[kdn-iframe src=”https://player.sohatv.vn/embed/100228/?vid=vtv/2018/11/27/2711thegioiketnoi172214000025976-001813162-1543314215660334770032-7140b1543317114410.mp4″ width=”800px” height=”400px” frameborder=”0″]
VTV.vn – Nhờ sự nỗ lực của một vài cộng đồng dân cư, gần đây, vũ điệu Kagura bắt đầu được hồi sinh tại Nhật Bản.
Kagura là một điệu nhảy rất cổ, có lịch sử gần 1.000 năm ở Nhật Bản. Đây là vũ điệu nhằm bày tỏ lòng kính trọng đến các vị thần theo tín ngưỡng văn hóa của người Nhật Bản. Trong thế kỷ 20, sự phát triển kinh tế cao độ và phổ cập các loại hình giải trí hiện đại đã gần như xóa sổ vũ điệu Kagura.
Dưới chân đền thờ thần Đa Văn Thiên Vương ở tỉnh Iwate, những vũ công trong trang phục sặc sỡ, với chiếc mũ đội đầu tượng trưng cho mào gà trống, thực hiện các động tác nhảy mạnh mẽ và cuồng nhiệt kéo dài trong mười phút đồng hồ. Vũ điệu Kagura là một nghi lễ truyền thống có lịch sử rất lâu đời trong văn hóa Nhật Bản, ban đầu là để chào đón thần Mặt trời Amaterasu, sau đó mang nghĩa rộng hơn, như một sự dâng hiến của con người cho thần linh.
Sự phát triển xã hội hiện đại tại Nhật Bản đã đẩy Kagura đến chỗ gần như bị biến mất hoàn toàn, nhưng tại tỉnh Iwate, vẫn có những gia đình nỗ lực duy trì vũ điệu này. Gia đình bà Terui Sachiko đã có ba thế hệ nối tiếp nhau trình diễn Kagura tại đền Takkoku no Iwaya.
Con gái của bà Terui Sachiko, Terui Kumi, là người đánh trống cho vũ đoàn. Trong vũ điệu Kagura, người đánh trống giữ một vị trí đặc biệt và cần được đào tạo nghiêm ngặt. Nhiều vũ đoàn đã phải giải thể vì không tìm ra người đánh trống đủ tiêu chuẩn.
Điệu nhảy Kagura nguyên thủy cấm nữ giới tham gia vũ đoàn, tuy nhiên khi điệu nhảy đứng trước nguy cơ bị xóa sổ vì thiếu người, các vũ đoàn đã lần lượt cho phép phụ nữ gia nhập. Biện pháp này đã đem lại nguồn sinh khí mới cho các vũ đoàn, cho phép các thế hệ gia đình có thể nối tiếp nhau lưu giữ điệu nhảy cổ xưa nhất của Nhật Bản.
Nguồn: Vtv.vn