Việc hủy chuyến du lịch được coi là giải pháp cực đoan và khiến du khách mất khoản tiền lớn.
Sau hàng loạt sự kiện như tàu Diamond Princess bị cách ly ở Nhật Bản, các điểm du lịch đóng cửa, Italy bắt đầu phong tỏa cả nước, du khách sẽ đặt câu hỏi về độ an toàn của những chuyến đi đã lên kế hoạch khi Covid-19 tiếp tục lây lan khắp thế giới. Giải pháp cực đoan nhất là hủy bỏ mọi thứ. Tuy nhiên, lựa chọn hủy kỳ nghỉ là một quyết định lớn nếu bạn hiếm khi có thời gian du lịch. Điều này còn dẫn tới việc bạn có thể mất một khoản tiền đáng kể nếu đã đặt tour hoặc dịch vụ từ trước.
Có đáng để mạo hiểm vì một kỳ nghỉ? Dưới đây là 8 tư vấn của Telegraph về vấn đề này.
Cập nhật thông tin từ Bộ Ngoại giao
Đến nay Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đưa khuyến cáo an toàn cho công dân và khách du lịch Việt Nam tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy và Iran. Trong đó, Bộ Ngoại giao yêu cầu người dân “hạn chế, không nên đến các khu vực đang có dịch và có khả năng chịu ảnh hưởng của dịch mà cơ quan chức năng các nước đã khuyến cáo”. Trước khi lên đường, du khách nên tra cứu kỹ và cập nhật các thông tin chính thức để bảo đảm an toàn cho bản thân và người đồng hành.
Những biện pháp phòng ngừa cá nhân
Bạn có thể giảm thiểu rủi ro khi áp dụng những biện pháp phòng ngừa hợp lý đã được Bộ Y tế và các chuyên gia khuyến cáo. Quan trọng nhất là rửa tay thường xuyên và tránh chạm tay lên mặt. Khi ở trên máy bay, du khách nên hạn chế tối đa việc chạm vào các bề mặt cứng như ghế ngồi, khay đựng đồ, màn hình cảm ứng, nhà vệ sinh… Nếu bắt buộc phải sử dụng một tiện nghi nào đó, hãy lau sạch các bề mặt hoặc dùng khăn giấy để hạn chế tiếp xúc và rửa tay lại ngay.
Xem thêm: Mẹo tránh nhiễm bệnh trên máy bay.
Những vật dụng có nguy cơ lây nhiễm nCoV tại cửa kiểm tra an ninh sân bay. Ảnh: Telegraph. |
Trường hợp quyết định hủy chuyến
Nếu đã đặt chỗ với một đơn vị lữ hành, những khuyến cáo của Bộ Ngoại giao trở nên quan trọng hơn. Bạn chỉ được hoàn lại toàn bộ tiền nếu Bộ Ngoại giao xác định điểm đến là vùng có nguy cơ lây nhiễm cao, không nên du lịch.
Khi cảm thấy lo lắng, bạn nên trao đổi trực tiếp với đơn vị bán tour để tìm giải pháp tốt hơn cho cả hai bên. Nếu đơn phương hủy bỏ, bạn sẽ mất chi phí lớn tùy thuộc vào thời gian trước ngày khởi hành. Nếu báo hủy gần sát ngày lên đường, bạn sẽ mất toàn bộ tiền. Thay vào đó, bạn có thể thỏa thuận để hoãn chuyến sang thời gian khác hoặc thay đổi điểm đến.
Trường hợp bạn tự đặt vé máy bay và khách sạn, nhiều khả năng sẽ mất khoản đặt cọc hoặc tiền vé khi quyết định hủy, tùy thuộc vào chính sách riêng của từng hãng. Hãng hàng không Vietnam Airlines hiện đã có thông báo chính sách hoàn và đổi vé máy bay trong dịch Covid-19 với một số thị trường đang tạm ngưng khai thác. Theo đó, hành khách sẽ được hoàn, đổi vé miễn phí một số hành trình giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Italy. Thông tin chi tiết được cập nhật liên tục trên trang web của hãng.
Trường hợp bị cách ly
Nếu bạn đang đi du lịch tự túc, cách tốt nhất để chuẩn bị cho tình huống này là mua bảo hiểm du lịch phù hợp, ít nhất có thể giúp bạn trang trải mọi chi phí phát sinh. Trường hợp thứ hai là đi du lịch theo tour của công ty lữ hành, họ có nhiệm vụ chăm sóc bạn và sắp xếp một chuyến bay mới đưa bạn về nhà sau thời gian cách ly.
Ngay cả khi ít lo lắng về những rủi ro tiềm ẩn với sức khỏe của bản thân, bạn cũng nên tính đến tình huống bị mắc kẹt ở nước ngoài. Hãy tự đặt những câu hỏi như: Bạn có sự kiện nào không thể bỏ lỡ ngay sau khi trở về, có con nhỏ đang chờ ở nhà, có cam kết nào với công việc mà không thể bỏ lỡ không?… Những điều này sẽ giúp bạn cân nhắc xem có nên tiếp tục lên đường trong tình hình hiện nay hay không.
Có phải tự cách ly khi trở về không?
Từ sáng 7/3, tất cả hành khách nhập cảnh Việt Nam phải khai báo y tế bắt buộc. Trong tờ khai y tế, người nhập cảnh phải trả lời trong 14 ngày qua đã đi qua những quốc gia, vùng lãnh thổ nào và thông tin liên lạc tại Việt Nam.
Người nhập cảnh cũng phải khai báo, trong 14 ngày (tính đến thời điểm xuất nhập cảnh), có tiếp xúc gần (dưới 2 m) với người nhiễm nCoV hay không; có đến trang trại chăn nuôi, chợ buôn bán động vật sống, cơ sở giết mổ động vật, tiếp xúc động vật hay không; có xuất hiện các dấu hiệu như sốt, ho, khó thở, đau họng, nôn (buồn nôn), tiêu chảy, xuất huyết ngoài da, nổi ban ngoài da…
Theo quy định hiện hành, sau khi khai báo y tế, những người đến hoặc đi qua vùng dịch, nếu nhập cảnh Việt Nam sẽ phải cách ly tập trung 14 ngày. Người Việt Nam từ vùng dịch về hoặc từ Việt Nam sang vùng dịch và nhập cảnh trở lại cũng bị cách ly. Đến nay, bốn quốc gia gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Italy được coi là các nước nằm trong vùng dịch.
Đối với các quốc gia khác, hiện chưa có khuyến cáo nào về việc hành khách phải tự cách ly sau khi trở về. Tuy nhiên, khi xuất hiện các triệu chứng sốt, ho, khó thở hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần gọi điện thông báo với cơ sở y tế tại địa phương để nhận được hướng dẫn phù hợp, theo Bộ Y tế.
Những rủi ro nếu nhiễm nCoV
WHO cho biết, những người có tiền sử bệnh tim, các vấn đề về hô hấp hoặc cao huyết áp có nguy cơ tử vong cao hơn do nCoV. Tuổi tác cũng là một vấn đề lớn với căn bệnh này. Nếu bạn ở độ tuổi 10 – 40, tỷ lệ tử vong là 0,2 %. Mức tử vong tăng dần theo độ tuổi, nguy hiểm nhất với nhóm người từ 60 tuổi trở lên. Dưới đây là biểu đồ tỷ lệ tử vong theo độ tuổi do trang Worldometers thống kê.
Tỷ lệ tử vong vì nCoV theo độ tuổi. Nguồn: Worldometers. |
Liệu tôi có một chuyến đi thú vị?
Một vấn đề cần xem xét nếu bạn quyết định đi du lịch trong thời gian này là bạn có thu được nhiều trải nghiệm tích cực không. Nhiều điểm đến được đánh giá tuyệt vời nhất thế giới đang rất yên tĩnh và vắng bóng du khách. Bạn có thể thoải mái tham quan mà không cần xếp hàng hay chen chúc giữa đám đông. Theo Telegraph, rất đáng để tận mắt trông thấy dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến cuộc sống trên thế giới như thế nào.
Bảo hiểm du lịch có tác dụng gì?
Các chính sách bảo hiểm du lịch bao gồm chi trả phí y tế cho việc điều trị nếu bạn bị ốm ở nước ngoài. Bảo hiểm cũng hỗ trợ chi phí hủy dịch vụ nếu bạn hoặc người đồng hành không thể lên đường vì vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, các chi phí cho việc cách ly hoặc tự cách ly ở nước ngoài vẫn chưa rõ ràng. Nếu bạn đến một thành phố hoặc quốc gia mà Bộ Ngoại giao cảnh báo là “không đến”, nhiều khả năng bảo hiểm du lịch sẽ không chi trả.
Kiều Dương (Theo Telegraph)
Nguồn: Vnexpress.net