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Mặc dù giờ chùa không còn nhưng hình ảnh được tái hiện là lời nhắn gửi thông điệp hãy trân trọng quá khứ để gìn giữ tương lai. |
|
Anh Nguyễn Xuân Lâm (30 tuổi, đến từ TP.HCM) cho rằng người xem tranh nên đọc thêm chú thích các tác phẩm để hiểu rõ hơn ý nghĩa. Đây là không gian hoài niệm và gợi nhớ một Hà Nội đầy vẻ vang, mang nhiều nét hồn xưa của người Việt. “Về TP.HCM, mình sẽ nói với bạn bè nên đến đây khi có dịp để tìm hiểu văn hóa Hà thành nghìn năm văn hiến”, anh Lâm nói. |
|
Anh Nguyễn Quốc Dũng (Vĩnh Long) chia sẻ: “Tôi nghe Hà Nội có phố Phùng Hưng này lâu rồi. Hôm nay có cơ hội đến đây tận mắt chứng kiến, tôi thấy nơi này thật yên bình với những bức tranh tái hiện không gian xưa”. |
Nguồn: News.zing.vn