Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín

0
20
Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín - Ảnh 1.

Những ngày này các chuyến bay đến nước Nga đều gần như kín chỗ. Đặc biệt ở châu Âu, do vị trí địa lý tương đối gần với Moscow nên các chuyến bay từ các nước trong khu vực luôn trong tình trạng cháy vé, nhất là vào những ngày trước khi có trận đấu của các đội tuyển châu Âu diễn ra. 

Như từ Đức nơi tôi đang sống chẳng hạn, khi đội tuyển Đức ra quân trận đầu tiên với đội tuyển Mexico vào hôm 18-6 tại Moscow nên các chuyến bay từ tất cả các sân bay của Đức đến Moscow vào những ngày trước đó đều trong tình trạng không còn vé hoặc rất đắt.

Trong tình cảnh đấy, rất nhiều cổ động viên chọn cách bay từ châu Âu qua…Riga (thủ đô của Latvia) hoặc Minsk (thủ đô của Belarus) và đi đến Moscow bằng…tàu hỏa. Với túi tiền của một sinh viên, tôi chọn con đường này. 

Tôi bay hết 2h từ Berlin đến Riga bằng hãng giá rẻ Ryanair và sau đó đi tàu từ Riga đến Moscow thêm…17h nữa. Bằng cách này, chi phí di chuyển chỉ bằng một nửa, thậm chí là 1/3 so với đi bằng máy bay.

Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín - Ảnh 1.

Trước giờ khởi hành ở Riga. Ảnh: Giang Phạm

Tàu từ Riga đi Moscow mỗi ngày có một chuyến, khởi hành lúc 17h30 và đến Moscow lúc 10h30 sáng hôm sau. Tôi mua vé ghế ngồi là hạng vé rẻ nhất, toa số 14. Vừa bước lên tàu, một cảm giác quen thuộc hiện ra. 

Cách bài trí, chất liệu, mùi dầu máy…tất cả đều không khác gì những đoàn tàu Thống nhất ở quê nhà, chỉ có khác là người ta không còn ngồi ghế cứng nữa. Còn toa ghế ngồi thì gợi lại cảm giác không khác gì hạng ghế mềm tăng cường của Đường sắt Việt Nam vào dịp Tết. 

Không có tiếng Anh ở trên tàu, tất cả biển chỉ dẫn đều bằng tiếng Latvia và tiếng Nga, kể cả nhân viên phục vụ cũng chỉ nói một trong hai thứ tiếng trên. Chúng tôi giao tiếp bằng ngôn ngữ cử chỉ và qua tấm vé, cũng không phải là vấn đề lớn.

Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín - Ảnh 2.

Đi tàu từ Latvia sang Nga có cảm giác quen thuộc như đi tàu ở Việt Nam. Ảnh: Giang Phạm

Khách đi tàu cùng tôi, đa phần là người cao tuổi, tầng lớp lao động từ Nga qua Latvia làm việc hoặc người Latvia đi thăm gia đình người thân ở Nga.

Điều này là do trong quá khứ Latvia từng thuộc khối Liên Xô cũ nên cộng đồng nói tiếng Nga ở đây rất lớn, chiếm khoảng 1/4 dân số Latvia. Họ dành thời gian trên tàu để nói chuyện rôm rả với nhau, đọc sách hoặc chơi ô chữ trên tạp chí, rất ít người cắm cúi vào smartphone.

Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín - Ảnh 3.

Cuộc sống bên trong đoàn tàu. Ảnh: Giang Phạm

Tuy nhiên, tôi còn gặp trên tàu rất nhiều cổ động viên bóng đá từ khắp nơi trên thế giới. Trong cùng tình cảnh phải tiết kiệm chi phí để đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, ngủ 1 đêm trên tàu hỏa thật ra không phải là một ý kiến tồi. 

Một nhóm cổ động viên người Mexico, một nhóm từ Colombia, một vài người Thụy Điển, thậm chí tôi còn gặp 2 bạn trẻ người Indonesia đang học ở Hà Lan cũng sang Nga trên chuyến tàu này để xem trận Tây Ban Nha gặp Iran.

Tôi kết bạn với Albert, người Costa Rica và Miron, người Uzbekistan. Albert đang học thạc sĩ ở Madrid, Tây Ban Nha. 

Để cổ vũ đội nhà, anh quyết định đi xe buýt một mình từ Madrid đến…Berlin (hơn 1 ngày rưỡi di chuyển), bay từ Berlin tới Riga và đi tàu từ Riga đến Moscow. Albert sẽ ở lại Nga trong 10 ngày để xem tất cả các trận đấu của Costa Rica, 1 trận ở sân vận động và 2 trận ở Fan Fest. 

Còn Miron vừa học xong cử nhân ở Riga, cậu qua Moscow thăm bạn, xem vài trận bóng đá trước khi trở về quê nhà. Nhờ có bóng đá, cuộc trò chuyện trở nên thân thiết, xoay quanh trận đấu giữa Costa Rica và Brazil sắp tới, xoay quanh huyền thoại Paulo Wanchope của Costa Rica và… trận chung kết hồi tháng 1 giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan. 

Là một fan bóng đá, Miron đã xem trận chung kết ấy và bảo tôi “chúng tôi may mắn lắm mới thắng được các bạn”.

Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín - Ảnh 4.

Miron (trái) và Albert. Ảnh: Giang Phạm

Trong lúc tàu chạy, kết nối mạng 4G rất chập chờn, nhiều nơi tàu đi qua không thể bắt được Internet. Những mỗi khi có tín hiệu, chúng tôi, cùng vài hành khách khác lại quây quần bên một chiếc…iPad, xem trận đấu giữa Croatia và Nigeria qua màn hình nhỏ xíu kết nối bằng 4G của một vị khách địa phương. 

Cả toa tàu xúm lại xem bóng đá trên tàu thật là một trải nghiệm thú vị, chúng tôi vừa xem vừa bình phẩm về màn trình diễn của các cầu thủ, đặc biệt là ngôi sao người Croatia Luka Modric.

Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín - Ảnh 5.

Mọi người quây quần xem World Cup trên tàu hỏa. Ảnh: Giang Phạm

Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng trên tàu vụt tắt, cả đoàn tàu chìm vào giấc ngủ. Người có vé nằm thì ngon giấc trên chiếc giường nhỏ, kẻ mua vé ngồi thì tìm mọi cách để chợp mắt được một lúc. Với nhiều cổ động viên, trải nghiệm ngủ ngồi trên tàu hẳn sẽ rất đáng nhớ.

Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín - Ảnh 6.

Giấc ngủ đêm của các cổ động viên. Ảnh: Giang Phạm

Nhưng không phải cổ động viên nào cũng chọn cách đi tàu để tiết kiệm chi phí. Như bác Simon người Anh chọn cách đi tàu vì “đi tàu cho tôi thấy được nhiều thứ hơn là đi máy bay”. Simon bay từ London sang Riga và đi tàu sang Moscow. 

Ông đi để cổ vũ đội nhà dù phải xem ở Fan Fest và không hi vọng nhiều về việc đội Anh sẽ đi sâu hơn. Nhưng với Simon, World Cup là nơi để kết bạn và để tận hưởng không khí bóng đá.

Đi tàu sang Nga xem World Cup: mỗi người một giấc mơ thầm kín - Ảnh 7.

Simon và bạn mình qua Nga để cổ vũ tuyển Anh. Ảnh: Giang Phạm

Và khi tàu đến Moscow, chúng tôi chia tay nhau và đi theo kế hoạch của riêng mình, chúc đội nhà có thành tích tốt và chúc nhau một mùa World Cup nhiều niềm vui.

Nguồn: Dulich.tuoitre.vn