Ai về Hà Giang cũng một lần lang thang đôi chân tìm về cao nguyên đá, để ngỡ ngàng về sức sống diệu kỳ vẫn đêm ngày sinh sôi trên mảnh đất lạ. Qua bốn mùa xuân hạ thu đông, người ta lại thêm xốn xang bởi hương sắc những mùa hoa phủ lấp núi đồi, đem đến bức tranh thơ tình cho Đồng Văn. Và ở Đồng Văn mênh mông khắp chốn toàn đá là đá ấy, những cây sa mộc hiên ngang vươn mình trỗi dậy tựa vẽ lên ‘biểu tượng sự sống’ mãnh liệt của mảnh đất địa đầu Tổ quốc, mộc mạc và duyên dáng làm sao. Dù những màu hoa có phai tàn khi trời đổi gió, mây đổi màu và nắng thôi không còn rực rỡ thì sa mộc vẫn tươi thắm cả năm. Du lịch Hà Giang, nhất định đừng bỏ lỡ cơ hội về Đồng Văn khám phá ‘ngôi làng sa mộc’ hết sức đặc biệt này.
Duyên dánh sắc màu sa mộc giữa lòng cao nguyên đá – Ảnh: cristal tran
Sa mộc còn được biết đến với tên gọi khác là sa mu, một loài cây thân gỗ họ hàng với hoàng đàn, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Do đặc tính chịu được thời tiết khắc nghiệt lẫn địa hình khô cằn mà sa mộc thường được trồng rất nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta từ Lào Cai, Lai Châu, Lạng Sơn đến Cao Bằng,… Nhưng nhiều nhất và đẹp nhất phải kể đến Đồng Văn – cao nguyên đá nổi tiếng khắp cả nước.
Hà Giang được điểm tô bởi gam màu của sa mộc từ bản làng – Ảnh: Tuan Anh Do
Đến non cao lảng bảng sương mờ – Ảnh: Vo Van Truong Anh
Dáng sa mộc thẳng tắp, vươn thẳng lên nền trời, cành mọc thành nhiều tầng xen lẫn nhau tạo thành chóp nón hệt như mũi tên đang lao thẳng lên cao. Nhìn từ xa, sa mộc giống như cây thông nhưng khi lại gần, du khách sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt dựa vào lá và thân cây. Sa mộc được xem là cây thân gỗ có giá trị kinh tế rất cao. Gỗ từ sa mộc chắc, bền lại có đường vân đẹp mắt, thường được dùng trong xây dựng và thiết kế nội thất. Điều quan trọng nhất là, loại cây này đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phủ xanh đồi trống ở vùng núi phía Bắc mà không phải giống cây nào cũng có thể làm được.
Sa mộc dáng đứng hiên ngang – Ảnh: Nam Chấy
Không chỉ có tác dụng phủ xanh núi rừng mà còn có giá trị kinh tế cao – Ảnh: Nam Chấy
Và Đồng Văn, nơi người ta từng thở dài mỗi lần nhìn thấy một màu xám xịt của lớp đá này chồng lên đồi đá nọ nay đã đổi màu nhờ gam màu của sa mộc đem lại. Với sức sống mãnh liệt của mình khi chịu được cái rét buốt và khô cằn hanh hao mà người bản địa ở Đồng Văn đã chọn sa mộc làm cây trồng chính từ nhà ra vườn, từ vườn đến đồi nương. Đâu đâu người ta cũng bắt gặp hàng sa mộc thẳng đứng giống y như người bảo vệ cuộc sống bản làng. Chính vì thế, không quá khó hiểu tại sao sa mộc lại được người Hà Giang nói chung và Đồng Văn nói riêng chọn làm ‘biểu tượng sống’ cho mảnh đất nơi đây.
Sa mộc như biểu tượng sống của người Hà Giang – Ảnh: Hieu Dao
Xem thêm: Các khách sạn giá rẻ tại Đồng Văn
Du lịch Đồng Văn, du khách chẳng sợ không chiêm ngưỡng được hàng sa mộc bởi trong vùng lõi của cao nguyên đá, người ta trồng rất nhiều loại cây này. Ngay trên đường quốc lộ dẫn đến Phó Bảng, Phố Cáo, Sủng Là hay trong thị trấn Đồng Văn, khách du lịch cũng sẽ nhìn thấy bức tranh mộc mạc giản dị mà cực kỳ lôi cuốn của dải màu sa mộc nối tiếp từ chân bản đến tận non cao, tưởng chừng kéo dài vô tận.
Đâu đâu cũng thấy bóng hình của sa mộc – Ảnh: Nam Chấy
Thích nhất là lúc đi qua các cung đường đèo trên cao, mắt phóng xuống bến dưới, ẩn hiện trong làn sương mờ đang lảng bảng quấn quýt là hàng sa mộc nhấp nhô uốn lượn, trông vừa giống cơn sóng lạ vừa y như các chiến sĩ canh gác đang làm tốt công việc bảo vệ mảnh đất quê hương của mình. Sa mộc thân thiết với người Đồng Văn như bạn hữu lâu năm, có lúc lại trở thành ‘thần bảo hộ’ cho người đồng bào từ bao đời nay, dẫu có ‘mệt nhoài’ vẫn chẳng một lời ca thán.
Sa mộc gắn bó với người đồng bào ở Hà Giang – Ảnh: Ngọc Vũ
Hàng sa mộc nổi tiếng nhất ở Đồng Văn phải kể đến lối vào dinh thự vua Mèo Vương Đức Chính ở Sà Phìn. Sa mộc ở đây đã qua hơn trăm năm, dấu thời gian đã hằn lên trên thân cây nhưng vẻ uy nghiêm và rắn chắc vẫn còn đó. Dạo bước trên những bậc đá, lãng đãng cùng cơn gió xào xạc mà tưởng như hàng sa mộc đang ngân nga khúc hát, tay sờ vào vết sần của cây mà bồi hồi làm sao, đẹp lắm những ‘chàng lính gác’ ngày đêm không ngủ.
‘Những chàng lính gác’ đêm ngày không ngủ – Ảnh: Dung Nguyen
Mùa thu về Đồng Văn thăm sa mộc, du khách còn được thưởng ngoạn bức tranh đầy lãng mạn của sắc hoa tam giác mạc đang nở rộ dưới gốc cây. Rung rinh cánh hoa mỏng manh trong gió nhẹ khiến người ta si mê, đối lập với dáng vẻ kiên cường của sa mộc nhưng lại hài hòa trong bức họa nơi non cao. Cột cờ Lũng Cú nổi tiếng ở Hà Giang được mô phỏng cách điệu chính từ dáng đứng của sa mộc, chứng tỏ loài cây này có ý nghĩa hết sức thiêng liêng với người dân cao nguyên đá.
Thu về tam giác mạch nở rộ thơ tình bên sa mộc – Ảnh: Nam Chấy
Cột cờ Lũng Cú cũng được cách điệu giống dáng vẻ loài cây này – Ảnh: Nam Chấy
Xem thêm: Các tour du lịch Hà Giang giá rẻ
Đâu cần kiêu sa lộng lẫy, đâu cần hào nhoáng lung linh, có một Đồng Văn mộc mạc và thuần khiết như thế cũng đủ làm cho người ta thương nhớ lắm rồi. Đi qua bao mùa hoa trên cao nguyên đá, người ta lại nhận ra vẻ đẹp dung dị nhưng đầy duyên dáng của sắc màu sa mộc vẫn đang điểm tô từng tháng ngày cho miền biên viễn. Ấn tượng khó quên của sa mộc bỗng dưng trở thành sức hút làm trái tim rạo rực, thôi thúc đôi chân tìm về non cao, để thả mình vào ‘ngôi làng sa mộc’ nhỏ nên thơ mơ màng trong câu chuyện cổ tích ngọt lịm, yêu lắm.
Scodaisym – Camnangdulich.vn
Lưu ý: Nội dung bài viết thuộc bản quyền của Camnangdulich.vn (Không bao gồm hình ảnh). Mọi sao chép cần ghi rõ nguồn, tên tác giả, nhiếp ảnh gia cùng với liên kết về nội dung tương ứng tại Camnangdulich.vn.
Nguồn: News.zing.vn