Chùa Thầy không chỉ nổi tiếng với “Bến không chồng” mà còn có rất nhiều hang động lớn, được ví như “Sơn Đoòng thu nhỏ” nằm ngay cạnh Hà Nội. Nếu có một cuối tuần rảnh rỗi, ngại gì mà không vi vu check-in Chùa Thầy và khám phá những hang động đẹp mê hoặc lòng người tại đây? Cùng đọc bài viết sau để có những chỉ dẫn rõ ràng cho chuyến đi bạn nhé!
1. Chùa Thầy ở đâu và cách di chuyển đến đây?
Chùa Thầy là địa điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
Chùa Thầy là một ngôi chùa cổ nằm tại chân núi Sài Sơn, thuộc huyện Quốc Oai, Hà Nội. Ngôi chùa này cách trung tâm thủ đô khoảng 25km, vì vậy bạn sẽ chỉ tốn vài chục phút chạy xe là có thể tới đây.
“Bến không chồng” trong bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai”
Để đến Chùa Thầy, bạn có thể lựa chọn di chuyển bằng nhiều phương tiện từ xe máy, ô tô đến xe buýt tiện lợi.
-
Nếu đi bằng xe máy hoặc ô tô, bạn nên chạy theo hướng Đại lộ Thăng Long, khi tới cầu vượt Sài Sơn thì rẽ phải và đi thêm khoảng 1km sẽ đến chân núi Sài Sơn.
-
Nếu đi bằng xe buýt, bạn hãy tới bến xe Mỹ Đình và chọn tuyến 73. Đây là tuyến xe đi thẳng tới chùa Thầy, mỗi ngày có khoảng 6 – 10 chuyến chạy liên tục. Giá vé của tuyến buýt này chỉ 10.000VNĐ/người/lượt. Việc đi xe buýt sẽ không chủ động được thời gian, vì vậy, bạn nhớ phải căn giờ chính xác để không bị lỡ chuyến.
2. Giá vé tham quan tại chùa Thầy
Muốn vào tham quan khu di tích chùa Thầy bạn sẽ cần mua vé vào cổng. Hiện nay, giá vé áp dụng chung cho mọi đối tượng khách du lịch là 10.000VNĐ/người/lượt.
Chùa Thầy gắn với nhiều sự tích ly kỳ
Trong quá trình tham quan, bạn có thể nhờ các hướng dẫn viên bản xứ chỉ rõ lộ trình, đường đi hoặc nghe họ kể sự tích đầy bí ẩn về Chùa Thầy. Các hướng dẫn viên tại đây sẽ rất nhiệt tình giúp bạn, vì vậy, đừng quên “tips’ cho họ để cảm ơn nhé!
3. Cần chuẩn bị gì khi khám phá Chùa Thầy?
Khuôn viên chùa Thầy có nhiều cây xanh
Nếu muốn tham quan mọi ngóc ngách của Chùa Thầy bạn sẽ phải kết hợp cả đi bộ và leo núi. Vì vậy, hãy mặc những trang phục rộng rãi, đi một đôi giày thể thao mềm mại, để thấy thoải mái và năng động trong suốt chuyến đi.
Bạn cần chú ý cách ăn mặc khi tham quan chùa Thầy
Chùa là chốn linh thiêng nên bạn cũng cần chú ý ăn mặc kín đáo, lịch sự, tránh các trang phục phản cảm. Nếu đi vào những ngày trời nắng, việc chuẩn bị sẵn mũ nón hoặc ô cũng là điều cần thiết. Ngoài ra, ngay bên trong chùa có bán các loại đồ lễ, vì vậy, bạn nên hạn chế mang đồ đạc lỉnh kỉnh để thuận tiện cho quá trình di chuyển.
4. Chùa Thầy có gì thú vị?
Ngay khi đặt chân đến chùa Thầy bạn sẽ thấy sự yên bình, tĩnh tại hiện hữu ở mọi nơi. Giữa khung cảnh thiên nhiên núi rừng chim hót líu lo, mùi hương trầm nồng phảng phất và những tiếng chuông ngân dài lảnh lót, sẽ khiến tâm hồn bạn trở nên thư thái đến lạ.
Hồ nước Long Chiểu
Khi tới chùa Thầy, bạn có thể check-in tại hồ nước Long Chiểu với mái thủy đình cổ kính nổi giữa lòng hồ, hoặc check-in tại 2 cây cầu Nhất Tiên Kiều và Nguyệt Tiên Kiều, nơi người dân thường ngồi xem múa rối nước.
Các công trình kiến trúc tại chùa Thầy được xây dựng đan xen nhau
Chùa Thầy là khu di tích gồm nhiều công trình kiến trúc nhỏ được xây dựng đan xen lẫn nhau. Trong đó, chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng là ba ngôi chùa nằm song song và lần lượt cao dần lên núi.
Hang Cắc Cớ – Chùa Thầy
Địa điểm đặc sắc nhất mà bất cứ ai cũng không nên bỏ qua khi đến chùa Thầy chính là hang Cắc Cớ – một hang động tự nhiên được ví như Sơn Đoòng thu nhỏ ngay gần Hà Nội.
Vẻ đẹp của hang Cắc Cớ được ví với Sơn Đoòng
Để tới hang Cắc Cớ, bạn sẽ tốn khá nhiều công sức vì phải vượt qua những con đường gập ghềnh đá nhọn, phải leo bộ xuống một hang động rất sâu và tối. Tuy nhiên, mọi sự khó khăn, vất vả sẽ được đền đáp xứng đáng bằng những cảnh quan đặc sắc và vô cùng tuyệt diệu.
Nếu muốn dành trọn một ngày để vi vu check-in đâu đó, chùa Thầy – Hà Nội chính là điểm đến lý tưởng mà bạn nên tham khảo. Khung cảnh thiên nhiên núi rừng, không khí thanh tịnh và các công trình kiến trúc nơi đây chắc chắn sẽ khiến bạn mê mẩn, vừa thích thú check-in vừa không ngại dấn thân khám phá bằng hết những điều tuyệt diệu.
Nguồn: News.zing.vn