Banda Aceh là vùng đất theo đạo Hồi cổ xưa nhất của Indonesia, nơi ghi dấu nhiều tàn tích của trận sóng thần khủng khiếp xảy ra tại Ấn Độ Dương năm 2004, và cũng là điểm đến với những bãi biển siêu đẹp. Ảnh chụp trên bãi biển cát trắng ở Banda Aceh
Banda Aceh nằm ở phía tây bắc của Indonesia, là thủ phủ và thành phố lớn nhất ở tỉnh Aceh. Tiếng Anh không phải ngôn ngữ thông dụng ở đây, nên tôi quyết định thuê hướng dẫn viên bản địa riêng để mẹ con tôi có một chuyến đi trọn vẹn. Thời điểm thời tiết ổn định nhất để ghé thăm nơi đây chính là tháng 1 đến tháng 7. Tuy nhiên, dù chúng tôi đi vào tháng 10 cũng không hề có mưa và cảnh vẫn rất đẹp.
Chưa có chuyến bay thẳng từ Hà Nội, để đến được Banda Aceh, chúng tôi quá cảnh tại Kuala Lumpur (Malaysia). Chúng tôi bay hãng Malindo từ Hà Nội tới Kuala Lumpur và lựa chọn hãng hàng không giá rẻ AirAsia để bay từ Kuala Lumpur tới Banda Aceh. Tổng chi phí cho vé máy bay khứ hồi khoảng 5,4 triệu đồng.
Từ Kuala Lumpur bay tới Banda Aceh mất khoảng 1 tiếng, sau đó Heri – hướng dẫn viên người địa phương – đưa chúng tôi tới bến tàu ra đảo Sabang, với hành trình đi tàu nhanh khoảng 45 phút. Giá vé tàu nhanh khoang VIP là 100.000 rupiad (tỉ giá quy đổi 100.000 đồng được 62.000 rupiah).
Đảo còn khá hoang sơ, không có resort 5 sao. Chúng tôi được anh hướng dẫn viên đặt trước 2 phòng đôi nhưng sau đó đổi thành 1 phòng to tại Panorama Bugalow. Phòng chúng tôi hướng biển, khá rộng và 5 người ở thoải mái.
Sau khi dành cả buổi chiều lặn biển ngắm cá và san hô, chúng tôi tới khu vực biển ở ngay trên miệng núi lửa. Vừa đến đây, mùi lưu huỳnh đặc trưng, cùng các bọt khí nổi lăn tăn trên mặt nước. Lúc đầu, mọi người đều sợ, nhưng anh lái tàu khích lệ rằng người dân trong vùng nói tắm nước lưu huỳnh này sẽ giúp đẹp da. Vậy là chúng tôi nhanh chóng nhảy xuống nước.
Bọt khí lưu huỳnh nổi trên mặt nước
Núi lửa này vẫn đang hoạt động, vì vậy dưới nước, từng hàng dài các cột khí nổi lên. Tôi vừa bơi vừa sợ, vì dẫu sao núi lửa ngay dưới chân cũng làm tôi cảm giác hơi gai gai người.
Ở đảo buổi tối khá buồn vì các hàng quán cách xa nhau, đường đi tối om và nhiều khúc cua. Chúng tôi chọn ăn tại 1 quán gần chỗ ở, không ngờ đó cũng là quán đông khách và chất lượng đồ ăn cũng ổn. Vì Aceh là khu vực thực hiện đạo Hồi nghiêm ngặt, đồ ăn ở dây đa phần khó ăn, mặn và cay.
Sáng hôm sau, chúng tôi được chủ bungalow đưa đi thăm những địa danh nổi tiếng ở Sabang. Điểm đầu tiên chúng tôi đặt chân đến là cột mốc số 0 của Indonesia. Đây là nơi đánh dấu điểm địa đầu của đất nước vạn đảo này, cũng như là một trong những điểm check-in của du khách. Còn tới hang động Gua Sarang, bạn có thể ngồi vãn cảnh trên xích đu. Từ khu vực này nhìn sang phía bên kia của đảo, khung cảnh quả thực lãng mạn bởi rừng cây đang được tô điểm bởi màu đỏ của lá, ngay dưới là bờ biển nước xanh rì.
Rời Gua Sarang, chúng tôi tiếp tục di chuyển đến khu vực bãi cát trắng nổi tiếng ở đảo Sabang này. Biển ở đây còn khá hoang sơ, vậy nên đoàn chúng tôi thoả sức ngắm nhìn các sinh vật biển lạ. Các bạn nhớ mang theo giày hoặc dép vì bãi đá có khá nhiều đá con, sẽ đau chân nếu đi chân đất.
San hô ở đảo
Chiều hôm ấy, tàu đón chúng tôi đi tham quan tiếp đảo Rubiah, hòn đảo mệnh danh là thiên đường ở Sabang với rất nhiều cá đẹp. Tuy vậy, nơi đây cũng ẩn chứa nhiều sinh vật biển nguy hiểm chả kém. Bờ biển ở đây cực kì nhiều con cầu gai (nhím biển) ẩn nấp trong các khe đá. Khi cả đoàn đang bơi thì 1 cô hét lên, tôi vội vàng quay lại kéo cô ấy lên bờ với 2 chân hầu như không thể di chuyển cùng với cảm giác đau buốt.
Trong lúc đi trên mặt cát dưới biển, cả 2 chân của cô ấy đã dẫm phải cầu gai. Vội vàng hỏi anh lái tàu làm cách nào để hạ đau, anh kêu nhờ ai đó tiểu tiện vào chỗ đau ấy hoặc dùng dấm. Trong lúc chờ anh kia chạy đi lấy dấm thì 2 bác trong đoàn vội vàng tiểu tiện lên chân để làm dịu cơn đau. Nhưng phải công nhận, mẹo này hiệu quả vì cơn nhức dịu đi khá nhiều. Tuy nhiên, anh lái tàu bảo không nên nhổ gai ra mà hàng ngày bôi dấm để gai đó tự tiêu dần. Đúng là một kỉ niệm nhớ đời ở đảo Sabang!
Khu vực có rất nhiều cầu gai
Ngày hôm sau, chúng tôi trả phòng khách sạn, đi tàu về lại thành phố để thăm quan Aceh. Năm 2004, Aceh là nơi hứng chịu thảm hoạ sóng thần mạnh nhất trong số 9-10 quốc gia bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã được ghé thăm bảo tàng sóng thần nơi lưu giữ rất nhiều ảnh và video của các nạn nhân khi sóng thần ập đến.
Đến giờ ở Aceh, người ta vẫn lưu giữ con tàu nặng hơn 2.700 tấn bị sóng thần đánh dạt từ cảng vào tới đất liền với khoảng cách khoảng 5km. Họ đã giữ nguyên vị trí con tàu như thế này và biến nó thành bảo tàng để du khách có thể thăm quan và hồi tưởng lại thảm hoạ lịch sử ấy.
Thánh đường Hồi giáo Baiturahman
Tới tỉnh Aceh, bạn hãy dành thời gian đến thánh đường Baiturahman nguy nga, nơi duy nhất còn nguyên vẹn và cũng là chỗ trú chân, cứu được rất nhiều sinh mạng khi sóng thần đổ bộ vào đây 15 năm trước, tới khu chợ trung tâm ở Banda Aceh để mua một số đồ lưu niệm. Lưu ý là đa phần người bán hàng không sử dụng tiếng Anh, đoàn chúng tôi phải nhờ sự giúp đỡ của anh tài xế.
Không phải là nơi phồn hoa như Jakarta, cũng không đông đúc như Bali hay bụi bặm như Bromo, Banda Aceh mang trong mình một vẻ đẹp bình yên rất riêng. Nếu có dịp, hãy ghé thăm nơi đây để thấy vẻ đẹp của Aceh đã được vực dậy như thế nào sau cơn sóng thần năm ấy.
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn