[kdn-iframe src=”https://player.sohatv.vn/embed/100228/?vid=tuoitre/2018/10/23/da-lat-mua-long-lanh-15402864473211586835310-baf5a.mp4″ width=”800px” height=”400px” frameborder=”0″]
Cảnh mây trôi bồng bềnh, sương trắng chuyển động theo gió ở các thung lũng vùng ngoại ô Đà Lạt – Video: PY TRẦN – MAI VINH
Từ cuối tháng 10 hàng năm đến tháng 3 năm sau là thời điểm đẹp nhất để đến Đà Lạt. Vùng đất này bước vào mùa khô.
Với người sống lâu năm ở Đà Lạt, đây là mùa “nắng lạnh”. Nắng rất vàng nhưng rất lạnh.
Đỉnh điểm của nắng lạnh là thời điểm bước từ năm cũ sang năm mới. Càng vào giữa mùa nắng lạnh, Đà Lạt càng đẹp, nhưng không gian gợi cảm xúc nhiều cho du khách có lẽ là cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi trời giao mùa.
Hồ Suối Vàng (ngoại ô Đà Lạt, giáp huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) vào sáng sớm – Ảnh: PY TRẦN
Những đợt mưa kéo từ trưa tới chiều vãn dần, thay vào đó là cái nắng rất vàng vào sáng sớm và càng về chiều càng dịu.
Trời cũng chưa chuyển hẳn sang mùa khô, nên mỗi sáng sớm hay lúc khuya, sương chùng chình trên khắp những cánh rừng, sườn đồi hay những con phố quanh co. Sương cũng che bớt “vết thương” của những sai lạc ở một đô thị cổ đang phát triển quá nhanh.
Hồ Xuân Hương thơ mộng nhất trong khoảng 2 tiếng, từ 4h30 – Ảnh: PY TRẦN
Đầu mùa nắng lạnh là mùa của những người yêu ngắm cảnh, thích cắm trại. Hơi lạnh mùa này nhẹ nhàng, nhiều ẩm nên không khiến người ta có cảm giác co ro phải tìm nơi trú tránh.
Chỉ cần một đụn lửa nhỏ, hơi lạnh bay biến nhường chỗ cho ấm áp, lãng mạn. Khí trời khiến mai anh đào bắt đầu vàng rồi trụi lá, để đến cuối năm trổ hoa khiến bao nhiêu người náo nức chờ đợi.
Cây cỏ dại nằm khắp triền đồi trở nên mập mạp, tươi tốt chuẩn bị trổ bông màu hồng tím. Đây cũng là thời điểm du khách và người Đà Lạt chờ: mùa cỏ hồng.
Những đợt nắng đủ ấm lúc này vừa vặn để dã quỳ chuẩn bị trổ hoa, tô vàng vùng ngoại ô. Khắp các diễn đàn du lịch, nhiều du khách và người kinh doanh du lịch bắt đầu đăng hình những năm trước, làm lòng người thêm ngóng chờ.
Sương phủ khắp các khu rừng nội ô, ngoại ô khi sáng sớm hoặc về đêm – Ảnh: MAI VINH
Cỏ hồng chưa có, dã quỳ sắp trổ bông, cây cối Đà Lạt đang hấp nhựa đất trời chờ lúc trở mình ra hoa thì Đà Lạt có gì để long lanh? Lúc này, Đà Lạt đẹp tự thân mà không cần nhiều hoa lá trang điểm.
Đứng giữa đất trời khi sáng sớm, tự thấy Đà Lạt đẹp mềm mại cùng nắng mới, gió mới, cái lạnh mới chớm. Đà Lạt đẹp bằng vẻ đẹp của thiên nhiên ôn đới giao mùa.
Đồi chè Cầu Đất (xã Trạm Hành, TP. Đà Lạt) ở độ cao hơn 1.600 m so với mực nước biển – Ảnh: MAI VINH
Rừng thông ở khu vực hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt). Những khi có sương vào sáng sớm, du khách có thể bắt gặp cảnh này ở bất kỳ khu rừng nào ở thành phố Đà Lạt – Ảnh: PY TRẦN
Khu vực bãi Săn Mây (tên do người dân địa phương đặt) nằm ở Cầu Đất (TP. Đà Lạt), nơi có thể ngắm mây trôi ngang qua các thung lũng – Ảnh: PY TRẦN
Một góc đồi chè cổ Cầu Đất (Đà Lạt) bên trong khu vực bãi Săn Mây – Ảnh: MAI VINH
Một góc hồ Suối Vàng (vùng ngoại ô Đà Lạt, giáp huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) – Ảnh: PY TRẦN
TP. Đà Lạt về đêm với sương mù phủ kín. Những công trình có khối tích gây mất cân đối không gian thành phố được sương che bớt – Ảnh: MAI VINH
Khu vực “cây thông cô đơn” nổi tiếng nằm sâu bên trong hồ Suối Vàng (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách trung tâm Đà Lạt khoảng 15 km). Cả chục ngàn du khách tìm nhiều cách đến đến đây ngắm cảnh mỗi năm dù đường đi rất khó khăn, chủ yếu là đường mòn trong rừng – Ảnh: PY TRẦN
Một góc xã Xuân Trường nằm ở vùng ngoại ô TP. Đà Lạt – Ảnh: MAI VINH
Cảnh người dân Đà Lạt đi làm sớm. Ảnh chụp ở Dốc Đu (xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt). Đây là nơi nằm ở vị trí cao hơn trung tâm Đà Lạt và khí hậu cũng lạnh hơn – Ảnh: MAI VINH
Mời độc giả đăng ký thành viên tại đây để bình luận cho bài viết trên Tuổi Trẻ Online. Cảm ơn bạn
Nguồn: Dulich.tuoitre.vn