Du lịch châu Á trắng tay vì Covid-19

0
5
Hội An giờ chỉ còn khách phương Tây, khách châu Á gần như biến mất. Ảnh: Tâm Linh

Dịch bệnh tấn công ba trong số những thị trường khách lớn nhất châu Á là Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, khiến ngành du lịch ngưng trệ.

Dịch Covid-19 đang tác động đến du lịch toàn cầu – ngành đóng góp đến 8,8 tỷ USD cho nền kinh tế thế giới vào năm 2018, theo Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC). Các chuyên gia kinh tế nhận định, thiệt hại vì dịch bệnh lần này có thể là rào cản lớn nhất đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu, kể từ khủng hoảng tài chính thế giới hơn một thập niên trước. Bởi, riêng doanh thu của ngành hàng không đã mất đến 29 tỷ USD trong năm nay.

Tê liệt

Tầm ảnh hưởng của dịch bệnh hiển hiện rõ rệt nhất tại những quốc gia châu Á gần Trung Quốc – nơi đại dịch bùng phát và đồng thời là thị trường dẫn đầu về lượt khách quốc tế lẫn chi tiêu du lịch ở nước ngoài. 

Vài năm gần đây, các nước Đông Nam Á đầu tư mạnh vào resort và casino để thu hút khách Trung Quốc. Hiện tại nhiều hãng hàng không, khách sạn và công ty lữ hành cũng đang chịu tổn thất lớn do vé máy bay, phòng và tour bị hủy hàng loạt, không chỉ chủ yếu do các đối tác và khách từ Trung Quốc, mà còn khách Tây lo ngại virus lây lan trong khu vực.

Ngành du lịch của những quốc gia phụ thuộc nặng nề vào thị trường du lịch Trung Quốc như Việt Nam, Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Singapore… dự đoán thiệt hại ít nhất 3 tỷ USD doanh thu từ du lịch, theo GlobalData, một công ty nghiên cứu và tư vấn có trụ sở tại London.

Animesh Kumar, giám đốc du lịch của công ty này, nhận định trong báo cáo rằng, những thiệt hại khổng lồ phần lớn do vắng khách Trung Quốc, và “khách du lịch từ những quốc gia khác ngần ngại đến bất kỳ nơi nào gần Trung Quốc”.

Một báo cáo gần đây của Hopper, ứng dụng đặt phòng khách sạn và vé máy bay, cho thấy lượng tìm kiếm của người Mỹ cho những chuyến bay đến châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, giảm dần trong vài tuần qua. Ứng dụng này phân tích hàng tỷ tin báo giá vé máy bay trên mạng Internet cho thấy nhu cầu đến Malaysia, Singapore và Việt Nam giảm 20%, và người Mỹ có xu hướng tìm kiếm những điểm đến nội địa nhiều hơn quốc tế.

Khách Trung Quốc đã thực hiện tới 150 triệu chuyến du lịch quốc tế và chi tiêu hơn 277 tỷ USD trong những hành trình tại nước ngoài vào năm 2018. Nhưng kinh tế tăng trưởng chậm hơn cùng chiến tranh thương mại với Mỹ vào năm ngoái đã khiến thị trường này bị kìm lại. Và nó đóng băng hoàn toàn khi dịch Covid-19 khiến chính phủ Trung Quốc cấm đưa khách đoàn ra nước ngoài, và hàng loạt hãng bay quốc tế tạm dừng chuyến đến quốc gia này.

“Biến mất”

Jenni Honkanen và Tobias Solvefjord, 39 tuổi, đến từ Skovde (Thụy Điển), đã lên một chuyến bay trống một nửa ghế từ Hong Kong đến TP HCM vào sáng 19/2. Họ băn khoăn liệu các địa điểm tham quan có bị đóng cửa hay hạn chế đi lại hay không, nhưng vẫn không quá lo lắng.

Biết rằng Việt Nam đã ghi nhận một số ít những trường hợp lây nhiễm (16 so với hơn 70.000 người tại Trung Quốc vào thời điểm đó), Jenni và Tobias đùa rằng, tình hình sẽ chẳng quá tệ nếu cả hai bị cách ly tại miền nhiệt đới – thay vì phải chịu đựng mùa đông giá rét ở Skovde.

“Chúng tôi sẽ ổn thôi. Việt Nam vẫn ổn, hy vọng thế”, Jenni nói.

Hội An giờ chỉ còn khách phương Tây, khách châu Á gần như biến mất. Ảnh: Tâm Linh

Hội An giờ chỉ còn khách phương Tây, khách châu Á gần như biến mất. Ảnh: Tâm Linh

Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn khách du lịch quốc tế lớn nhất của Hội An trong vài năm gần đây, khi những resort, khách sạn mọc lên ven bờ biển trải dài từ thị trấn đến Đà Nẵng. Cuối tuần qua, Hội An, một trong điểm đến nổi tiếng nhất đất nước, như trở về những ngày nơi này còn là một thành phố cảng chưa đông đúc khách đoàn, xe buýt nối đuôi trên đường. Đó là cảm tưởng của Patricia Clegg, 64 tuổi, một người Pháp gốc Việt khi chứng kiến những đoàn khách nối đuôi nhau chen chúc trong phố cổ “biến mất”.

“Toàn bộ khách châu Á gần như “biến mất”. Nay chủ yếu chỉ còn khách phương Tây”, Clegg, một nhân viên tư vấn của tiệm may Yaly xưa nhất thành phố, cho hay.

Tại tiệm đồ thủ công Reaching Out trong phố cổ, kinh doanh giảm sút 65% từ khi tin tức về dịch bệnh xuất hiện trên những mặt báo, còn quán trà của tiệm cũng giảm đến 45% doanh thu, chủ quán Lê Nguyên Bình, 56 tuổi, cho hay. Một phần ba nhân viên của tiệm đang nghỉ không lương, và chịu cảnh thất nghiệp cho đến khi tình hình cải thiện. 40 nhân viên còn lại được kiểm tra thân nhiệt khi đi làm, dùng dung dịch sát khuẩn tay và đeo khẩu trang. Khẩu trang cũng được phát cho khách khi vào tiệm.

U ám 

Tháng 2, từ đường phố đến công viên ở Kyoto, Nhật Bản vẫn thường đông đúc khách du lịch, phần lớn là người Trung Quốc đi theo đoàn, để ngắm mùa hoa mận nở. Khách Trung Quốc chiếm đến 25% lượng khách quốc tế đến Nhật Bản – mức kỷ lục đạt 32 triệu lượt vào năm 2018. 

Thế nhưng, hiện nay những ngôi đền nổi tiếng nhất như Chion và Nison gần như không có khách vãn cảnh. Rừng tre Arashiyama, một trong những địa danh đông khách nhất cố đô, nay yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy những cây tre kẽo kẹt trong gió. Katsunobu Kato, Bộ trưởng Bộ Y tế Nhật Bản, đã kêu gọi công chúng tránh tụ tập không cần thiết.

Tại Hong Kong, những cabin cáp treo Ngong Ping 360, ngày thường đón hơn 5.300 lượt khách từ đảo Lantau tới chiêm bái bức tượng Đại Phật Thiên Tân nổi tiếng, nay lơ lửng và trống không.

Dane Cheng, Tổng cục trưởng Du lịch, nói rằng ngành du lịch sẽ chịu thiệt hại lớn hơn cả khi dịch Sars bùng phát tại Trung Quốc 17 năm trước. Hai tuần đầu tháng 2, chỉ có 3.000 du khách đến Hong Kong một ngày, quan chức này cho biết. Trong khi từ tháng 1, thành phố đón khoảng 65.000 lượt khách một ngày, một con số vốn đã giảm vì những cuộc biểu tình kéo dài và nền kinh tế bị đình trệ. 

“Đó là một mức sụt giảm khổng lồ. Lần này không chỉ xảy ra tại Hong Kong, mà là tất cả hoặc phần lớn châu Á”, ông Dane nói.

Tàu điện MTR vắng người tại Hong Kong. Ảnh: Tyrone Siu/Reuters.

Tàu điện ngầm vắng người tại Hong Kong. Ảnh: Tyrone Siu/Reuters.

Thành phố này đã ghi nhận 84 ca nhiễm Covid-19. Những điểm du lịch do chính quyền quản lý như Bảo tàng Nghệ thuật Hong Kong, công viên chủ đề thủy cung Ocean Park hay cáp treo Ngong Ping 360, đều đã đóng cửa. Nhiều sự kiện như Art Basel Hong Kong cũng đã bị hủy.

Tim Cheung, người đang phát tời rơi cho cửa hàng của mình ở Lan Quế Phường, một phố chơi đêm hút khách của Hong Kong, nói rằng tình hình kinh doanh vốn đã bị ảnh hưởng từ biểu tình, nay càng tệ hơn khi doanh thu giảm đến 70 – 80% từ đầu tháng 2. 

“Về cơ bản, chúng tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Tôi có thể mất việc. Tôi sẽ cố, chừng nào còn có thể. Rất nhiều người Hong Kong đang lâm vào tình cảnh thế này”, ông bày tỏ.

Singapore, nơi có 90 ca nhiễm virus, tuyên bố phân bổ hàng tỷ đô la để hỗ trợ những doanh nghiệp hàng không và du lịch – những ngành bị tác động nặng nề từ dịch bệnh. 

Jewel, một tổ hợp mua sắm – ăn uống tại sân bay Changi, phản ánh rõ rệt thực trạng của ngành du lịch đảo quốc sư tử. Đài phun nước trong nhà, nơi đám đông thường chen chân để selfie, nay có vô số khoảng trống để hành khách chụp ảnh một mình. Nhân viên sale của cửa hàng Apple tại đây còn đông gấp đôi khách.

Jeanne Liu, chủ tiệm bánh Rich & Good Cake Shop tại Jewel, nói rằng doanh thu đã giảm một nửa. “Không khí khắp cả nước như chùng xuống, người ta không đến những nơi vốn đông đúc”, Jeanne nói.

Sân bay Changi vẫn mở cửa, nhưng hành khách không đông đúc như bình thường. Ảnh: Edgar Su/Reuters.

Sân bay Changi vẫn mở cửa, nhưng hành khách không đông đúc như bình thường. Ảnh: Edgar Su/Reuters.

Tại Thái Lan, nơi đón nhiều khách Trung Quốc nhất ở Đông Nam Á, với hơn 10 triệu lượt vào 2018, trung tâm thương mại Platinum Mall ở Bangkok thường nhộn nhịp vào thời điểm này trong năm. “Nhưng trong vài tuần qua, nó thật yên ắng, như một nghĩa trang”, Siriwan Saensuwan, 65 tuổi, người đã bán quần áo ở Platinum hơn 10 năm qua, cho hay.

Còn tại Siem Reap, nơi có tàn tích Angkor Wat của Campuchia, khách sạn Sala Lodges, vốn luôn tấp nập khách ra vào, ba tuần qua không có ai đặt thêm phòng. 

Arne Lugeon, 56 tuổi tuổi, ông chủ người Pháp của Sala Lodges, cho biết kể từ giữa tháng 2, 11 ngôi nhà gỗ trong cơ sở lưu trú này đã không có yêu cầu đặt phòng mới, mặc dù hiện nay là mùa du lịch cao điểm của Campuchia. “Tôi chỉ có thể hy vọng loại virus này được ngăn chặn và sau đó mọi thứ sẽ kết thúc sớm”, Arne nói.

Fabien Martial, 46 tuổi, đồng sở hữu khách sạn Viroth tại Siem Reap, cho biết: “Dịp Tết Nguyên đán, 70% khách của chúng tôi đến từ Trung Quốc, nhưng năm nay tất cả phòng đã đặt đều bị hủy. Khách sạn gần như trống không trong vài ngày”.

“Là một ông chủ khách sạn đã vượt qua SARS, cúm gia cầm và bất ổn chính trị, tôi đã học được cách kiên nhẫn và chịu đựng. Kinh doanh và du lịch sẽ khởi sắc trở lại”, Fabien lạc quan.

Tính đến ngày 26/2, Trung Quốc ghi nhận có hơn 77.700 người nhiễm Covid-19, Hàn Quốc trở thành ổ dịch lớn thứ hai thế giới với hơn 1.100 người, còn Nhật Bản 159 người.

Bảo Ngọc (Theo New York Times)

Nguồn: Vnexpress.net