Hành lang dẫn vào nhà Juliet đầy những hình vẽ trái tim của những cặp tình nhân
Vừa tới Verona là tôi ngoắc taxi kiếm nhà nàng ngay. sớm tinh sương chim hót véo von trên các dây leo phủ kín bức tường nhà nàng. Hành lang dẫn vào nhà dán hai bên đầy những hình vẽ trái tim, giấy ghi lời ước nguyện của những cặp tình nhân.
Du khách tập trung đông nghẹt quanh bức tượng Giulietta đặt ngay trước cửa. Người nào cũng muốn chụp hình chung hay lấy tay sờ lên ngực phải Giulietta đề cầu phúc nhiều may mắn trong tình yêu, âu chẳng lạ khi ngực trái bức tượng màu sắc y nguyên ngược với bên kia đã nhạt phai thê thảm.
Nội thất phòng ăn, phòng ngủ, lò sưởi như gợi nhớ nếp sống quý tộc đơn sơ thế kỷ 12-13, đủ thứ tranh miêu tả tình yêu nồng thắm của Romeo và Giulietta.
Nhà của Juliet
Ban công ngôi nhà nàng Juliet diễm lệ
Chiếc giường mà đạo diễn Franco Zeffirelli cùng cặp diễn viên tài sắc Leonard Whiting và Olivia Hussey quay cảnh đêm tân hôn phim “Romeo and Juliet” (1968) vẫn còn đó, các trang phục trong phim cũng được trưng bày.
Nếu bạn đã từng xem phim này thì gần như thấy lại rõ ràng từng chi tiết một sống động. Tựa người trên ban công nhỏ bé nơi Giullietta ngày nào với tay đón tình nhân Romeo, ngắm mây trắng bay phất phơ trên tít cao xanh biếc, thoáng lòng bâng khuâng văng vẳng lời than thở của Romeo – “Ôi, tình yêu đáng nguyền rủa, tình yêu đáng ghét kia. Tất cả trông không có gì cả. Ôi, ánh sáng chói lọi, vực sâu thăm thẳm …Thế mà ta vẫn cứ yêu…” (Shakespeare).
Đi bộ thêm vài phút thì tới mộ của Giulietta trong nhà mồ cổ kính âm u, vàng vọt ánh nến gần đó, mỗi năm hàng triệu đôi uyên ương đã đến đây khấn vái cho họ có được một tình yêu bất diệt.
Tượng nàng Juliet
Du khách tham quan nhà nàng Juliet
Xứ sở của Romeo và Giulietta còn nhiều nơi hấp dẫn khác. Đứng từ xa ánh rực rỡ đỏ chói của kiến trúc La Mã cổ đại đồ sộ cao ngất ngưỡng Roman Arena mê hoặc tôi lập tức.
Thật hùng vĩ, dài 139m, rộng 110m hình oval, cao hơn 32m, khán đài gồm 44 dãy chỗ ngồi bằng đá cẩm thạch đỏ xếp bậc thang từ cao xuống thấp, chứa hơn 30.000 khán giả.
Xây dựng từ năm 30 sau công nguyên, vốn là một giác đấu trường, ngày nay còn tồn tại nhiều lối dẫn cọp, sư tử vào quần thảo với các chiến binh La Mã.
Đã lâu lắm rồi tiếng gươm giáo khua loảng xoảng, máu me tung tóe đã lùi bóng nhường cho những buổi hòa nhạc, lễ lạc tưng bừng, hội chợ náo nhiệt. Nếu gặp đêm hè ấm áp bạn sẽ được tham dự những màn opera ngoài trời tuyệt hay giữa lòng Arena.
Đấu trường Verona
Có lẽ chỉ có cây cầu Castelvecchio là cầu duy nhất ở đây xây bằng gạch nung đỏ ấm áp, lát cẩm thạch trắng mé dưới chân, hai bên thành cầu cao gấp ba đầu người bắt qua sông Adige dài khoảng 120m. Tương truyền Cangrande II della Scala cho xây chiếc cầu này để dễ dàng thoát thân khi có tai biến.
Chiến tranh đã tàn phá cây cầu nguyên thủy, năm 1949 mới xây dựng lại, buổi chiều tà bước chầm chậm trên cầu nghe tiếng nước sông róc rách, ánh hoàng hôn chiếu lộng lẫy, gió thổi man mát thật dễ chịu.
Cầu Ponte Romano Da Cast San Pietro
Từ cầu đi thẳng tới lâu đài Castelvecchio (tiếng Ý nghĩa là lâu đài cổ) cũng toàn bằng gạch đỏ kiểu Gothic, không cầu kỳ kiểu cọ nhưng đúng là một nơi phòng thủ kiên cố trước các cuộc tấn công dữ dội thời loạn lạc.
Verona không hổ danh khi được Unesco liệt vào di sản thế giới. Đâu đâu cũng thấy những kiến trúc cổ xưa hùng vĩ, trạm trổ tỉ mỉ tinh tế.
Porta Borsari, khải hoàn môn Verona khác hẳn vẻ kiêu sa của khải hoàn môn Paris, bé tí teo nhưng duyên dáng, toát lên phong thái thế kỷ đệ nhất trước công nguyên. Ba tầng với tầng chính phía dưới có hai vòm cao to, hai tầng trên bé hơn khoét 12 cửa sổ nhỏ.
Màu đá vôi trắng toát phối hợp với những đường nét trạm trổ khiến ta liên tưởng tới các cổng đền thờ thần Jupiter ở Hy Lạp.
Cổng chào Arco dei Gavi khác Porta Borsari chỉ gồm một vòm duy nhất nhưng ngày xưa đây đã từng là lối chính vào thành phố. Nhà hát La Mã (Roman Theatre) xây dọc sông Adige làm mọi người phải thán phục trí thông minh của các kiến trúc sư cổ đại, sân khấu nhà hát quay lưng về phía bờ sông có hai bức tường hai bên ngăn lũ lụt và nước sông tràn lên.
Còn khán đài là những hàng ghế đá xây kiểu bậc thang cao dần trên đỉnh đồi đối diện con sông, khán giả vừa có thể xem ca kịch vừa ngắm cảnh sông nước hữu tình.
Cổng chào Arco dei Gavi chỉ có một mái vòm
Khải hoàn môn Porta Borsari
Verona có rất nhiều nhà thờ như San Giovanni in Fonte, San Lorenzo, San Fermo, Santa Anastasia, Sant’Eufemia, and Santa Maria in Organo, nổi bật nhất là Santa Maria Matricolare. Pha lẫn giữa phong cách La Mã và Gô tíc, mặt tiền nhà thờ đẹp khôn tả, ba mái nhỏ lớn chia ra ba tầng uy nghiêm diễm lệ. Bên trong trần cao vút vẽ toàn tranh là tranh, tựa một bảo tàng nhỏ trưng bày vô số tác phẩm nghệ thuật.
Nếu các nhà thờ Verona phong phú bao nhiêu thì các quảng trường Verona càng là nét tiêu biểu rặc Ý, êm đềm đầy bồ câu lững thững nhặt bánh mì từ tay du khách. Ngồi uống cafe ở Piazza dei Signori (hay Piazza Dante) thật thú vị, quảng trường này được bao quanh bởi một số công trình, tượng đài, vườn.
Vừa nhấm nháp kem Verona đủ mùi quế, ôliu…vừa ngắm nhìn tượng Dante cao 3m nghiêm nghị trầm ngâm, lướt mắt tí xíu là thấy tòa thị chính Palazzo del Comune, cung điện Cansignorio, nhà thờ Santa Maria Antica. Kế bên là cung điện Palazzo del Podesta mà dăm người thích gọi “nhà của Dante”, cạnh Palazzo del Podesta tòa nhà họp hội đồng La Mã thời trung cổ cột kèo chi chít…
Món Casserole
Cơm Risotto
Nhưng muốn xem tổng quan thành phố thì phải leo lên tòa tháp Lamberti Torre cao 84m xây từ năm 1772. Leo 238 bậc lên đỉnh tháp, có cả thang máy cho ai yếu sức, ở trên đỉnh gió thổi mạnh ào ào, nên có thêm 2 mức thấp hơn cho bạn chắc chắn đứng vững chụp hình phong cảnh.
Tháp có hai chuông, cái lớn gọi là Rengo để rung gọi toàn dân họp hội đồng, cái nhỏ tên Marangona báo hiệu hỏa hoạn và báo giờ.
Can đảm trèo ra kế bên chuông lớn thiệt thích thú nhưng mấy ông bảo vệ tháp nhắc tôi coi chừng đụng vô là chuông gõ điếc tai đấy. Trả 5 Euro để vô tháp đáng tiền vô cùng, bà Pháp mới làm quen còn chỉ tôi mua thẻ du lịch Verona chỉ 16 Euro mà có thể thăm khắp danh lam thắng cảnh của Verona.
Rảo hết các đường phố, ngõ nhỏ lát đá, gạch thanh bình của Verona, tôi không đếm xuể bao nhiêu di tích lịch sử, nhà thờ, cung điện. Quán cafe, bar đâu đâu cũng gặp, cafe Delle Erbe và Campidoglio thôi khỏi chê thơm lừng, vị khoan khoái cả người, bia bassotti mát lạnh sủi bọt tràn trề.
Lạ nhất là khu chợ ở quảng trường Piazza delle Erbe, bán toàn gia vị, thảo mộc khô, tươi… Bầu không khí Verona quá tinh khiết, không hề chút khói xe, có lúc làm bạn tưởng mình đang dừng lại hay hơn nữa quay về quá khứ nghìn năm trước.
Phải nói quê nhà của Giullieta, người yêu Romeo, phải đổi tên thôi, “Thành phố di tích lịch sử” mới xứng với Verona.
Mách nhỏ
1 – Các món ngon của Verona:
+ Cơm Risotto: Món cơm đặc thù Verona ăn mê luôn. Rất lạ với kem, bơ, và đủ thứ cá, tôm, thịt… Có nhiều loại Risotto: risotto al tastasal, risotto al radicchio, risotto all’Amarone.
+ Pasta: Pasta Bigoli là loại spaghetti sợi nhỏ làm bằng lúa mạch màu nâu. Trộn nước sốt vịt, thịt lừa, thịt ngựa có nơi trộn cá mặn. Món này chỉ Verona mới có.
+ Secondo: Bít tết ngựa – Duy nhất ở Verona – Truyền thống còn xót lại của thời chiến tranh đói kém xa xưa.
+ Pandoro: Bánh bông lan Veronese ngon tuyệt, thơm ngát mà nếu mua loại có nho hạt dẻ đủ thứ càng ngon.
2 – Nên đi Verona vào tháng 6-8. Thời tiết đẹp. Cây cỏ xanh tươi.
3 – Chuẩn bị đi bộ: Du lịch Verona chỉ đi bộ mới thăm hết các đền đài.
4 – Đội nón rộng vành. Đem theo nước chai. Bánh sandwich. Khi đói bụng làm picnic ở giữa các đền đài rất thú vị.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn