Với chiều cao 8.126 m, Nanga Parbat (Pakistan) là đỉnh núi cao thứ 9 của thế giới. Vào mùa thu, khi lá bắt đầu lác đác vàng, đấy là thời điểm thích hợp cho những chuyến leo núi.
Giữa tháng 10, nhiệt độ ban ngày tại miền bắc Pakistan khá mát mẻ và dễ chịu, phù hợp để leo núi. Từ thủ đô Islamabad, tôi mất khoảng 18 tiếng di chuyển đến cầu Raikot ở vùng Gilgit. Đây là nơi bắt đầu những trải nghiệm thú vị, khó quên.
Ngay từ những ngày đầu của hành trình, tôi chọn trekking đến trại Beyal Camp, nơi có thể ngắm đỉnh Nanga Parbat cao 8.126 m, xếp thứ 9 thế giới. Trong số 30 đỉnh núi cao nhất thế giới, 13 đỉnh ở Pakistan. Thiên nhiên ở đây khiến tôi sửng sốt bởi vẻ kỳ vĩ với những đỉnh núi cao chất ngất, tựa quái vật chọc thủng bầu trời.
Trong tiếng Urdu, Nanga Parbat nghĩa là núi trọc. Tuy nhiên, người ta hay gọi nó là kẻ ăn thịt người bởi những trận lở tuyết chôn vùi các nhà leo núi. Đến đây, tôi mới thấm thía ý nghĩa câu ngạn ngữ của người dân sống dưới chân dãy Karakoram: “Bạn đến đó theo ý của mình nhưng chỉ có thể trở lại khi núi non cho phép”.
Từ cầu Raikot đến Beyal Camp, hành trình của tôi chia thành nhiều chặng. Đầu tiên, cả nhóm di chuyển bằng xe Jeep đến trại Fairy Meadows ở độ cao 3.300 m. Con đường chúng tôi đi qua nhỏ xíu, đầy sỏi đá và rất dốc. Với một bên là vực sâu thăm thẳm, đường dằn xóc, uốn lượn quanh triền núi.
Xe của chúng tôi hướng về làng Tatoo. Từ xa, chúng tôi đã ngửi thấy mùi ngô mới thoang thoảng bên cánh mũi. Hương thơm lừng khi cả đoàn dừng lại. Từ đây, chúng tôi phải đi bộ, leo đến trại Fairy Meadows.
Sau 3 tiếng, đôi cánh mũi đã bị sương giá bám chặt. Cánh đồng cỏ tuyệt đẹp hướng về phía ngọn Nanga Parbat hùng vĩ hiện ra tựa câu chuyện cổ tích về xứ sở xa xôi. Trời tối dần. Cái rét vùng núi mang theo giá lạnh phủ xuống đôi vai. Chúng tôi nghỉ lại một đêm ở đó.
Để sưởi ấm, mọi người đốn củi từ những nhánh thông trong khu rừng gần đó. Nước được đun trong những cái nồi thật to và chúng tôi chia sẻ với nhau từng chút một. Tất cả quây quần bên đống lửa để sưởi ấm. Khi nhiệt độ xuống thấp, nước nguội rất nhanh.
Sáng hôm sau, chúng tôi tiếp tục lên đường, đến trại Beyal Camp ở độ cao 3.500 m bằng cách men theo đường mòn xuyên cánh rừng. Con đường nằm bên sườn đồi phía tây với sông băng Raikot. Từ đây, chúng tôi thấy mặt phía bắc của đỉnh Nanga Parbat sáng lấp lánh sau tán thông, kỳ vĩ, bí ẩn và đầy mê hoặc.
Sau 3 tiếng đi bộ, Beyal Camp hiện ra dưới ánh nắng chói lóa của mặt trời. Quốc kỳ Pakistan bay phấp phới trên mỏm đá, nom thật hiên ngang và hùng dũng. Đỉnh núi cao thứ 9 trên thế giới hiện ra trước mắt, gần đến độ tưởng như chỉ cần đưa tay ra là chạm đến.
Nhấp tách trà thảo mộc được đun từ nước sông băng, ăn cốc mì làm nóng bằng dòng nước khoáng chảy ra từ núi tuyết, tôi cứ ngồi đó ngẩn ngơ, chẳng biết đâu là thật, hay có chăng chỉ là ảo ảnh.